Chạy theo tin đồn, nhiều người tự tìm đến các lang vườn để chữa bệnh. Tin đồn “thuốc tiên” nhưng thực tế là “lợn lành thành lợn què” khiến không chỉ bệnh nhân mà thầy thuốc cũng khốn khổ....
Chạy theo tin đồn, nhiều người tự tìm đến các lang vườn để chữa bệnh. Tin đồn “thuốc tiên” nhưng thực tế là “lợn lành thành lợn què” khiến không chỉ bệnh nhân mà thầy thuốc cũng khốn khổ....
Nghe tin đồn… rước họa
Bác sĩ Bùi Văn Khánh (Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời gian gần đây, Trung tâm liên tục tiếp nhận các bệnh nhân bị dị ứng thuốc Nam, thuốc Bắc không rõ nguồn gốc hoặc do các ông lang vườn tự khám, tự bốc thuốc mà không có trình độ về Đông y.
|
Bệnh nhân cần đến các thầy lang có trình độ chuyên môn để được khám và bốc thuốc.
|
Chị Nguyễn Thị H (Văn Giang, Hưng Yên) vừa nhập viện trong tình trạng phù mặt, mụn nổi li ti 2 má, sưng mắt, nổi ban đỏ toàn thân. Bác sĩ chẩn đoán chị bị dị ứng do thuốc Nam dạng cao gây ra.
Chị cho biết, sau khi thấy nóng trong người, chị đến nhà thầy lang gần nhà để khám và cắt thuốc. Thầy lang “chỉ định” chị bị nóng trong nên giải độc bằng thuốc dạng cao của thầy. Chỉ sau 1 ngày uống thuốc, chị đã bị nổi mẩn toàn thân. Chị H chỉ biết thầy lang đấy dùng thuốc “gia truyền” chứ không rõ thầy có trình độ hay có giấy phép hành nghề hay không.
Cùng buồng bệnh còn có chị Lê Thị M, 50 tuổi (Thanh Liêm, Hà Nam). Chị bị thoái hóa đốt sống lưng nhiều năm, uống nhiều thuốc mà không khỏi. Được nhiều người mách trong vùng có thầy lang bốc thuốc Nam “hiệu nghiệm”, nên chị gửi người mua thuốc về uống.
Một tuần thấy đỡ đau, nhưng đến tuần thứ hai chị thấy toàn thân ngứa, nóng ran, mặt sưng vù, chân tay nổi mề đay, cảm giác cơ thể phồng lên như cái bánh đa nướng. “Nghe nói đó là thuốc gia truyền nhiều đời. Nhiều người đã dùng mách là thuốc tốt nên mình theo chứ chắc chắn thầy lang đó không có trình độ gì” - chị M nói.
Có nhiều trường hợp bị sút cân, đau nhức khớp đến mức phải đi cấp cứu vì thuốc Nam chữa tiểu đường. Có người da phồng rộp như bị bỏng… Thống kê của Trung tâm Dị ứng miễn dịch, chỉ hơn 1 năm đã có hơn 50 bệnh nhân dị ứng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc (chiếm 20% các ca dị ứng).
Làm khó thầy thuốc
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, dị ứng thuốc Nam thường phát sau 10-20 ngày uống thuốc khiến bệnh nhân nổi mụn, phát ban, ngứa ngáy. Người bị nặng có thể nổi ban đỏ toàn thân, sốt cao, vỡ mụn nước gây lở loét… Ngoài ra, dị ứng thuốc Nam còn gây nhiễm độc làm tổn thương đến các cơ quan nội tạng như gan, thận, thần kinh… “Đa số các bệnh nhân đều nghe tin đồn, tự ý bốc thuốc về dùng mà không rõ trong thuốc có các vị gì, được chế biến thế nào” – TS Đoàn cho biết.
“Không nên tin vào những lời đồn để tự mua thuốc chữa bệnh. Thuốc Nam không lành nếu như không được các thầy thuốc kê đơn, bốc thuốc theo đúng bệnh, đúng liều lượng và được sử dụng đúng hướng dẫn”.
TS Nguyễn Văn Đoàn
|
Do các loại lá cây, vị thuốc rất đa dạng nên việc phân tích các thành phần dược chất của một chén thuốc Nam để tìm ra hoạt chất gây dị ứng cho người bệnh rất khó khăn và mất thời gian. Quá trình điều trị kéo dài 7-10 ngày, nặng thì cả tháng. Việc khắc phục hậu quả của việc ngộ độc thuốc Nam cũng còn kéo dài.
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, để tăng hiệu quả “tức thì”, nhiều lang băm còn trộn cả thuốc Tây y vào Đông y. Điều này có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Theo lương y Trung, mỗi người có một cơ địa khác nhau, một nguyên nhân gây bệnh khác nhau nên thầy thuốc phải khám, bắt mạch mới có thể gia giảm vị thuốc cho phù hợp. Khi uống thuốc cũng phải thường xuyên liên hệ với thầy thuốc, tái khám để thầy thuốc biết được chuyển biến của bệnh để điều chỉnh. “Kể cả thuốc bổ cũng không được uống tùy tiện vì có thể sẽ có vị gây dị ứng” - lương y Vũ Quốc Trung cảnh báo.
Hồng Diệu
theo Dân Việt