Sự kiện hot
12 năm trước

Lừa đảo trên đường phố “tái xuất”

Những năm gần đây, nhiều chiêu lừa đảo trên phố khiến một số người dân “nhẹ dạ cả tin” mắc bẫy của những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp.

Những năm gần đây, nhiều chiêu lừa đảo trên phố khiến một số người dân “nhẹ dạ cả tin” mắc bẫy của những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp.

Khi thì chúng giả công nhân các công trình đi gạ gẫm bán khoan, lúc thì giả thợ điện bán cuộn dây điện thừa, có lúc lại giả sinh viên hoặc đồng nát nhặt được điện thoại đắt tiền nên đem bán, ....

Năm 2012, tình trạng lừa đảo trên phố kiểu này đã tạm được “dẹp yên” nhưng kể từ sau Tết âm lịch, hiện tượng lừa bán các sản phẩm giả trên phố lại “tái xuất”. Những kẻ lừa đảo tiếp tục ngang nhiên lượn lờ phố phường, đặc biệt là tuyến phố gần những công trình xây dựng như đường Láng, quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, .... Phần lớn chúng đều đeo khẩu trang và đeo kính để che kín mặt. Hễ cứ thấy người đi đường nào trông “hiền lành”, dễ lừa là chúng lại gần để gạ gẫm bán sản phẩm.


Trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, người thanh niên (bên trái ảnh) đang gạ gẫm người đi đường mua một cuộn dây điện.

Theo anh Tuấn, trú ở phường Láng Hạ, tuần trước khi đang đi trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân đoạn gần phố Nguyễn Tuân, có một thanh niên đeo kính và đeo khẩu trang kín mặt đi sát hỏi anh có mua dây điện không. Người này cho biết vừa mới lấy “trộm” được nên đem bán với giá rẻ. Anh Tuấn lắc đầu không mua thì thanh niên này tiếp tục “lượn” lên trên để gạ người đi đường khác.

Anh Dũng, một người bán đồ điện trên đường Láng, quận Đống Đa, cho biết, phần lớn các loại dây điện được gạ bán trên đường đều xuất xứ từ Trung Quốc, dây được làm giả, thủ công, rất dễ đứt và cháy. Hơn nữa, phần lõi dây không đúng so với quy chuẩn ghi trên dây. Tuy nhiên, giá bán được chúng đưa ra thấp đến hơn 30  - 50% giá dây bán trên thị trường nên cũng khiến một số người đi đường cảm thấy thích thú với cơ hội này. Liệu nếu họ trót mua cuộn dây này rồi và vẫn “cố tình” lắp đặt, sử dụng thì hậu quả sẽ ra sao...?

Trên đường Láng còn xảy ra nhiều trường hợp những nữ lừa đảo mặc áo công nhân công trường và đi trên những chiếc xe máy cũ để gạ bán máy khoan. Đa phần lý do chúng đưa ra đều là nhặt được hoặc “công khai” nói lấy của công trình nhằm thu hút người đi đường.

Thậm chí, chúng còn “ngụy trang”, làm cũ những chiếc khoan đó bằng cách bôi xi măng, sơn hoặc cào xước nhẹ phần thân khoan. Không những thế, còn có nhiều trường hợp các đối tượng đi trên những chiếc xe tải áp sát người đi đường để mời mua khoan. Giá bán mà chúng đưa ra thường khoảng 500.000 – 600.000 đồng/chiếc trong khi giá trị thực của chiếc khoan “tàu” đó chỉ khoảng 300.000 đồng/chiếc. “Đây là khoan của Trung Quốc, mua về nhà may ra chỉ khoan được gỗ hoặc khoan vài mũi là cháy ngay”, anh Quyền, người đã từng bị lừa mua khoan, chia sẻ.

Không chỉ lừa bán sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, nhiều đối tượng còn manh động hơn khi giả vờ nói nhặt được Iphone, vàng, ... rồi gạ bán hoặc nhờ người đi đường bán hộ với điều kiện để lại túi, cặp sách làm tin.

Do nghĩ “vớ” được món lời nên nhiều người dân đã rơi vào bẫy của chúng sau đó mới biết là Iphone “tàu” hoặc vàng giả... Có thời gian, những kẻ lừa đảo còn ngang nhiên đứng ở một số cây xăng trên đường Láng để gạ bán kính mắt, những chiếc kính rẻ tiền được chúng giới thiệu là hàng xịn và nói với giá trên trời.

Có thể thấy, tình trạng lừa đảo kiểu này trên các đường phố không còn là hiếm. Chúng ngày càng phong phú về hình thức và phương thức tiếp cận khiến cho người đi đường không dễ gì phân biệt được. Theo một số chuyên gia, không quá khó để đề phòng những kiểu lừa đảo này bởi với những “món hời” như vậy thì không dễ gì người ta chia sẻ với những người đi đường. Do đó, việc gạ bán ngay trên đường phố đa phần chỉ là trò bịp bợm của những kẻ lừa đảo.

Có lẽ, những vụ việc lừa đảo trên đường phố sẽ vẫn tiếp tục diễn ra nếu như các cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý triệt để và nghiêm khắc: Số tiền lừa một người có thể là nhỏ nhưng với hàng trăm, hàng nghìn người thì hoàn toàn khác. Mặt khác, người tiêu dùng cũng nên từ bỏ thói quen “ham rẻ” mà mua hàng trên đường phố. Đó không chỉ là biện pháp hữu hiệu để người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi cho chính mình mà nó cũng khiến cho hình thức lừa đảo kiểu này giảm bớt.

Nguyễn Tuấn
theo PL&XH

Từ khóa: