Sự kiện hot
13 năm trước

“Mắc cạn" ở hồ Thủy điện Bản Vẽ: Dân vẫn khó khăn trăm bề

Sau loạt bài “Mắc cạn ở hồ Thủy điện Bản Vẽ”, phản ánh về tình trạng người dân bỏ khu tái định cư về nơi ở mới, do thiếu thốn trăm bề, mới đây Bộ NNPTNT đã tổ chức kiểm tra về thực trạng này.

Sau loạt bài “Mắc cạn ở hồ Thủy điện Bản Vẽ”, phản ánh về tình trạng người dân bỏ khu tái định cư về nơi ở mới, do thiếu thốn trăm bề, mới đây Bộ NNPTNT đã tổ chức kiểm tra về thực trạng này.

Đã có 300 hộ bỏ về nơi ở cũ

Ông Nguyễn Hồ Cảnh – Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Công trình Thủy điện Bản Vẽ bắt đầu xây dựng từ năm 2003, ảnh hưởng trực tiếp đến 46 bản với khoảng 13.000 dân. Đến năm 2006, huyện đã có 30 bản, khoảng 2.123 hộ được chuyển về khu tái định cư (TĐC) thuộc 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn (huyện Thanh Chương) để ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Song do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay có khoảng 300 hộ đã bỏ khu TĐC về nơi ở cũ trong lòng hồ, trong đó có 36 hộ đã bán hết nhà cửa ở khu TĐC”.

Cuộc sống của các gia đình ở bản Nhãn Pá (xã Hữu Dương cũ) đang gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng trên, đoàn kiểm tra của Bộ NNPTNT do ông Phạm Khánh Ly – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn làm trưởng đoàn đã tới kiểm tra tình hình. Tại bản Nhãn Pá (xã Hữu Dương cũ), một trong những bản có số hộ bỏ TĐC về nhiều nhất, vào thời điểm đoàn đến bản có hơn 20 nóc nhà, đa số người lớn đã lên rừng làm nương rẫy, hoặc xuống hồ đánh bắt cá, chỉ còn lại trẻ con ở nhà.

Chị Lô Thị Hương (40 tuổi), một hộ dân ở đây nói: “Nhà tôi có 5 khẩu, nhưng ở khu TĐC chỉ được chia hơn 1.000m2 đất, không có ruộng cấy lúa, đất xấu chỉ trồng ngô, sắn được 1 – 2 vụ là bạc màu, đói không có cái ăn nên vợ chồng tôi và đứa lớn phải bỏ về làm rẫy. Tôi vẫn để 2 đứa nhỏ ở trên khu TĐC, thi thoảng lại đưa tiền, lúa lên cho chúng”.

Còn ở bản Nhãn Nhinh (xã Hữu Dương cũ) cũng có hơn chục hộ bỏ TĐC về, nhiều hộ đã làm nhà kiên cố, lợp mái tôn. Cũng như bản Nhãn Pá, đa số người lớn đã lên rừng làm nương rẫy. Theo quan sát của PV, hầu hết các hộ ở đây đều có dê, lợn, bò, có hộ có đến vài chục con dê, bò, trên gác bếp vẫn còn nhiều lúa rẫy(!?).

Ban quản lý làm không hết trách nhiệm?

Kiểm tra tình hình tại khu TĐC ở 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn, chúng tôi chứng kiến hàng chục ngôi nhà bỏ hoang, hầu hết các công trình như nhà ở, bể nước, nhà vệ sinh… đều xuống cấp trầm trọng. Sau khi Dự án “Nước sinh hoạt công cộng” thất bại, tiêu tốn hàng tỷ đồng, nhưng chỉ hoạt động được gần 10 ngày, Ban quản lý Thủy điện 2 đã phải chuyển sang hỗ trợ người dân đào giếng. Tuy nhiên, do dân cư ở trên nhiều địa hình khác nhau, nên chỉ có khoảng 70% số hộ đào giếng có nước, còn lại vẫn phải dựa vào nước mưa, hoặc xin nước hàng xóm.

Sau khi nắm tình hình, Bộ NNPTNT đã yêu cầu, trước mắt Ban quản lý Thủy điện Bản Vẽ cần nhanh chóng chi trả tiền đền bù cho 232 hộ di dân tự nguyện, hỗ trợ những hộ không đào được giếng xây bể, bình chứa nước để ổn định đời sống, khẩn trương đầu tư vào các công trình trường học, trạm y tế...

Nước sinh hoạt chưa đủ, nên vấn đề nước sản xuất lại càng khó khăn. Theo bản “kế hoạch” của Ban quản lý Thủy điện 2 Bản Vẽ thì tại 2 khu TĐC này sẽ khai hoang khoảng 200ha ruộng lúa nước. Tuy nhiên cho đến nay sau 6 năm triển khai, mới có gần 50ha đất được khai hoang, trong đó mới chỉ có già nửa là cày cấy được. Đa số người dân ở đây cho biết, điều kiện ở khu TĐC là vô cùng thiếu thốn, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, thiếu đất sản xuất, trồng lúa… nên đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Lô Nam Tiến, bản Nhãn Mai (xã Ngọc Lâm) cho hay: “Gia đình tôi có 4 khẩu, nhưng chỉ được cấp 6.000m2 đất, gồm cả đất ở và đất sản xuất. Đất mặt đã bị san lấp hết, chỉ tròi lại toàn sỏi, đá, trồng ngô, sắn không hiệu quả, trồng keo cũng còi cọc, lại không có đất ruộng, nên năm nào nhà tôi cũng đói 4 – 5 tháng”.

Ông Lê Xuân Đại – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An có mặt trong đoàn kiểm tra cho biết: “Dự án đã triển khai 6 năm, nhưng đến nay Ban quản lý Thủy điện 2 vẫn chưa đền bù cho 232 hộ di dân tự nguyện là quá chậm, đến nay mới chỉ có 17/30 bản tái định cư được cấp đủ đất sản xuất. Đối với diện tích không cấp đủ, Ban quản lý phải đền bù cho người dân, đồng thời cần sớm đảm bảo nước sinh hoạt, trường học, y tế… tối thiểu để ổn định đời sống cho người dân”.

Việt Tùng
theo Dân Việt

Từ khóa: