Số phận hẩm hiu
Nhà cụ Đước nằm sâu trong con đường Lê Quý Đôn, thuộc tổ dân phố Hòa Do - 5A. Ngôi nhà cấp 4 đã quá cũ, bởi đó là ngôi nhà được xây từ chương trình nhà Đại đoàn kết cách đây hơn 10 năm, nay đã mốc meo, xuống cấp mà chưa một lần được sửa sang… Nhưng nơi ở thật sự của cụ là căn lều cũ rách nát rộng chưa đầy 5m2 phía sau nhà, còn căn nhà xây cụ nhường cho các con.
Để mò nghêu, cụ Đước phải ngụp lặn dưới nước hàng chục giờ liền
Cụ Đước vốn là người huyện Xuân Lộc (tỉnh Phú Yên). Năm 1966, vợ chồng con cái dắt díu vào Khánh Hòa tìm chốn mưu sinh. Nhưng tại vùng đất mới, cuộc sống cũng không ưu đãi họ. Vì thế, 3 trong 5 đứa con của cụ đã quay lại Phú Yên. Hồi mới vào Khánh Hòa, cuộc sống của họ khốn khó đủ bề, nhưng đã dứt bước ra đi nên chỉ còn cố gắng, cả nhà cùng đồng lòng làm ăn.
Chồng đi làm rẫy, vợ và các con đi làm thuê, gánh mướn ở các cơ sở hải sản nên cũng lo đủ cái ăn, cái mặc, dựng được căn nhà che nắng che mưa ở mặt đường lớn. Nhưng vào một ngày cuối năm 1996, trong một lần lên rẫy, chồng cụ Đước đã vĩnh viễn ra đi vì một cơn tai biến, để lại 3 mẹ con…
Hai người con đang sống với cụ là Võ Long (47 tuổi) và Võ Thị Thu (40 tuổi) lại thường xuyên đau ốm. Khoảng 1 năm sau khi cha mất, cả Long và Thu đều mắc bệnh tâm thần, tính tình bất thường…
“Ngày đó, tai họa liên tục ập đến. Đã đôi lần tôi định tự vẫn cho xong. Nhưng nhìn các con ngơ ngơ dại dại, phát bệnh liên tục, tôi lại gắng gượng chạy vạy đủ bề để chữa trị, rồi bán hết tài sản và cả căn nhà để lo thuốc thang, nhưng bệnh các con không khỏi…”, cụ Đước kể trong nước mắt.
Nhà không còn, mấy mẹ con dắt nhau về dựng tạm căn chòi lá giữa vùng cát mênh mông sát mép biển, sống qua ngày. Một số người hàng xóm cho biết, ngày mẹ con cụ Đước về đây, gia đình chẳng còn gì, dù chỉ một nắm gạo. Động lòng thương, chòm xóm đã chung tay sẻ chia, người cho tấm bạt, tấm tôn, người góp lon gạo, chai mắm…, giúp gia đình cụ cầm cự qua ngày. Tuy vậy, người giúp cũng có hạn, cuối cùng, chèo chống chính vẫn là người mẹ già lưng đã còng.
Vất vả mưu sinh
“Lịch làm việc” của cụ Đước hơn 15 năm qua toàn dựa vào thủy triều. Có khi, cụ phải đi vào giữa trưa nắng chang chang và về lúc đã nửa đêm. Lúc lại đi vào 17 giờ, lọ mọ đến 3 giờ sáng hôm sau mới về tới nhà.
12 giờ trưa, giữa lúc cái nắng của vùng đất cát Cam Ranh như muốn thiêu đốt tất cả, cụ Đước bắt đầu lội bộ hơn 3km đường nhựa, băng qua những con đường mòn gập ghềnh dọc đìa tôm để ra bãi triều.
Giữa bãi triều mênh mông nước, người ta chỉ thấy tấm lưng còng nhấp nhô cùng cái thau nhựa lênh đênh và chiếc nón lá đã ngả màu của cụ. Vừa lội nước, cụ vừa dùng đôi tay, bàn chân mò mẫm từng con nghêu nằm dưới đáy biển để bỏ vào thau.
Người khỏe mạnh thường mò nghêu theo con nước, khi nước vừa lên trở lại cũng là lúc họ hoàn tất công việc, mang nghêu về bán. Còn cụ Đước, sau hàng chục giờ ngụp lặn, sức khỏe đã kiệt, cụ không lê nổi bước chân, nên chỉ còn cách thả người nương theo con nước, nước lớn đến đâu, cụ trở về đến đó. Mò nghêu dưới biển, không may giẫm phải vỏ hàu, vỏ nghêu sắc như dao, nhưng cụ chưa một lần dùng thuốc, mà cứ để mặc cho vết thương… tự lành, tiếp tục dầm mình trong nước biển mặn chát!
Anh Nguyễn Lộc, bạn nghề với cụ Đước, tâm sự: “Hành nghề ở đây hơn 30 năm, người tôi thán phục nhất là cụ Đước. Với người khỏe, ngụp lặn vài giờ dưới biển đã là quá sức. Nhưng hơn 15 năm qua, tôi chưa thấy cụ ngừng nghỉ, dù mưa bão hay biển động dữ dội. Không ít lần mọi người bắt gặp cụ Đước bị rét cóng, tím tái người, nhiều lần kề cận với cái chết.
Mùa mưa bão năm 2007, biển động, nước lớn, nhiều người không dám xuống bãi triều mò nghêu, duy chỉ có cụ vẫn một mình lặn lội xuống biển, mò những con nghêu dạt bờ. Khi trời vừa sẩm tối, một số người dân đi chằng néo lại ghe thuyền đã phát hiện cụ Đước kiệt sức vì bị sóng đánh, may mà họ kịp đưa cụ vào bờ sơ cứu. Vậy mà ngay hôm sau, đã lại thấy cụ ra bãi triều”.
Ngậm ngùi…
Đi sớm về khuya, có khi về đến nhà đã gần nửa đêm nhưng cụ Đước chưa được nghỉ ngơi ngay mà còn phải căng mắt hàng giờ để lựa, phân loại nghêu. Chợp mắt được một chút, 3 giờ sáng, cụ Đước lại cùng con trai gánh nghêu ra chợ bán. Làm việc cật lực như vậy, nhưng bữa cơm mà chúng tôi chứng kiến tại nhà cụ, ngoài cơm, chỉ có một miếng cá ồ mua với giá 10 ngàn đồng! Đó là thức ăn một ngày của 3 mẹ con cụ Đước.
Đã vậy, cụ còn thường nhường phần ăn ngon cho con, chỉ dùng món “khoái khẩu” và là món chính bao năm nay là muối hạt rang với đậu phụng. Hỏi ăn thế làm sao cụ đủ sức lặn biển thì cụ bình thản trả lời: “Quen rồi, đói, khổ cũng như nhau. Chỉ thấy đói, thấy khổ khi mỗi ngày mò được ít nghêu, lo không đủ cái ăn cho con…”.
Hiện nay, mỗi tháng cụ Đước được phụ cấp 180 ngàn đồng tiền trợ cấp cho người cao tuổi, tương đương 15kg gạo. 3 mẹ con phải rất chắt chiu, tằn tiện với khoản phụ cấp này. Chị Đào, một người dân địa phương bày tỏ: “Hai tháng nay mới biết hoàn cảnh của cụ, ai nấy đều động lòng. Mấy tuần qua, chúng tôi phân công nhau đến nhà động viên, hỏi thăm cụ; lúc thì mua mấy thùng mì tôm, lốc sữa để cụ bồi dưỡng, có thêm sức mò nghêu. Tuy nhiên, nhận những phần quà này, hầu như cụ không hưởng mà lại dành cho con.
Thương cụ, mọi người bàn tính xem mỗi ngày cụ làm được bao nhiêu tiền, rồi gửi biếu để khuyên cụ ở nhà vài ngày cho khỏe. Nhưng hôm sau, vẫn thấy cụ ra bãi triều. Hỏi thì cụ bảo, mình không còn sống được bao lâu, giờ lo được gì thì cứ lo. Mai này nhắm mắt xuôi tay, cụ cũng bớt ân hận vì đã gắng hết sức mình”.
Chia tay cụ Đước, một người bạn trong nhóm chúng tôi kịp nhanh chân đi mua biếu cụ 2 thùng mì tôm thịt bò. Nhưng nhìn thùng mì tôm, cụ Đước lại bảo: “Hơn 15 năm nay, cụ chưa biết đến mùi thịt. Hôm trước có người cho mấy gói mì bò, mới ngửi thôi đã dị ứng cả người”! Lời nói của cụ khiến ai cũng ngậm ngùi.