Sự kiện hot
3 năm trước

Loạt dự án bất động sản khắp các tỉnh thành về tay TNR Holdings bằng cách nào?

Những năm gần đây, Tập đoàn TNR Holdings và nhóm các doanh nghiệp liên quan gây nhiều chú ý khi dồn dập gom đất tỉnh lẻ và trở thành “đại gia” sở hữu quỹ đất lớn phủ sóng khắp các tỉnh thành trên cả nước. Vậy nhóm doanh nghiệp này đã lấy quỹ đất “khủng” lên đến hàng triệu ha về tay như thế nào?

“Nhóm TNR Holdings” gồm những doanh nghiệp nào?

TNR Holdings là công ty thành viên của Tập đoàn Đầu tư TNG (TNG Holdings) do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường làm Chủ tịch HĐQT. Doanh nghiệp này được giới thiệu là tập đoàn kinh tế đầu tư đa ngành: Tài chính ngân hàng, khoáng sản, nông lâm nghiệp, bán lẻ và đầu tư kinh doanh bất động sản.

Ở lĩnh vực bất động sản, TNR Holdings Việt Nam hiện đang quản lý và phát triển hơn 300 dự án bất động sản trên toàn quốc với ba phân khúc chính gồm Gold, TNR Stars và TNR Grand Palace.

Trong vài năm trở lại đây, TNR Holdings và các công ty con, các đơn vị có quan hệ mật thiết, liên quan đến “hệ sinh thái” TNG Holdings như: Hano – Vid, TNI Holdings, Địa ốc Việt Hân, May – Diêm Sài Gòn, Bất động sản Mỹ, Hạ tầng Nam Quang… gây nhiều chú ý khi liên tục gom quỹ đất lên tới cả triệu hecta tại các tỉnh lẻ. Đặc biệt, cách thức những dự án này về tay nhóm doanh nghiệp này đều giống nhau…

Dự án TNR Goldmark City 136 Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) do TNR Holdings quản lý và phát triển.

Trong đó, TNR Holdings Việt Nam và Hano-Vid vốn không phải là những cái tên xa lạ gì trong giới đầu tư bất động sản, bởi họ đã và đang sở hữu những dự án lớn, trải dài từ nam ra bắc.

Mối quan hệ giữa Hano-Vid và TNR Holdings Việt Nam khá mật thiết. Hiện đang liên danh đầu tư, phát triển nhiều dự án. Theo tìm hiểu, Hanovid được thành lập năm 2010 do Hanosimex, Tổng Công ty CP Dệt may Hà Nội, và Công ty CP Tập đoàn đầu tư Phát triển Việt Nam (TNI Holdings) góp vốn sáng lập. Đến năm 2016, vốn điều lệ của HANO-VID là 320 tỷ đồng, trong đó TNI Holdings chiếm tới trên 99% cổ phần.

Trong khi đó, TNI Holdings là một thành viên của TNG Holdings chuyên đầu tư phát triển các khu công nghiệp. Công ty này do ông Bùi Quang Tuấn (SN 1980) làm Tổng Giám đốc.

Còn Hạ Tầng Nam Quang do bà Trần Việt Hương (SN 1985) làm Chủ tịch HĐQT trong thời gian dài, doanh nghiệp này đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 115, phố Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Đây cũng chính là địa chỉ trụ sở chính của TNI Holdings. Ngoài ra, bà Việt Hương và ông Bùi Quang Tuấn - Tổng Giám đốc TNI Holdings cũng cùng đăng ký hộ khẩu thường trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Tại Công ty Việt Hân, chính ông Bùi Quang Tuấn (SN 1980) cũng giữ vai trò là Tổng Giám đốc trong thời gian dài, mới đây vị trí này mới được chuyển giao cho cá nhân khác. Bên cạnh đó, Công ty Việt Hân và TNR Holdings đang cùng là chủ đầu tư và quản lý vận hành dự án Goldmark City 136 Hồ Tùng Mậu, Hà Nội.

Ngoài ra, đồng hành cùng nhóm doanh nghiệp TNR Holdings trong công cuộc mở rộng quỹ đất còn có những cái tên quen thuộc như CTCP May – Diêm Sài Gòn, CTCP Bất động sản Mỹ.

