Dantin - Giáp Tết khi ai ai cũng muốn về quê sum họp, quây quần cùng gia đình nhưng những người này vẫn ăn, ngủ ở vỉa hè, lăn lộn trong cuộc mưu sinh. Trong cái lạnh như cắt da, cắt thịt nhiều người vẫn mang đào, quất ra vỉa hè bày bán.
Dantin - Giáp Tết khi ai ai cũng muốn về quê sum họp, quây quần cùng gia đình nhưng những người này vẫn ăn, ngủ ở vỉa hè, lăn lộn trong cuộc mưu sinh. Trong cái lạnh như cắt da, cắt thịt nhiều người vẫn mang đào, quất ra vỉa hè bày bán.
Những ngày cuối năm, thị trường đào, quất, cây cảnh chơi Tết bước vào giai đoạn “sôi động” nhất. Bên cạnh nguồn cung từ các vườn cây trên địa bàn Hà Nội, còn một số lượng lớn đào, quất, cây cảnh từ các tỉnh như Văn Giang (Hưng Yên), Bắc Giang, Vĩnh Phúc, hay các vùng biên giới Lạng Sơn, Lai Châu theo những chuyến xe tải “ùn ùn” đổ về cửa ngõ Thủ đô.
Mấy anh em ngồi co ro trông đào, quất, cam cảnh
Thay vì chen chúc vào các khu chợ Hoa, chợ Xuân những loại cây này được bày bán ngay trên khu vực vỉa hè, chủ yếu trên các tuyến phố như: Hoàng Quốc Việt, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Văn Huyên…
Qua những ngày tìm hiểu về đời sống của những người bán đào, quất, cây cảnh Tết trên các khu vực vỉa hè, PV Dantin.vn thu lượm được những câu chuyện thú vị.
“Màn trời, chiếu đất” bán đào, quất Tết.
Quan sát, trên khu vực đường Hoàng Quốc Việt (Q. Cầu Giấy), tập trung một số lượng lớn đào, quất, cây cảnh phục vụ thị trường Tết. Qua tìm hiểu, được biết, các loại cây này chủ yếu từ khu vực Hưng Yên, Bắc Giang được vận chuyển về.
Khi được hỏi, vì sao không mang cây vào bán tại các khu vực quy định, nhiều tiểu thương bán đào, quất, cây cảnh cho hay: “Mang vào các khu vực chợ hoa, chợ Xuân đều phải chi tiền thuê địa điểm, trồng cây cả năm trời đã mất chi phí chăm bón, vận chuyển, bây giờ nếu cộng cả tiền thuê địa điểm bán hàng thì coi như lỗ vốn”.
Một mình co ro trong lều bạt dựng tạm
“Nếu muốn vào bán tại các chợ Hoa thì phải là những mối lớn, có quan hệ thân quen và phải đặt chỗ trước mấy tuần, thậm chí cả tháng, còn những hộ buôn bán nhỏ, lẻ chỉ có nước ra vỉa hè thôi”, vừa nói, một tiểu thương bán đào, quất quê gốc Hưng Yên vừa nhanh chân vừa nhanh tay chăng chiếc giây nilon “nhận chỗ” trên vỉa hè đường Hoàng Quốc Việt.
Không chỉ trên đường Hoàng Quốc Việt, tại các khu vực đường Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên… nhiều chợ đào, quất tự phát cũng mọc lên như “nấm sau mưa”.
“Cũng nhiều lần bị công an Phường đuổi, nhưng vì miếng cơm manh áo nên vẫn phải bán. Chỉ còn hai ba ngày nữa là Tết rồi, không bán được, coi như cả năm làm không công”, một người bán quất tại khu vực đường Hoàng Minh Giám chia sẻ.
Còn các thanh niên ngồi ôm cái chăn mỏng trông quất
Các quầy bán bán đào quất tự phát đều rất tạm bợ, thường chỉ quây dây nilon hay dây thừng quanh điểm bán hàng. Hiếm lắm mới có người chăng thêm tấm bạt che mưa. Vì vậy mưa gió, rét mướt những người bán hàng đều phải hứng chịu hết.
Ban ngày, vừa bán hàng vừa “trông” công an Phường, nhưng vất vả nhất đối với những người bán đào, quất Tết có lẽ vẫn là những đêm dài thức trắng trông cây, trong cái lạnh tê tái giữa đất Hà Thành.
Bán đào, quất tại khu vực đường Hồ Tùng Mậu đã được 3 ngày, đêm về, anh Vinh (38 tuổi, quê Bắc Giang) cũng chỉ kê một tấm bạt và một chiếc chăn mỏng để ngủ. “cực nhất là hôm nào có mưa phùn, bao nhiêu áo mưa, tăng bạt che cho đào quất hết, bản thân thì đành ngồi co ro”, anh Vinh giãi bày.
Những câu chuyện cười ra nước mắt
Một mình đi bán đào trên đường Hoàng Quốc Việt, anh Nguyễn Văn Thanh quê ở Hưng Yên tâm sự: “Mấy ngày trước tôi mang cuốn truyện đi đọc, nhưng sơ ý để lửa bén vào cháy mất gần một nửa”.
Giấc ngủ không ngon khi tai sản để ngoài
Một số người ra đường ngủ đi trông hoa nghĩ ra cách đánh bài giải trí. Nhưng cái món giải trí ấy nhiều khi cũng để lại những câu chuyện “dở khóc, dở cười”. Mấy ngày trước anh Tuấn Anh ở Xuân Phương (Từ Liêm, HN) đánh bài tới gần sáng rồi lăn ra ngủ. Đến khi tỉnh dậy thì ba cây cam Canh giá hơn chục triệu đồng đã “không cánh mà bay”.
“Nhưng chuyện mất ba cây cam Canh vẫn không buồn bằng chuyện ông Linh (Từ Liêm, HN - PV), cũng đi bán cam Canh, chơi bài giải trí mà thua bạc mất gần 5 triệu một đêm, coi như mấy ngày buôn bán mất lãi” – anh Tuấn Anh kể chuyện thật mà như đùa.
Những niềm vui nho nhỏ.
Ngoài trời vẫn đổ mưa phùn, người qua đường nườm nượp, những người trông đào, quất, cam cảnh vẫn ngồi đó, quây quần bên bếp lửa. Một phụ nữ dáng người kham khổ bắt trên bếp củi hồng rực nồi cháo ăn đêm. “Phải thức cả đêm để trông đào, quất, sáng sớm lại chuẩn bị đón thêm đợt cây mới về. Cái nghề này chỉ trông chờ vào dịp cuối năm, không tranh thủ thì cả năm chết đói”, người phụ nữ vừa nói vừa nhanh tay quấy đều nồi cháo đang bốc khói nghi ngút.
Khách sạn thiên đường bên đường Hồ Tùng Mậu
Còn ông Nam (Xuân Phương - Từ Liêm - HN) đã gần 20 năm lăn lộn trong nghề bán đào, quất Tết dãi bày: “Ngẫm ra thì cái nghề này cũng có cái thú riêng, năm nào cũng được… đón Tết vài ngày trước thiên hạ thật là vui”.
“Đã mang cây ra bán là phải trông suốt ngày đêm. Trời lạnh thì đốt lửa mọi người bảo nhau ngồi sưởi ấm, đặt siêu nước, pha ấm trà, cảm giác như ngày xưa còn bé được thức đêm trông nồi bánh chưng”, vừa nói, ông Nam vừa nhấp một cốc trà ấm nóng bên bếp lửa hồng.
Tiễn Dũng