Theo MBS, giá sữa nguyên liệu đã giảm từ quý III/2022 và vẫn đang trong xu thế giảm: Biên lợi nhuận gộp dự kiến sẽ tăng từ quý IV/2022 nhưng do lượng hàng nguyên liệu tồn kho được chốt ở giá cao vẫn còn khiến việc hồi phục bị chậm lại. Tuy nhiên, với diễn biến giá sữa nguyên liệu vẫn đang giảm, biên lợi nhuận gộp sẽ có quý đầu tiên tăng trưởng từ quý 1/2023.
Bên cạnh đó, MBS cho biết, thị trường sữa Việt Nam vẫn hấp dẫn: Mặc dù có thể bị ảnh hưởng bởi giai đoạn kinh tế khó khăn trước mắt, thu nhập của người tiêu dùng bị cắt giảm nhưng tốc độ tăng trưởng tiêu thụ sữa vẫn ở mức 12,4% trong giai đoạn 2021-2031.
Trong báo cáo phân tích mới được cập nhật đối với VNM, Chứng khoán MB (MBS) cho biết, CTCP Sữa Việt Nam (VNM - sàn HOSE) là doanh nghiệp đầu ngành, chiếm thị phần lớn nhất thị trường sản phẩm sữa Việt Nam. Tình hình tài chính của VNM chắc chắn với lượng tiền mặt và tiền gửi gần 20 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay/ tổng tài sản và nợ vay/vốn chủ sở hữu chỉ lần lượt ở mức thấp 10,2% và 15%.
Rủi ro đầu tư được MBS đưa ra: Giá sữa nguyên liệu tăng làm giảm biên lợi nhuận gộp: do biến động tình hình thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng, khó khăn về vận chuyển bất ngờ ảnh hưởng đến giá sữa.
Thêm vào đó là doanh thu giảm do nhu cầu giảm, cạnh tranh tăng: người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu do kinh tế khó khăn, thu nhập giảm. Công ty phải giảm giá sản phẩm để giữ thị phần.
MBS xác định giá mục tiêu 12 tháng của cổ phiếu VNM vào khoảng 89.963 đồng/cổ phiếu dựa trên phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền FCFE. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward khoảng 25,37 lần (theo EPS 2023F khoảng 3.546 đồng/CP). Đồng thời, khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VNM.
Thanh Thanh
Theo Kinh tế và Đồ uống