Về phía May - Diêm Sài Gòn, doanh nghiệp này được thành lập từ những năm 20 đầu thế kỷ 20. Tháng 7/2004, công ty hoàn thành cổ phần hóa, lấy tên là CTCP May - Diêm Sài Gòn, vốn điều lệ ban đầu là 5,5 tỉ đồng, trong đó 36% là vốn Nhà nước.

Từ một doanh nghiệp nhà nước, trụ sở tại phía Nam và không có nhiều hoạt động trong lĩnh vực BĐS nhưng thời gian gần đây, cái tên May - Diêm Sài Gòn bất ngờ nổi lên khi liên tiếp trúng thầu loạt dự án tại phía Bắc.

Đáng chú ý, các hoạt động liên quan đến bất động sản của May – Diêm Sài Gòn đều liên quan mật thiết đến TNR Hodings và có sự đồng hành của doanh nghiệp này. Thậm chí tại dự án như The GoldView (Cao ốc Hoà Bình) do May – Diêm Sài Gòn làm chủ đầu tư nhưng vai trò lại khá mờ nhạt, bởi dự án được quảng cáo rầm rộ với sự đồng hành của TNR Holdings khiến không ít người nghĩ rằng TNR Holding chính là chủ đầu tư dự án này.

Được biết, TNR Holdings Việt Nam và May - Diêm Sài Gòn đã kí kết một thoả thuận hợp tác chiến lược về dự án The GoldView. Theo nội dung thoả thuận, TNR Holdings sẽ là nhà quản lí, điều hành và phát triển dự án.

Dự án The GoldView do May Diêm Sài Gòn làm chủ đầu tư, TNR Holdings là nhà phát triển.

Thời gian gần đây, May – Diêm Sài Gòn đã “góp mặt” cùng các doanh nghiệp liên quan đến TNR Holdings trong hành trình mở rộng quỹ đất.

Còn CTCP Bất động sản Mỹ tiền thân là CTCP Bất động sản Mùa Đông - VID, được thành lập vào ngày 28/9/2007, trước đây do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (giai đoạn 2015 trở về trước).

Cũng trong hai năm trở lại đây, BĐS Mỹ và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái TNG Holdings liên tục trúng thầu hàng loạt dự án ở phía Bắc và các tỉnh Tây Nam Bộ thông qua hình thức chỉ định thầu.

Cách TNR Holdings trở thành nhà đầu tư loạt dự án

Đáng chú ý, phần lớn các dự án nhóm doanh nghiệp này trúng thầu hầu như đều cùng một phương thức là được chỉ định thầu.

Đối với các doanh nghiệp bất động sản, để tham gia đấu thầu và trúng thầu dự án liên quan đến quyền sử dụng đất là cả một quá trình rất khó khăn. Nhưng riêng với TNR Holdings và các doanh nghiệp thành viên, liên quan đến hệ sinh thái TNG Holdings, rất nhiều dự án lớn nhỏ tại nhiều tỉnh thành đã “về tay” Tập đoàn này theo cách quen thuộc, lặp lại giống nhau thông qua sự liên kết của nhóm các doanh nghiệp thành viên hoặc liên quan.

Để trúng thầu hàng loạt dự án, nhóm doanh nghiệp này đã bằng nhiều cách tham gia mở thầu lựa chọn nhà đầu tư như tham gia độc lập, hoặc thành lập liên danh đều là những công ty trong nhóm doanh nghiệp có liên quan, thậm chí là “đối thủ” của nhau ở vòng sơ tuyển, để rồi sau đó chỉ 1 hoặc 1 liên danh đầu tư vượt qua vòng sơ tuyển, trở thành nhà đầu tư duy nhất và được chỉ định thầu…

Thực chất, nhóm doanh nghiệp này đều có nhất định đến TNR Holdings và TNG Holdings. Cho nên cũng dễ hiểu, mỗi khi tham gia đấu thầu đều chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp trúng vòng sơ tuyển, để rồi chính thức được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án.

Một ví dụ điển hình nhất là việc trúng thầu dự án đầu tư xây dựng Khu biệt thự sông Uông, TP Uông Bí (Quảng Ninh) với quy mô khoảng 32ha, tổng vốn đầu tư lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.

Theo đó, tháng 12/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Liên danh Công ty CP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) và Công ty CP đầu tư phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam (TNR Holdings) trúng thầu dự án này theo hình thức chỉ định thầu.

