Trước nhu cầu hành khách về quê trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 tăng đột biến so ngày thường, hầu hết các nhà xe đều nhân cơ hội này tăng giá vé xe lên cao.
Vào những ngày cao điểm giáp Tết, dự kiến tại Bến xe Miền Đông có hàng nghìn xe xuất bến mỗi ngày phục vụ hành khách.
Các xe trong bến, giá vé xe Tết tăng khoảng 20-60% so với ngày thường; còn các nhà xe bên ngoài tăng giá vé gấp đôi, thậm chí gấp ba lần ngày thường. Việc tăng giá vé xe Tết đều được các nhà xe lấy lý do nhằm bù đắp chi phí chiều ngược lại vắng khách, song thực tế đây là một kiểu làm ăn “tát nước theo mưa”. Trong khi đó, các cơ quan quản lý thì gần như mất kiểm soát đối việc tăng giá vé xe Tết, nhất là những nhà xe hoạt động ngoài bến núp bóng dưới dạng xe chạy hợp đồng, “open tour”.
Xe trong bến tăng 20-60% giá vé
Hiện nay có 3 loại phương tiện chủ yếu để người lao động đi làm xa quê lựa chọn về quê trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, đó là máy bay, tàu lửa và xe khách. Đối với phương tiện hàng không, do giá vé đi lại những ngày cao điểm Tết khá cao và số lượng chỗ cũng hạn chế nên rất nhiều người lao động không có khả năng. Còn với tàu lửa thì dù mức giá vé vừa phải đáp ứng được túi tiền của người lao động, song do đặc điểm ngành đường sắt là loại hình đường độc đạo nên cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu của hành khách. Do vậy, phương tiện chủ yếu được người lao động lựa chọn nhiều nhất vẫn là phương tiện xe khách đường bộ.
Chỉ riêng tại Bến xe Miền Đông – bến xe lớn nhất TPHCM chạy các tuyến đi khu vực miền Trung, Miền Bắc, miền Đông – trong khoảng 10 ngày trước Tết ước tính có khoảng gần 400.000 hành khách về quê, có ngày cao điểm phục vụ trên 50.000 hành khách (tăng gấp 2,5 lần ngày thường). Tương tự, tại Bến xe Miền Tây (phục vụ chủ yếu đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long), trong 10 ngày trước Tết ước tính phục vụ khoảng 450.000 hành khách (có ngày cao điểm phục vụ trên 60.000 hành khách).
Cùng với việc tăng phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách, thì giá vé xe khách đi lại tại 2 bến xe lớn này trong dịp Tết cũng tăng từ 20-60% so với ngày thường.
Cụ thể tại Bến xe Miền Đông: Đối với các tuyến từ Phú Yên trở ra các tỉnh phía Bắc bắt đầu tăng giá vé khoảng 20% từ ngày 12.12 âm lịch đến hết ngày 16.12 âm lịch; tăng 40% từ ngày 17.12 đến hết ngày 19.12 âm lịch và mùng 1 đến hết mùng 3 Tết; tăng 60% từ ngày 20.12 đến hết ngày 30.12 âm lịch.
Các tuyến thuộc tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng tăng 20% từ ngày 15.12 đến hết ngày 19.12 âm lịch; tăng 40% từ ngày 20.12 đến hết ngày 23.12 âm lịch và từ mùng 1 đến hết mùng 4 Tết; tăng 60% từ ngày 24.12 đến hết ngày 30.12 âm lịch. Tương tự, các tuyến ngắn đi Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa –Vũng Tàu…, giá vé cũng điều chỉnh tăng 20-60% (tùy từng thời điểm).
Còn đối với Bến xe Miền Tây, giá vé xe khách đi lại dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, các hãng xe sẽ phụ thu không quá 40% so với giá vé ngày thường. Riêng tuyến đường có cự ly trên 400km phụ thu không quá 60%. Thời gian phụ thu trong 6 ngày, từ ngày 12 đến 17.2.2018 (tức ngày 27 tháng Chạp năm Đinh Dậu đến mùng 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất)...
Xe ngoài bến tăng giá vô tội vạ
Nếu các xe khách đăng ký tuyến cố định hoạt động trong các bến xe được “bật đèn xanh” tăng giá vé chỉ 20-60% so với ngày thường khi phục vụ nhu cầu đi lại trong những ngày cao điểm Tết, thì bên ngoài các nhà xe núp bóng dưới dạng xe chạy hợp đồng, “open tour” - nhưng thực chất hoạt động như xe khách tuyến cố định – giá vé Tết lại tăng vô tội vạ.
Theo ghi nhận của PV tại các khu vực đường Đồng Đen, Hồng Lạc, Bàu Cát nằm trên địa bàn Q.Tân Bình, Tân Phú, nhiều nhà xe treo băng rôn quảng bá xe Tết chạy hợp đồng, du lịch. Khi tìm hiểu, PV được biết các nhà xe này bán vé, phiếu đặt chỗ cho khách lẻ có nhu cầu đi lại về quê dịp Tết không khác nào các nhà xe hoạt động tuyến cố định như trong bến. Tuy nhiên, về giá vé thì các nhà xe hoạt động bên ngoài này lại tăng gấp 2, thậm chí gấp 3 lần ngày thường.
Chẳng hạn, khi hỏi mua vé đi Huế vào ngày 26.12 âm lịch từ một nhân viên nhà xe trên đường Hồng Lạc, thì được nhân viên này báo 1,2 triệu đồng/vé giường nằm (bao ăn). Trong khi giá vé ngày thường của nhà xe này khoảng 450.000 đồng/vé giường nằm. Tương tự, trên đường Đồng Đen, một nhà xe bán vé xe Tết đi Đà Nẵng ngày thường có giá 300.000 – 400.000 đồng/vé thì đến Tết tăng lên 1.150.000 đồng/vé…
Hành khách đón xe tại Bến xe Miền Đông.
Tại một số tuyến đường khu vực Q.1, Q.10, các nhà xe phục vụ hành khách đi Nha Trang, Ninh Thuận cũng hét giá vé Tết cao ngất so với ngày thường. Ví dụ: Giá vé đi Nha Trang ngày thường khoảng 200.000 đồng/vé thì đến dịp Tết đẩy giá vé lên 450.000 đồng/vé…
Khi PV đặt vấn đề vì sao giá vé bên ngoài cao hơn nhà xe trong bến rất nhiều mà vẫn tìm mua, một hành khách là người lao động tự do (quê Ninh Thuận) cho rằng: “Đi những xe này tuy giá đắt hơn, nhưng họ đưa về đến tận nhà, trong khi đi xe trong bến họ chỉ dừng đến bến xe cuối rồi mình phải tự bắt xe ôm hoặc taxi về nhà vừa mất thời gian vừa phiền hà vì hành lý lỉnh kỉnh”.
Bù đắp chi phí hay “tát nước theo mưa”?
Dù là xe bên trong bến hay ngoài bến, khi được hỏi vì sao lại tăng giá vé khá cao so với ngày thường thì chúng tôi đều nhận được những câu trả lời muôn thuở “tăng giá vé để bù đắp chi phí cho chiều xe chạy ngược lại vắng khách”. Với lý do các nhà xe đưa ra nghe có vẻ hợp lý nên nhiều người có thể dễ dàng chấp nhận vì “Tết nhất mà”, khi kết thúc một năm làm việc ai cũng mong muốn được về nhà càng sớm càng tốt.
Đành rằng, vào những ngày giáp Tết, các chiều xe từ hướng ngược lại (hướng từ Bắc vào Nam) vắng khách, thế nhưng việc tăng giá xe khách quá cao, gấp 2-3 lần ngày thường thì không thể chấp nhận được, nhất là những nhà xe núp bóng xe hợp đồng, “open tour”. Đây chẳng khác nào những kiểu làm ăn chụp giật, “tát nước theo mưa”, bắt chẹt người lao động.
Ông Nguyễn Văn Dậu từng có xe khách chạy tuyến TPHCM – Quảng Ngãi cho rằng, ai cũng biết nhu cầu đi về quê dịp Tết rất lớn và để giải quyết nhu cầu này, các nhà xe tăng xe, tăng chuyến, và cả tăng giá. Tuy nhiên, việc tăng giá chỉ nên dừng ở mức chấp nhận được, tức tăng khoảng 40% so với ngày thường đã là nhiều rồi. Bởi dù chiều ngược lại (Bắc – Nam) có vắng khách, nhưng sòng phẳng mà nói ở chiều từ Nam – Bắc thì hầu hết các chuyến xe đều chật kín hành khách, đấy là chưa kể những nhà xe tham lam còn nhồi nhét thêm hành khách vượt mức quy định.
“Và với một chiều đông nghẹt khách và mức giá tăng 40% so với ngày thường thôi, nhà xe đã có lãi rồi. Còn nếu các nhà xe tăng đến 60% hay tăng gấp 2-3 lần ngày thường thì thật quá đáng, chẳng khác nào lợi dụng cơ hội Tết để bắt chẹt hành khách” – ông Nguyễn Văn Dậu nói.
Điều đáng nói hơn, là dù các nhà xe núp bóng xe chạy hợp đồng, “open tour” bên ngoài nâng giá vé cao gấp 2-3 lần ngày thường, song dường như các cơ quan quản lý đều bó tay. Khi đề cập đến việc xử lý những nhà xe này, thì Thanh tra Sở GTVT TPHCM cho rằng, thanh tra không có quyền kiểm tra, xử lý về giá vé, mà do ngành thuế và tài chính thực hiện. Nếu có chăng, Thanh tra GTVT chỉ có quyền xử lý việc đón - trả khách không đúng quy định.
Đối với các nhà xe hoạt động kinh doanh vận tải khách tuyến cố định (có đăng ký đầu bến, cuối bến) thì dễ xử lý hơn, vì nếu họ đón - trả khách sai quy định là có thể xử phạt. Còn đối với các nhà xe kinh doanh dưới dạng hợp đồng, “open tour”, dù biết họ hoạt động như tuyến cố định nhưng không xử lý được. Khi Thanh tra GTVT kiểm tra thì các DN đều trình đầy đủ các loại giấy tờ hợp thức hóa bằng cách cung cấp danh sách tên khách hợp đồng. Vì vậy khi kiểm tra không có cơ sở xử lý, bởi luật pháp không cấm nhà xe chạy xe hợp đồng.
Trong khi đó, đơn vị có chức năng xử lý về giá vé là Thanh tra Sở Tài chính thì cũng cho rằng khó mà xử lý. Bởi vì, các nhà xe hoạt động bên ngoài dưới danh nghĩa xe hợp đồng, “open tour”, chứ không đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải hành khách như tuyến cố định nên không đăng ký kê khai giá cước. Và khi không có đăng ký kê khai giá cước thì Thanh tra Sở Tài chính không có cơ sở để xử lý việc nhà xe nâng giá vượt giá kê khai.
Huyền Trân
Theo Lao Động