Những bữa ăn được chị Nguyễn Tú Trâm chuẩn bị trong khoảng 20 – 30 phút ấy, không chỉ đủ chất dinh dưỡng, thơm ngon, nóng hổi mà còn đẹp như một bức tranh.
Mỗi người mẹ đều có cách thể hiện sự quan tâm và tình yêu thương vô hạn của mình đến với con bằng nhiều cách khác nhau. Với bà mẹ trẻ Nguyễn Tú Trâm, niềm đam mê nấu nướng cùng mong muốn mỗi bữa ăn sẽ là một bài học tuyệt vời về cuộc sống xung quanh nên dù bận đến đâu, chị vẫn cố gắng sắp xếp thời gian, lên ý tưởng để thực hiện việc nấu nướng và trang trí bữa ăn cho con nhanh nhất có thể, giúp con không chỉ thưởng thức trọn vị ngon của món ăn mẹ nấu mà còn học hỏi được thêm nhiều điều thú vị mỗi ngày.
Chị Tú Trâm bên con gái Mina.
Cùng trò chuyện với người mẹ trẻ hiện đang sống ở Úc để biết thêm kinh nghiệm nấu nướng, trang trí đồ ăn đẹp như một bức tranh cho bé Mina Hân Nguyễn của mình.
- Chào chị, chị có thể chia sẻ một chút về quá trình ăn dặm của bé?
- Ban đầu mình cho bé ăn theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật. Khi bé được 9 tháng, mình kết hợp thêm phương pháp ăn dặm tự chỉ huy. Những kinh nghiệm mình tích lũy được để hình thành thói quen ăn uống khoa học lành mạnh cho con là luôn tự nấu cho bé, không dùng các thực phẩm ăn dặm công nghiệp. Hoàn toàn không nêm gia vị gì cho bé đến khi bé tròn 1 tuổi.
Ăn các món riêng biệt không trộn chung để con nhận biết, ghi nhớ các mùi vị tự nhiên của mỗi loại thực phẩm và cảm nhận được những cấu trúc khác nhau của các loại thực phẩm. Thực phẩm sẽ được mình hấp rồi phân vào các hộp nhỏ, trữ đông. Mình trữ đông đủ cho 3,4 ngày rồi sau đó nấu đợt mới do mình còn phải đi làm.
Mẹ trẻ 8X rất thích vào bếp nấu nướng cho con.
- Các mốc tăng độ thô được chị áp dụng như thế nào?
- Các mẹ nếu tìm hiểu về phương pháp ăn dặm kiểu Nhật sẽ biết là bé được ăn từ loãng, mịn đến đặc hơn và thô hơn. Các mốc tăng độ thô thức ăn cho bé được thực hiện các mốc 7 tháng, 8 tháng, 10 tháng. Không phụ thuộc việc bé có răng hay chưa vẫn tăng độ thô đúng thời điểm cho con. Cháo cơm và nước nấu theo các tỷ lệ 1:10 1:7 1:5 1:3, rau củ từ tán qua rây đến tán mịn không qua rây, tán nhẹ để vẫn còn lợn cợn, đến cắt khúc cắt khối hấp mềm cho con bốc tập nhai. Thịt cá thì bắt đầu là xay nát, đến tán qua rây, đến bằm, xé nhỏ để con tập nhai.
Mỗi thời điểm tăng độ thô, mình không tăng độ thô các loại thực phẩm cùng lúc, mà bắt đầu từ cháo trước, bé quen với độ thô của cháo chừng 4,5 ngày thì bắt đầu tiến hành tăng độ thô cho rau củ và thịt cá, chuyển đổi giai đoạn cần khéo léo từ từ để tránh bé cự tuyệt thức ăn.
Bé Mina rất thích ăn cơm mẹ nấu.
Bé luôn hào hứng chờ đợi khi mẹ mang cơm đến.
Chị Trâm cho con ăn dặm kiểu Nhật kết hợp BLW.
- Chị cho con ăn cơm từ khi nào?
- Bé nhà mình khi bước qua tháng thứ 11 là ăn cơm nát. Sau 1 tuổi là cơm nguyên hạt nhưng mình vẫn nấu mềm hơn cơm người lớn cho đến hiện nay vẫn vậy. Bé chỉ ăn cơm như người lớn khi bé đủ 3 tuổi .
- Chị có lý do đặc biệt gì khi chọn trang trí cơm kiểu bento cho con? Bé có bao giờ chê cơm mẹ nấu?
- Cũng như các bé khác, con mình cũng có những giai đoạn chán một loại thực phẩm nào đó, ví dụ như tự dưng bé không thích cơm trắng nữa. Đó cũng là một trong những lý do mình bắt đầu tìm tòi làm cơm bento, trang trí cơm cho bé để tạo cảm hứng cho con quay trở lại với cơm trắng. Mình tạo hình cơm thành những hình mà bé hay xem trên tivi, hoặc trong sách ảnh của bé, và bé đã quay lại ăn cơm như trước và ăn rất ngoan.
Bên cạnh đó bé cũng rất hứng thú khi ăn cơm và trò truyện với mẹ về những hình thù thức ăn mà mình tạo cho bé. Bữa cơm trở nên rất vui và mình còn dạy bé được rất nhiều thứ thông qua các hình ảnh đó nữa.
- Theo chị, việc trang trí như vậy sẽ giúp ích gì cho con?
- Tạo hình đồ ăn mình thấy bé học được và nhớ được màu sắc, nhớ đặc tính của các nhân vật hay hình thù. Mình còn dạy bé tên các con vật bằng tiếng Anh nữa và con nhớ rất nhanh.
Bé Mina luôn tập trung thưởng thức món ăn.
Và thường ăn hết phần cơm của mình.
Bé Mina thích khám phá những món ngon chị Trâm nấu.
- Chị có mất nhiều thời gian để chế biến và trang trí món ăn cho con?
- Thường một bữa ăn từ chuẩn bị nấu nướng đến hoàn thành mất 25-30 phút. Quan trọng là mình phải biết và lên ý tưởng trong đầu về bức tranh mà mình muốn tạo hình. Khi có sẵn hình ảnh trong đầu rồi thì mọi thứ còn lại rất nhanh và dễ. Cơm trắng của bé mình luôn nấu sẵn cho 2 bữa. Rau củ mình sẽ cắt và tạo hình xong rồi cho tất cả vô máy hấp, bấm nút hấp khoảng 20 phút.
Trong khi hấp rau củ thì mình quay sang chuẩn bị cắt sẵn những chi tiết cần trang trí, nắm cơm tạo hình, xếp vô đĩa. Xong rồi tiếp tục làm món mặn. Khi mọi thứ xong cũng là lúc rau củ hấp chín, mìn đem ra sắp xếp cho hoàn chỉnh là xong. Một ngày mình trang trí cơm cho con 1 bữa, còn 1 bữa thì bé ăn cùng bố mẹ, bữa đó là mình sẽ nấu những món phức tạp hơn cần nhiều công đoạn chế biến hơn cho con thưởng thức.
- Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm hữu ích với chuyên mục.
Tham khảo những bữa ăn chị Trâm làm cho con đẹp như tranh vẽ:
Mỹ Anh - (Ảnh NVCC)
Theo ĐSPL, Vietnammoi