Trưa hè oi bức, mồ hôi đầm đìa trên mặt, ướt đẫm vai áo nhưng đôi chân cậu học sinh vẫn cố bước nhanh để về con ngõ nhỏ gần nhà - nơi có món chè sương sa hạt lựu đang chờ.
Trưa hè oi bức, mồ hôi đầm đìa trên mặt, ướt đẫm vai áo nhưng đôi chân cậu học sinh vẫn cố bước nhanh để về con ngõ nhỏ gần nhà - nơi có món chè sương sa hạt lựu đang chờ.
Kí ức thời học sinh của tôi đọng lại với những món ăn vặt như chè, kem, sấu dầm… nhưng bồi hồi nhất vẫn là món chè sương sa hạt lựu ngọt mát trưa hè.
Mùa hè nóng tan chảy nhưng nếu trên tay nhâm nhi ly chè, vị béo của nước cốt dừa hòa cùng hạt lựu giòn tan ướp lạnh trong mẻ đá vụn, thì những giọt mồ hôi… tan biến tự lúc nào
Như nhiều món chè khác, chè sương sa hạt lựu không có công thức cụ thể mà chỉ có nguyên liệu và cách làm. Tùy mỗi quán, mỗi người lại có cách gia giảm các loại nguyên liệu cho phù hợp. Đây là một cách làm rất đơn giản theo hướng dẫn của đầu bếp quán ăn Ngon (Hà Nội):
Nguyên liệu:
- Bột rau câu
- Củ mã thầy
- Bột năng
- Đường
- Màu thực phẩm hoặc xay nước lá dứa, củ dền để làm màu tự nhiên
- Nước cốt dừa
Cách làm như sau:
- Ngâm 10g bột rau câu với 800ml nước trong 30 phút. Đun rau câu và đường trên lửa nhỏ đến khi rau câu tan hoàn toàn, đổ ra khay cho nguội rồi cắt sợi dài.
- Mã thầy gọt sạch vỏ, thái hạt lựu.
- Cho từng nắm mã thầy vào 1 cái hộp, cho vào khoảng 2 thìa canh bột năng, đóng nắp hộp, xóc mạnh cho bột năng bám đều vào mã thầy. Cho mã thầy ra rổ rây bớt bột thừa, làm lần lượt đến khi hết.
- Bắc nồi nước lên nấu, cho vài giọt màu thực phẩm vào nước để tạo màu hạt lựu. Nước sôi cho mã thầy vào luộc, khi hạt nổi lên là đã chín, vớt ra ngâm vào nước lạnh cho hạt lựu thật nguội.
- Nước cốt dừa đun cùng đường cho sôi. Tất cả nguyên liệu đã chuẩn bị xong, cho vào tủ lạnh cho thật mát.
- Chè được cho vào cốc thủy tinh cao cổ để khi cốc chè được dọn ra, thực khách có thể nhìn thấy được màu sắc của cốc chè theo từng lớp rất đẹp mắt.
Cốc chè rất bắt mắt. Ảnh: Phương Lê
Phương Lê
theo iHay