Từ lâu Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội) đã nổi tiếng là nơi sản sinh ra những họa sĩ tài hoa và được mọi người gọi là “làng họa sĩ”, cái cách đào tạo họa sĩ ở đây cũng thật đặc biệt.
Từ lâu Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội) đã nổi tiếng là nơi sản sinh ra những họa sĩ tài hoa và được mọi người gọi là “làng họa sĩ”, cái cách đào tạo họa sĩ ở đây cũng thật đặc biệt.
Cổ Đô nằm nép sau dòng sông Hồng quanh năm đỏ nặng phù sa, những bờ đê nối nhau uốn lượn, chạy dài, tạo cho nơi đây một thế đứng vững chắc. Nơi đây, từng sản sinh ra những vị thượng thư nổi tiếng như Nguyễn Sư Mạnh, Nguyễn Bá Lân, nay Cổ Đô lại nổi tiếng cả nước với hơn 70 họa sĩ đang hành nghề, 14 người trong số đó là Hội viên hội mỹ thuật Việt Nam.
Nói đến tên tuổi những họa sỹ đã thành danh của Cổ Đô, không thể không nhắc tới họa sĩ Sỹ Tốt, ông không chỉ nổi tiếng khắp Cổ Đô mà cả làng tranh Việt Nam, cũng chính ông là người đặt nền móng cho sự phát triển mỹ thuật sau này ở nơi đây. Rất tiếc là họa sĩ Sỹ Tốt đã qua đời cách đây 7 năm, nên tôi cũng không có may mắn được trò chuyện.
Họa sỹ Trần Hòa, một trong những học trò của họa sĩ Sỹ Tốt nhớ lại: “Sau khi anh Sỹ Tốt mở lớp học vẽ năm 1976, phong trào mỹ thuật trong làng phát triển nhanh và mạnh hơn, tôi và nhiều lứa họa sỹ cùng tuổi khác may mắn học hỏi được rất nhiều từ họa sĩ Sỹ Tốt”.
|
Hoạ sĩ Trần Hoà hào hứng kể về những bức tranh do ông vẽ. Ảnh: L.H.
|
Thời kỳ đó, giấy mực khan hiếm, và hầu như là không có, tất cả học vẽ với niềm đam mê cháy bỏng với hội họa mà hiếm có nơi nào trên quả địa cầu này có được. Lớp này qua lớp khác, con học của bố, em học của anh… để rồi nơi đây sản sinh một thế hệ họa sỹ tiếp theo đầy tài năng như Giang Kích, Sỹ Luân, Trần Hòa, La Vuông. Không ai trong số những người vừa nêu tên không đạt những giải thưởng cao quý của Hội mỹ thuật Việt Nam. Đối với họ, có tranh treo ở các bảo tàng trong nước, thế giới là chuyện bình thường.
Có thể nói, họa sĩ Trần Hòa là một trong số rất ít những họa sĩ đầu tiên của làng được đào tạo một cách bài bản, ông trước kia theo học tại trường Mỹ Thuật Việt Nam, hiện tại ông có một bộ tranh 7 bức được lưu giữ rất trang trọng ở Viện Bảo tàng Mỹ thuật Hà Lan. Ông nói, như thế cũng là quá đủ cho một đời đam mê nghệ thuật hội họa.
Đam mê hội hoạ không giới hạn
Nói đến niềm đam mê hội họa khi đến Cổ Đô, không ai là không nhắc tới người họa sĩ thương binh Nguyễn Ngọc Cũi. Ông là cháu ruột của họa sĩ Sỹ Tốt. Tay phải coi như hỏng hoàn toàn vì bom đạn, nhưng ông miệt mài tập vẽ bằng tay trái, cứ thế ông vẽ bằng chính niềm tin và sự dũng cảm của chính mình, khắp nơi trong ngôi nhà của họa sĩ, từ phòng khách đến mỗi giường ngủ đều tràn ngập các bức tranh do ông sáng tác.
Vào đầu những năm 1990, những lớp học vẽ từ thiện được mở ra ngay tại nhà của các họa sĩ. Từ chiếc bút lông, hộp màu, bảng màu, giá vẽ… thậm chí cả những bữa ăn cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tất cả đều được miễn phí. Họa sĩ Trần Hòa cho biết: “Thời kỳ đầu chúng tôi gặp không ít khó khăn, nhất là vấn đề tài chính. Nhưng không vì thế mà lòng yêu nghề, say nghề giảm đi, đó cũng chính là động lực giúp chúng tôi duy trì những lớp học cho đến ngày hôm nay”.
|
Thầy Phùng Văn Đức hướng dẫn các em vẽ. Ảnh: L.H.
|
Gặp họa sĩ Phùng Văn Đức, một trong số những “giáo viên không lương” ngay tại sân của bảo tàng Cổ Đô, nơi thầy đang hướng dẫn cho các em học sinh lớp H7 tập những bài làm quen với màu sắc và hình khối, thầy cho tôi biết: “Công việc giảng dạy các lớp đều được phân công cho các họa sĩ trong làng, mỗi người phụ trách một lớp. Quá trình đào tạo cũng tuân theo trình tự nhất định, tất cả các em sau khi được học xong lớp cơ bản sẽ được chia lớp theo khả năng, trình độ, hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh bản thân...".
Em Nguyễn Văn Quân, một học sinh của lớp H7 hồn nhiên nói: "Ban đầu em thấy thích nên đến chơi, nhưng sau đó được các thầy chỉ bảo, thấy phù hợp nên theo đến tận bây giờ”. Những ngày đầu mới đến lớp học, không chỉ có một mình Quân có suy nghĩ như vậy, có rất nhiều em nghĩ đơn giản đến để “nghịch màu” nhưng sau đó lại thấy đam mê thật sự.
Họa sĩ Phùng Đức cũng chia sẻ thêm: "Chúng tôi dạy miễn phí cho các em vì yêu nghề và vì thấy các em cũng say mê quá. Có những học sinh là thương binh ¼, mất hai chân, vậy mà ngày nắng cũng như ngày mưa, tự mình lặn lội đến lớp trên đôi tay gầy guộc. Có những học sinh không thể đứng hay ngồi để vẽ, họ nằm sõng soài trên đất, vậy mà vẫn đến lớp đúng lịch, vẫn cầm bút vẽ… Chính những hành động và hình ảnh ấy lại càng làm cho chúng tôi thêm quyết tâm với công việc đang làm”.
|
Cổ Đô - làng hoạ sĩ trên đất Hà Nội. Ảnh: L.H.
|
Thầy giáo, họa sĩ Hoàng Việt, cũng là chủ tịch Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô, nói: “Tuy không có sự đầu tư bài bản từ các cấp chính quyền nhưng chúng tôi vẫn cố gắng duy trì những lớp học này bởi hơn ai hết, chúng tôi những họa sĩ làng Cổ Đô biết rằng mỹ thuật Cổ Đô cần phải tồn tại. Những lớp học như thế này sẽ không chỉ là sân chơi dành cho những người yêu thích hội họa mà đây sẽ còn là tiền đề để Cổ Đô dần trở thành một làng nghề”.
Trở về, tôi vẫn không thể hình dung nổi, một làng quê như bao nơi khác ở Bắc Bộ, chẳng có điều gì đặc biệt để lại nhiều ấn tượng trong tôi, lại sản sinh ra nhiều họa sỹ tài hoa và lừng danh đến vậy, phải chăng do hơi nước sông Hồng hòa quyện với những cơn gió thổi trên triền đê mỗi khi chiều về là cảm hứng vô bờ bến của người làng Cổ Đô?
Thái An
Theo infonet