Hình ảnh dự án Khu biệt thự Sông Uông được giới thiệu trên một số website. 

Tỉnh Quảng Ninh giải thích việc áp dụng lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định là do chỉ có 01 nhà đầu tư đáp ứng hồ sơ mời thầu. Mà thực tế chỉ duy nhất Liên danh Công ty Việt Hân và TNR Holdings trúng vòng sơ tuyển.

Tại buổi mở thầu có 3 nhà đầu tư tham gia dự sơ tuyển gồm: Công ty HANO-VID, Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang (Công ty Nam Quang) và Công ty CP Đầu tư phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam (Công ty TNR Holdings). Điều đáng nói 03 doanh nghiệp này có mối quan hệ sở hữu khá mật thiết, đan xen với nhau.

Có thể thấy, nhóm các nhà thầu đối thủ tham dự và trúng thầu tại dự án này, tất cả đều là các doanh nghiệp thành viên hoặc liên quan tới Tập đoàn TNG Holdings (như đã đề cập phía trên).

Đối thủ của TNR Holdings trong thương vụ đấu thầu Khu biệt thự Sông Uông là Hạ Tầng Nam Quang. Ngoài mối quan hệ mật thiết như đã đề cập, TNR Holdings và Hạ tầng Nam Quang lại là đối tác với nhau tại Dự án phát triển đô thị số 7A, phường Sông Hiến, TP Cao Bằng khi liên danh này được UBND tỉnh Cao Bằng lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án cũng theo hình thức chỉ định.

Hạ tầng Nam Quang còn là nhà đầu tư của 3 KCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương, gồm KCN Nam Sách, KCN Phúc Điền, KCN Tân Trường. Hiện nay, TNI Holdings - một thành viên của TNG Holdings - đang là đơn vị phát triển 3 KCN này.

Trên thực tế, còn nhiều dự án tại nhiều tỉnh, thành khác đã “về tay” nhóm TNG Holdings theo cách tương tự. Trong đó, “bộ đôi” gây chú ý nhất là TNR Holdings và Hano – Vid…

Điển hình vào tháng  1/2019, liên danh TNR Holdings Việt Nam - Hano-Vid đã được Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP. Bắc Kạn công bố là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển tại Dự án Khu dân cư Đức Xuân 4, TP. Bắc Kạn (giai đoạn I). Tổng diện tích đất sử dụng cho Dự án là 6,7 ha với số vốn đầu tư dự kiến 59,42 tỷ đồng.

Cùng thời điểm này, UBND tỉnh Cao Bằng cũng đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Phát triển đô thị số 10A, phường Sông Hiến theo hình thức chỉ định thầu, và liên danh TNR Holdings Việt Nam - Hano-Vid tiếp tục trúng thầu, dự án có tổng mức đầu tư 438,51 tỷ đồng.

Vào tháng 2/2019, Hano-Vid là nhà đầu tư duy nhất vượt qua vòng sơ tuyển tại dự án Khu dân cư tổ 3, phường Nghĩa Phú, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông với giá trị 684,1 tỷ đồng.

Năm 2020, Mạng đấu thầu Quốc Gia đã công bố loạt thông báo về đơn vị trúng thầu dự án đô thị, trong đó, Bất động sản Hano – Vid trúng thầu 2 dự án “khủng” ở Lai Châu và Hà Tĩnh với tổng vốn đầu tư lên đến 2.000 tỷ đồng.

Cụ thể tại Hà Tĩnh, Bất động sản HANO- VID trúng thầu Dự án Khu dân cư đô thị Bắc Phố Châu 1, huyện Hương Sơn, quy mô 10,8ha, với tổng đầu tư 799.053.000.000 VNĐ. Trong khi đó tại Lai Châu, đơn vị này trúng thầu dự án Khu dân cư 5A – 7B, thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên, quy mô 50ha, với tổng vốn đầu tư 1.200.784.000.000 VNĐ…

Xem thêm: 

Cách thương hiệu TNR Holdings huy động nguồn vốn cho các dự án bất động sản

Thanh Hóa: Thị xã Bỉm Sơn ra thông tin cảnh báo về dự án TNR Stars Bỉm Sơn

Hạ Lam 

Theo KTĐU

Từ khóa: