Thời gian vừa qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn, thậm chí, có một số địa phương giai đoạn đầu của dịch bệnh đã ban hành văn bản có tính chất “khắc nghiệt” gây cản trở lưu thông hàng hóa. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã có công văn số 4481 công bố danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, trong đó có sản phẩm chè.
Trước đó, thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng về các biện pháp cấp bách phòng chống COVID-19, một số nội dung của chỉ thị, nhất là khái niệm hàng hóa thiết yếu còn chưa được hiểu và thực hiện thống nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu.
Đồng thời trên cơ sở kiến nghị của một số doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, Bộ Công thương đề nghị Sở công thương các địa phương rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh, cho phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 đối với một số nhóm mặt hàng thiết yếu.
Theo đó, nằm trong danh mục các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm; hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chè cũng là một trong những sản phẩm hàng hóa thiết yếu được lưu thông trong mùa dịch. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã có Văn bản hỏa tốc 5753/BYT-MT về việc xét nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho người vận chuyển hàng hóa. Như vậy, cơ chế chính sách liên quan việc lưu thông hàng hóa, tránh bị đứt gãy khi vận chuyển hàng hóa mùa dịch bước đầu tháo gỡ được khó khăn cho thị trường trong nước.
Ngoài ra, để nâng cao mức tiêu thụ đối với sản phẩm chè, nhiều địa phương đã có nhiều hướng đi hay khi gắn tiêu thụ chè trong nước với mục tiêu “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.
Tại tỉnh Tuyên Quang, để khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của cây chè, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang tham mưu với Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách để tập trung khai thác mọi nguồn lực có hiệu quả, bền vững về tiềm năng và lợi thế của chè Tuyên Quang, trên cơ sở phát triển đồng bộ sản xuất, chế biến, thị trường tiêu thụ chè gắn với việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, sản phẩm đa dạng, an toàn và chất lượng cao, đưa sản phẩm chè Tuyên Quang thành sản phẩm có thương hiệu, vị thế trên thị trường trong nước và trên thế giới.
Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, trao đổi với ông Trần Hải Tuyên – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết: Định hướng sản xuất chè của Tuyên Quang trước tiên là phải nâng cao sức canh tranh của sản phẩm bằng việc nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm, tích cực cải tiến mẫu mã để tạo lòng tin về chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, để đạt được như vậy, với vai trò của mình, ngành nông nghiệp tích cực phối hợp với các địa phương hướng dẫn người sản xuất, doanh nghiệp chế biến mở rộng vùng sản xuất áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; làm tốt quản lý an toàn thực phẩm trong sản xuất.
Cùng với đó, triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, của Trung ương để đầu tư phát triển sản xuất, chế biến. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm và xúc tiến thị trường sản phẩm chè; tích cực đưa các sản phẩm chè chất lượng cao tham gia các hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm.
Tích cực giới thiệu tiềm năng, lợi thế về cây chè của Tuyên Quang để thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực về vốn, công nghệ chế biến, thị trường trong nước và ngoài nước đầu tư liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Tuy là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ; mở rộng các kênh phân phối hàng Việt Nam thuận tiện, linh hoạt; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức quản lý chặt chẽ các hoạt động đưa hàng Việt Nam về nông thôn; thiết lập các điểm bán hàng Việt Nam bền vững tại các chợ, khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; khuyến khích xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, nhất là các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực có lợi thế; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và những hành vi gian lận thương mại; tuyên truyền, phổ biến và thực thi pháp luật về quyền lợi người tiêu dùng...
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 hiện nay khiến ngành chè đang phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Trao đổi về những ảnh hưởng của đại dịch đối với hoạt động sản xuất và tiêu thụ chè của nước ta, ông Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết: Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp, gây khó khăn và thiệt hại cho doanh nghiệp. Có những vùng chè tập trung chuyên canh lớn đòi hỏi nhiều lao động trong khâu thu hái phải huy động lao động từ các địa phương khác đến trong vụ thu hoạch, nhưng phải thực hiện việc cách ly nên không thể triển khai được, phải tổ chức sản xuất cơ bản tại nội bộ địa phương. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường công tác cơ giới hóa, nhằm tăng năng suất, giảm thiểu được lao động canh tác trên nương đồi.
Tại các cơ sở chế biến, do yêu cầu về cách ly, giãn cách nên lao động thời vụ phải huy động xa bị thu hẹp , các doanh nghiệp đã bố trí, sắp xếp lại lao động, tăng ca, giảm thiểu lao động, chia ca sản xuất để đảm bảo giãn cách. Bổ sung thiết bị, nhất là những công đoạn cần nhiều lao động, thay thế các băng tải chuyển nguyên liệu, sản phẩm thay thế cho lao động...
Mặc dù đầu năm 2021 do thay đổi thời tiết, mưa ẩm và sau đó lại nắng nóng kéo dài bởi biến đổi khí hậu toàn cầu, một số vùng chè phía Bắc sản lượng chè búp tươi giảm 10% so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, do việc đầu tư thâm canh khá tốt và có các giải pháp thích ứng trong việc phòng chống dịch bệnh Covid -19 tại các địa phương nên năng suất, chất lượng và sản lượng chè nước ta vẫn giữ được ổn định, mức tăng trưởng đạt khoảng 2-3% so với cùng kỳ năm trước, tức là đã giảm khỏang 2-3% so với dự kiến nếu không có dịch bệnh.
Dịch bệnh Covid -19 đã không ảnh hưởng nhiều đến sức tiêu dùng chè của các tầng lớp dân cư trong nước và trên thế giới bởi những công dụng của chè có lợi cho sức khỏe con người, đặc biệt là tác dụng tăng sức đề kháng, khử khuẩn của chè khi uống nóng. Tuy nhiên, dịch bệnh đã cản trở việc lưu thông trong nước và quốc tế, nhiều cửa hàng dịch vụ bán chè phải đóng cửa để cách ly xã hội. Chè xuất khẩu chủ yếu bằng container tàu biển, nhưng giá vận tải biển tăng vọt, nhiều lúc không thuê được tàu vì thiếu vỏ container. Chi phí vận tải tiêu tốn và làm kiệt sức các doanh nghiệp xuất khẩu, kéo theo giá chè xuất khẩu bị giảm theo. Nhiều doanh nghiệp tại Nghệ An, Hà Tĩnh và một số thành phố bị đình trệ trong việc xuất khẩu chè bởi rơi vào vùng dịch phải thực hiện việc cách ly xã hội.
Các thị trường mà Việt Nam đã ký các Hiệp định Thương mại CTPPP, EVFTA hầu như chưa tận dụng được do các rào cản kỹ thuật và những hậu quả do đại dịch Covid – 19 gây ra. Việc tổ chức xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường, giao lưu văn hóa trà... trong và ngoài nước của ngành chè bị đình trệ. Tuy nhiên, trong khó khăn nhiều doanh nghiệp đã tự điều chỉnh hệ thống tổ chức sản xuất và phân phối phù hợp, sản phẩm ngày càng đa dạng với xu hướng ngày càng nâng cao giá trị.
Thương mại điện tử và các hình thức mua bán online trong ngành chè được phát triển nhanh...Cho nên mức tiêu thụ chè cơ bản vẫn giữ được ổn định.
Trên thị trường, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 6/2021 đạt 11,1 nghìn tấn, trị giá 19,6 triệu USD, giảm 7,8% về lượng và giảm 2,4% về trị giá so với tháng 6/2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 6/2021, đạt 1.761,1 USD/tấn, tăng 5,8% so với tháng 6/2020.
Trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu chè đạt 58,1 nghìn tấn, trị giá 94,9 triệu USD, tăng 0,3% về lượng và tăng 4,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong nửa đầu năm 2021 đạt 1.632,9 USD/tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Tạ Thành
Theo KTDU