Tại “Hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm”, một lần nữa việc “hợp pháp hóa mại dâm hay không” lại trở thành chủ đề gây tranh cãi giữa các nhà khoa học, quản lý, còn dư luận thì dấy lên một sự quan ngại sâu sắc.
PGS.TS Phan An gay gắt phản đối: “Tôi không ủng hộ việc này. Thời Pháp thuộc, Hà Nội từng có “phố cô đầu” Khâm Thiên công khai hoạt động mại dâm. Tuy nhiên, văn hóa dân tộc ta, vốn chịu ảnh hưởng từ Nho giáo, thì xem chuyện mại dâm hoạt động công khai là điều xấu xa…. Cho phép ‘lập phố đèn đỏ’ có nghĩa là chúng ta đang cổ xúy cho hoạt động mại dâm, khuyến khích lối sống trụy lạc”.
Việc “hợp pháp hóa mại dâm hay không” lại trở thành chủ đề gây tranh cãi giữa các nhà khoa học, quản lý. Ảnh: NĐT.
Cá nhân người viết cũng không đồng tình quan điểm ‘hợp pháp hóa mại dâm’ - xem mại dâm là một nghề. Bởi vì:
Thứ nhất, xu hướng các nước trên thế giới đang cấm và bỏ
Trên tổng số 221 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện nay, thì có 20 nước công nhận mại dâm là một nghề hợp pháp, 41 nước không có luật pháp hay chế tài cấm hoạt động nghề mại dâm, khoảng 160 nước thì có văn bản cụ thể cấm mại dâm hoạt động. Riêng tại các nước Hồi giáo, thì mại dâm sẽ coi là một tội danh lớn, người nào hoạt động nghề này sẽ bị tử hình.
Tại khu vực châu Á, tất cả các quốc gia (trừ Bangladesh) đều coi mại dâm là bất hợp pháp. Tại Thái Lan, ngành công nghiệp mại dâm của Thái Lan nở rộ từ những năm 1960, nhằm mục đích phục vụ lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam.
Dù năm 2003, Bộ Tư pháp Thái Lan đề xuất hợp pháp hóa mại dâm, nhưng ngay sau đó đã bị người dân phản đối mạnh mẽ vì nước này đang phải chịu quá nhiều hệ lụy từ hoạt động này. Giờ đây, mại dâm lại là một nghề bị coi là bất hợp pháp.
Thứ hai, khâu quản lý hoạt động mại dâm đang yếu?
Mại dâm là một hoạt động tồn tại ở Việt Nam từ rất lâu, đây là hành vi được coi là vi phạm pháp luật. Mặc dù hoạt động này theo báo cáo trong thời gian gần đây có xu hướng giảm, nhưng thực chất đó chỉ là bề nổi, còn thực tế thì các chuyên gia cho rằng hoạt động này ngày càng phức tạp và tinh vi hơn rất nhiều.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trong năm 2017 các cơ quan chức năng đã thực hiện đấu tranh, truy quét các tụ điểm nóng về mại dâm. Phát hiện và bắt giữ 1.177 vụ, với 3.053 đối tượng, xử lý vi phạm hành chính liên quan đến mại dâm đối với 2.984 đối tượng.
Tuy nhiên, chế tài xử phạt còn khá thấp, không đủ sức răn đe. Người bán dâm chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng, còn người mua dâm cũng chỉ bị xử phạt từ 500.000 – 1.000.000 đồng, tối đa của mức phạt cũng không quá 2 triệu đồng đối với hành vi mua dâm nhiều người cùng một lúc.
Thứ ba, mại dâm tác động lớn đến môi trường xã hội
Nếu hợp pháp hóa mại dâm ở Việt Nam hiện nay, sẽ đồng nghĩa với việc thúc đẩy sự lây lan các bệnh dịch liên quan tới tình dục.
Theo thống kê, có đến 9,3% phụ nữ bán dâm sẽ bị nhiễm HIV. Nguy cơ nhiễm HIV từ hoạt động bán dâm này chỉ đứng sau nhóm tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục đồng tính nam. Kế đến là các bệnh truyền nhiễm khác có thể lây lan khi người bán và người mua dâm thực hiện quan hệ tình dục, như giang mai, viêm gan B…
Chưa kể, hành vi mại dâm thành nghề, diễn ra công khai sẽ gây ảnh hưởng tâm lý lệch lạc đến thanh thiếu niên, người lớn trong xã hội, vợ chồng không chung thủy. Nam nữ lười lao động quay sang bán tình dục, sa đà vào mại dâm hơn là lập gia đình..v..v.
Thứ tư, không thể để giá trị phụ nữ Việt “sút giá” còn một vài trăm ngàn đồng?
Việt Nam đang cấm mại dâm thì dịch vụ tình dục có thể coi như là “hàng cấm”. Vậy mà, mại dâm vẫn lén lút hoạt động cho nên giá trị sở hữu tình dục đối với một người lạ chỉ là từ một vài trăm nghìn. Cho nên, có một điều chắc chắn rằng, nếu mại dâm được hợp pháp hóa thì sẽ không còn là “hàng cấm” nữa.
Khi đó, giá trị của người phụ nữ (hoạt động mại dâm chủ yếu là phụ nữ) nói chung cũng sẽ bị giảm đi rất nhiều, rẻ đến mức còn không bằng một vài trăm nghìn cho một lần sở hữu tình dục một phụ nữ?!
Thứ năm, công nhận nghề mại dâm là vô nhân đạo
Phải nói rằng, nghề mại dâm có bản chất không phải là vì mục đích nhân đạo như một số người biện minh, người ta nhầm tưởng. Bởi, chẳng có cái nhân đạo nào lại vẫn ép người ta phải phục vụ tình dục (không phải vì ham muốn) để đổi lấy những đồng tiền kiếm sống qua ngày. Đó ngược lại, lại là hành động vô nhân đạo bắt người ta phải đem đánh đổi nhân quyền (quyền tự do tình dục, thân thể) của mình để có được những đồng tiền kiếm sống.
Hành vi này không chỉ đi lệch lạc với đạo đức xã hội, danh dự nhân phẩm của con người và giá trị truyền thống của dân tộc. Mà còn vi phạm tới quyền con người, biến con người thành thứ hàng hóa, trở thành các cuộc vui chơi và bị chà đạp.
Việt Nam cần tôn trọng công ước về quyền con người Việt Nam đã ký tham gia cũng như tôn trọng hiến pháp; Loại bỏ khỏi đời sống xã hội những hình thức tổ chức, hoạt động mại dâm trái pháp luật, đặc biệt liên quan đến bóc lột tình dục, buôn bán phụ nữ và trẻ em.
Có thể, một số người muốn công nhận mại dâm là một nghề, trước hết là ở các đặc khu kinh tế đã lập luận rằng, "nghề mại dâm ở một số nước đóng góp rất lớn vào tăng trưởng quốc gia". Thế nhưng, họ lại không dám nói những mặt trái, hậu quả khủng khiếp mà những nước đó phải gánh chịu và phải tiến đến siết chặt quản lý, xóa sổ nghề này.
Đồng thời, những người đó cũng cho mại dâm là một dạng kinh tế ngầm. Vậy xin hỏi, buôn bán ma tuý có phải là kinh tế ngầm không khi lợi nhuận mà người bán buôn mặt hàng này thuộc dạng “khủng”? Vậy, Việt Nam có cần hợp pháp hoá buôn ma túy để dễ bề quản lý không?
Nếu không thể hợp pháp hóa buôn ma túy được, thì dạng thức “buôn phấn bán hương”, ‘buôn bán trên thân xác con người’ cũng không thể coi là một nghề trong thành kinh tế của đất nước, vì xét về mặt vĩ mô, nó kéo lùi kinh tế - xã hội đất nước.
Sông Hàn
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp