Không chỉ bị người kế nhiệm tố cáo chiếm dụng con dấu, hồ sơ tài liệu, sổ sách kế toán khiến Công ty thiệt hại nặng nề, cựu Giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư Apromaco Thái Bình Vũ Khắc Căn còn bị tố vi phạm pháp luật khi không công khai những lợi ích liên quan đến Công ty gia đình trong thời gian làm giám đốc.
2 năm không bàn giao con dấu cho Giám đốc mới
Trong Đơn gửi tới Báo Pháp luật Việt Nam, ông Hà Tuấn Linh, Giám đốc Công ty Apromaco Thái Bình (giám đốc mới – PV) cho biết, năm 2018 ông Vũ Khắc Căn hết nhiệm kỳ làm Giám đốc. Căn cứ theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014và Điều lệ Công ty, Hội đồng quản trị đã có Nghị quyết miễn nhiệm ông Căn khỏi chức vụ Giám đốc Công ty. Công ty Apromaco Thái Bình cũng thực hiện các thủ tục pháp lý tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình về việc thay đổi Giám đốc - Người đại diện theo pháp luật của Công ty và được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đăng ký thay đổi lần thứ 5 với nội dung thay đổi Giám đốc - Người đại diện theo pháp luật của Công ty. Theo đó, ông Hà Tuấn Linh là Giám đốc - Người đại diện theo pháp luật mới của Công ty.
Tuy nhiên, điều trái ngang đã xảy ra khi ngày 26/6/2018, Công ty Apromaco Thái Bình có văn bản đề nghị ông Vũ Khắc Căn bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu, sổ sách kế toán, nhân sự, các tài sản hàng hóa, trụ sở, kho tàng, con dấu pháp nhân Công ty (dấu tròn) và toàn bộ giấy tờ pháp lý, hồ sơ sổ sách của Công ty cho Giám đốc mới, người đại diện theo pháp luật của Công ty thì ông Căn tuyên bố…không bàn giao!.
Ngày 4/7/2018, Đại diện của Công ty Cổ phần Vật tư Apromaco Thái Bình tiếp tục yêu cầu ông Vũ Khắc Căn bàn giao các tài sản, vật tư, kho hàng và tài liệu, chứng từ …có liên quan đến các hoạt động của Công ty thì ông Căn tiếp tục không hợp tác và cho người khóa các cửa kho lại.
“Từ đó đến nay (sau hơn hai năm - PV), mọi hoạt động của Công ty Cổ phần Vật tư Apromaco Thái Bình hoàn toàn bị đình trệ do hành vi của ông Vũ Khắc Căn. Tổng tài sản, tiền vốn bị chiếm đoạt lên tới trên 30 tỷ đồng. Công ty cũng không thể nào xuất bán hàng cho các Nhà phân phối, các Đại lý, cũng như bà con nông dân” – ông Hà Tuấn Linh, Giám đốc mới của Apromaco Thái Bình cho biết.
Giải thích về vấn đề này, ông Vũ Khắc Căn cho biết, ông không đồng ý bàn giao con dấu, chứng từ, kho tàng, vật tư vì ông là cổ đông sáng lập Công ty và với tư cách là Giám đốc, ông chưa được dự một cuộc họp nào cho ông thôi làm giám đốc. Cũng theo ông Vũ Khắc Căn, ngày 3/7/2018 ông được yêu cầu bàn giao con dấu, chứng từ, kho tàng thì tới tận ngày 9/7/2018 ông mới nhận được Quyết định miễn nhiệm của Chủ tịch Hội đồng quản trị gửi theo đường công văn nhưng không có dấu.
Ông cũng không đồng ý với quyết định của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Bình về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đăng ký thay đổi lần thứ 5 với nội dung ông Hà Tuấn Linh là Giám đốc - người đại diện theo pháp luật mới của Công ty. Mặc khác, vì ông vẫn là giám đốc Công ty nên không thể nói là ông chiếm đoạt 30 tỷ đồng tiền vật tư, nguyên liệu của chính công ty do ông làm giám đốc được.
Thêm vào đó, theo ông Vũ Khắc Căn, vì ông chưa được tham dự bất cứ cuộc họp nào bàn việc miễn nhiệm ông nên không thể nói là ông đã bị miễn nhiệm.
Trong khi đó, văn bản của Đảng uỷ Công ty Cổ phần Vật tư nông sản (Công ty sở hữu 75% cổ phần Apromaco Thái Bình - PV) do ông Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Đảng uỷ, Tổng giám đốc ký, khẳng định: “Trong suốt quá trình giữ cương vị Giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư Apromaco Thái Bình, đồng chí Vũ Khắc Căn đã có nhiều hành vi chống đối, không thực hiện Nghị quyết của Hội đồng quản trị”.
Đảng uỷ Công ty Cổ phần Vật tư nông sản cũng khẳng định, năm 2018, khi ông Vũ Khắc Căn hết nhiệm kỳ làm giám đốc, Chủ tịch HĐQT đã 2 lần gửi giấy mời ông Căn tới dự các cuộc họp Hội đồng quản trị để bàn kế hoạch tổ chức Phiên họp Đại hội cổ đông thường niên, trong đó có việc bầu HĐQT, Ban kiểm soát và bổ nhiệm Giám đốc Công ty nhưng ông Vũ Khắc Căn không tới dự bất cứ cuộc họp nào.
Trước tình hình đó, ngày 13/6/2018, căn cứ theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty, HĐQT đã triệu tập phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường. Tại phiên họp này, ông Vũ Khắc Căn có đến dự với tư cách là cổ đông nhưng khi đi vào nội dung chính phiên họp thì ông Căn tự ý bỏ về.
Tại Đại hội cổ đông bất thường này, Apromaco Thái Bình đã miễn nhiệm tất cả các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát do hết nhiệm kỳ và bầu Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát mới. Ngày 16/6/2018, HĐQT nhiệm kỳ mới đã bổ nhiệm ông Hà Tuấn Linh làm Giám đốc, người đại diện theo pháp luật mới của Công ty.
Vì ông Căn không được Đại hội đồng cổ đông bầu lại vào Hội đồng quản trị mới nên đương nhiên không được mời dự họp Phiên họp đầu tiên của Hội đồng quản trị để bổ nhiệm Giám đốc mới và miễn nhiệm Giám đốc cũ. Đây là lý do để ông Căn khẳng định mình không dự họp nên vẫn là Giám đốc của Công ty.
Theo phân tích củaLuật sư Lê Ngọc Hoàng (Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm, Đoàn LS Hà Nội), theo Điều lệ Apromaco Thái Bình; điểm a khoản 3 Điều 136 Luật Doanh nghiệp thì HĐQT phải triệu tập phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường là điều đương nhiên, phù hợp với quy định của pháp luật vì “xét thấy cần thiết vì lợi ích của Công ty”. Đồng thời, khi HĐQT, Ban Kiểm soát, BGĐ đã hết nhiệm kỳ thì việc bầu lại các chức danh này hoàn toàn nằm trong quyền hạn ĐHĐCĐ. Nếu ông Căn không đồng ý với Nghị quyết phiên họp ĐHĐCĐ bất thường này hoặc cho rằng các vấn đề này không có giá trị pháp lý thì có thể yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy bỏ Nghị quyết của ĐHĐCĐ trong thời hạn 90 ngày (nhưng ông Căn đã không thực hiện). Còn đối với việc Sở Kế hoạch Đầu tư cấp Giấy nhận đăng ký doanh nghiệp đăng ký thay đổi lần thứ 5 với nội dung ông Hà Tuấn Linh là Giám đốc - người đại diện theo pháp luật mới của Công ty, nếu không đồng ý thì ông Căn hoàn toàn có quyền khởi kiện Sở bằng một vụ án hành chính.
Tuy nhiên, trong khi chưa chứng minh được Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông và Giấy chứng nhận của Sở Kế hoạch và Đầu tư không có giá trị pháp lý thì ông Căn vẫn phải chấp hành các quy định của pháp luật về việc bàn giao lại con dấu, tài sản cho giám đốc mới.
Tiếp tục bị tố cáo vi phạm pháp luật
Không chỉ bị tố cáo chiếm dụng con dấu, tài sản, trong đơn gửi tới các cơ quan chức năng, nhiều cán bộ của Apromaco Thái Bình cũng tố cáo việc ông Căn trong thời gian đương nhiệm có nhiều việc làm vi phạm pháp luật, trong đó có việc để con trai mở Công ty THHH Thương mại Dịch vụ Vật tư Nông nghiệp Thái Bình,có cùng ngành nghề chính trùng với ngành nghề của Công ty Cổ phần Vật tư Apromaco Thái Bình (nơi ông Căn làm Giám đốc) nhưng ông Căn đã không công khai các lợi ích liên quan.
Cụ thể, năm 2015, con trai ông Căn mở công ty THHH Thương mại Dịch vụ Vật tư Nông nghiệp Thái Bình. Theo quy địnhtại điểm d Điều 160, Luật Doanh nghiệp, Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác có trách nhiệm “Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho công ty về doanh nghiệp mà họ và người có liên quan của họ làm chủ hoặc có phần vốn góp, cổ phần chi phối; thông báo này được niêm yết tại trụ sở chính và chi nhánh của công ty”.Tuy nhiên, ông Vũ Khắc Căn đã không làm điều này.
Biện minh cho việc làm của mình, ông Căn khẳng định: “Công ty đó do con trai tôi lập ra. Con trai tôi đã trưởng thành, ở riêng, có địa chỉ thường trú khác, việc kinh doanh phân bón không phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, ở Thái Bình ai thích lập công ty kinh doanh đều được cho phép, không thể nói liên quan đến tôi”.
Tuy nhiên, Luật sư Lê Ngọc Hoàng nhận định, ông Căntrả lời như vậy làđã cố tình hiểu sai pháp luật.“Ở đây, theo quy định thì pháp luật không cấm ông Căn có Công ty gia đình nhưng ông Căn là người quản lý (Giám đốc) tại Công ty Cổ phần Vật tư Apromaco Thái Bình nên ông Căn có nghĩa vụ phải khai báo các thông tin về Công ty gia đình này cho các cổ đông Công ty nơi ông đang làm Giám đốc được biết.Do vậy, việc ông Căn không khai báo các thông tin về Công ty gia đình cho các cổ đông Công ty CP Vật tư Apromaco Thái Bình biết là vi phạm pháp luật. Thậm chí, trong trường hợp có căn cứ chứng minh ông Cănsử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty, địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của công ty gia đình thì tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả gây ra, ông Căn có thể bị xử lý theo quy định”.
Hiện những đơn khác tố cáo ông Căn và vợ là bà Chu Thị Diệp trốn thuế trong quá trình ông Căn điều hành Apromaco Thái Bình cũng đã được một số người lao động trong Công ty gửi tới các cơ quan chức năng.
Theo Pháp luật Plus