Năm 2022, BIDV ước tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,96 triệu tỷ đồng, tổng tài sản đạt hơn 2,08 triệu tỷ đồng, tăng gần 21% so với năm 2021 và là ngân hàng thương mại đầu tiên vượt mốc này.
Năm 2022, BIDV ước tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,96 triệu tỷ đồng, tổng tài sản đạt hơn 2,08 triệu tỷ đồng, tăng gần 21% so với năm 2021 và là ngân hàng thương mại đầu tiên vượt mốc này.
Thông tin tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ công tác Đảng và công tác kinh doanh năm 2023, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID) cho biết các chỉ tiêu kinh doanh của ngân hàng trong năm 2022 đều đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao.
Theo đó, kết thúc năm 2022, lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng thương mại đạt 22.560 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỷ đồng. Tổng tài sản BIDV đạt hơn 2,08 triệu tỷ đồng, tăng trưởng gần 21% so với năm 2021 và là ngân hàng thương mại đầu tiên vượt mốc này.
Tổng nguồn vốn huy động đạt 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 21,1% so với đầu năm; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1,62 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với đầu năm và chiếm gần 13,6% thị phần tiền gửi toàn ngành ngân hàng.
Trong năm, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12,65% so với đầu năm, cao hơn mức thực hiện năm 2021 (11,8%).
Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN được ngân hàng kiểm soát ở mức 0,9%. Tỷ lệ trang trải nợ xấu (dư quỹ dự phòng rủi ro tín dụng/dư nợ xấu) đạt 245%, mức cao nhất trong các năm gần đây.
Các chỉ tiêu sinh lời, chỉ tiêu an toàn hoạt động của hệ thống được đảm bảo: ROA đạt 0,95%; ROE đạt 20,2%, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Hệ số an toàn vốn (CAR) đạt 8,76%.
Đặt mục tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2023, BIDV dự kiến dư nợ tín dụng tăng 12- 13%, huy động vốn điều hành phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo an toàn, hiệu quả, dự kiến tăng 11%. Kiểm soát tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 ở mức không vượt 1,4%.
Huyen Vi
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh