Mặc dù chủ thương hiệu bếp từ Napoliz khẳng định đây là thương hiệu Việt Nam nhưng nhiều cửa hàng, trang web vẫn “quả quyết” rằng Napoliz là thương hiệu Ý để đánh lừa người tiêu dùng…
Nhu cầu bếp từ tăng cao cũng là lúc nguồn cung của mặt hàng này tăng mạnh, trên thị trường Việt Nam hiện nay, rất nhiều thương hiệu bếp từ xuất hiện với nhiều mẫu mã đa dạng, chủng loại phong phú. Các hãng sản xuất đánh vào tâm lý sính ngoại của người Việt nên luôn quảng cáo bếp mang thương hiệu, có xuất xứ hoặc được nhập khẩu ở nước ngoài (đa phần là Châu Âu), nhưng thực tế có phải như vậy?.
Theo khảo sát của phóng viên, tại các cửa hàng sản phẩm bếp từ trên địa bàn Hà Nội, vô số các loại bếp được quảng cáo là thương hiệu nước ngoài, với rất nhiều tính năng, mẫu mã, giá cả khiến người tiêu dùng như lạc vào “mê hồn trận” khi tìm mua bếp.
Điển hình như các sản phẩm bếp từ của Napoliz, được rất nhiều nơi là giới thiệu là thương hiệu của Ý, nhưng thực chất lại là thương hiệu của Việt Nam.
Chỉ cần gõ từ khóa Napoliz trên công cụ tìm kiếm google, ngay lập tức hàng loạt kết quả hiện ra với thông tin, địa chỉ bán sản phẩm bếp từ Napoliz. Trong vai khách hàng, phóng viên lần theo một số địa chỉ tìm kiếm được nằm trên đường Hoàng Quốc Việt, Khâm Thiên, Thái Thịnh, Đường Láng,… và được đa số nhân viên bán hàng tại các cửa hàng đều khẳng định: “Bếp từ Napoliz là thương hiệu của Ý, nhưng Napoliz cũng có những sản phẩm được nhập khẩu nguyên chiếc từ một số nước như: Đức; Malaysia,…”.
Các sản phẩm bếp từ Napoliz được giới thiệu là thương hiệu Đức
Ngoài ra, phóng viên cũng được nhân viên tại cửa hàng giới thiệu một số mẫu bếp từ nhập khẩu mới ra và được cho là bán chạy nhất thị trường hiện nay như: Napoliz Inverter ITC555 Lamborghini; Napoliz ITC6868; ICT-F88, ICT686… với giá lên tới hàng chục triệu đồng. Khi thắc mắc về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, để trấn an khách hàng, các nhân viên đều chắc chắn “anh cứ yên tâm, khi mua sản phẩm bên em sẽ có đầy đủ giấy tờ CO, CQ kèm theo cho anh”.
Để làm rõ thông tin về nguồn gốc thương hiệu và sản phẩm, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Trần Đăng Khoa – Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Việt Hoa (VISCO Group). Về nguồn gốc thương hiệu, ông Khoa khẳng định: “Bếp từ Napoliz là thương hiệu của Việt Nam!”.
Khi phóng viên đề cập đến thủ tục nhập khẩu, cũng như các giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm (CO,CQ) bếp từ thì vị đại diện này lại cho biết: “Bếp từ thì lâu rồi không nhập, bọn anh đang bán nốt số hàng tồn thôi, giấy tờ thì anh phải tìm đã vì bọn anh đang chuyển văn phòng!”
Trước những thông tin trên, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi, vì sao Napoliz là một thương hiệu của Việt Nam, nhưng các đại lý lại giới thiệu là của Đức gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng? Và vì sao đại diện công ty nói đã từ lâu không nhập bếp từ mà chỉ bán hàng tồn, nhưng tại các đại lý vẫn giới thiệu một số mẫu sản phẩm được cho là mới ra mắt?
Các loại bếp được quảng cáo là nhập khẩu nguyên chiếc từ một vài quốc gia với nhiều tính năng vượt trội, mẫu mã đa dạng, đi kèm với đó là giá cả cũng lên tới hàng chục triệu đồng. Nhưng thực tế bếp có đáng tiền bằng "cả gia tài" như thế? Hay đó chỉ là cách mà nhà sản xuất làm tăng giá trị của bếp bằng việc đánh lừa người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ và đặt tên thương hiệu bếp bằng những cái tên rất “Tây” như Napoliz?… Sự việc này rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng Quản lý thị trường để kiểm tra, làm rõ.
Báo Đời sống & Tiêu dùng sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này!
Tạ Thành – Đức Huy
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng