Bắc Hà (Lào Cai) mảnh đất được mệnh danh là cao nguyên trắng, nơi có buổi chợ phiên hấp dẫn nhất Đông Nam Á, hay những món ăn nổi tiếng như thắng cố, rượu ngô Bản Phố, nhưng có một món ăn vô cùng độc đáo là mèn mén.
Bắc Hà (Lào Cai) mảnh đất được mệnh danh là cao nguyên trắng, nơi có buổi chợ phiên hấp dẫn nhất Đông Nam Á, hay những món ăn nổi tiếng như thắng cố, rượu ngô Bản Phố, nhưng có một món ăn vô cùng độc đáo là mèn mén.
ảnh minh họa
Cách thức chế biến món mèn mén
"Mèn mén" là cách gọi theo tiếng quan hỏa (Trung Quốc) có nghĩa là bột ngô hấp. Làm mèn mén khá cầu kì từ khâu chọn ngô đến công đoạn đồ đều mất rất nhiều công sức. Mèn mén được làm từ hạt ngô tẻ - giống ngô địa phương, ngô lai, ngô hàng hóa không làm được món này, Ngô sau khi thu hoạch bóc vỏ, tách hạt ra khỏi lõi ngô, xay hạt ngô thành bột và sàng bỏ bớt vỏ, dụng cụ để xay thường là cối đá hai thớt chồng lên nhau. Sau khi có bột ngô vừa ý, người làm trộn bột ngô với nước rồi đảo để bột ngô tơi ra, sau đó đổ vào chõ và cho vừa nước đủ để đồ. Để có được món mèn mén, người làm phải đồ bột ngô hai lần trên chõ gỗ.
Đồ lần đầu để tẩm nước vào bột ngô, đồng thời cũng là để làm cho bột ngô tơi, không dính vào nhau. Bởi vậy, thời gian đồ lần đầu cần tính toán cho thích hợp với từng loại ngô (ngô non hay ngô già). Nếu là bột ngô già thì thời gian đồ cần lâu hơn. Nếu là bột ngô non thì chỉ sau khi nước ở trong chảo sôi, thấy hơi bốc nghi ngút lên miệng chõ là có thể bắc ra được.
Những người có kinh nghiệm đồ mèn mén thường không vội vàng mà phải dựa vào độ lửa cháy to hay nhỏ (vì lửa nhỏ thì lâu sôi, lửa to thì sôi nhanh). Khi bắc chõ ra khỏi chảo thì đổ bột ngô ra mẹt, dùng thìa gỗ đảo đi, đảo lại cho bột ngô tơi ra. Nếu không làm cho bột ngô tơi thì đồ lần sau bột ngô sẽ không chín kỹ, không thể có món mèn mén với vị thơm, dẻo và ngọt đậm đà, hơn nữa ăn sẽ bị đau bụng. Sau khi làm tơi và để nguội, người ta lại cho ngô vào chõ đồ lần hai và lần này phải đồ cho chín thật kỹ.
Người Mông thường lên nương từ rất sớm khi con gà rừng còn chưa cất tiếng gáy, công việc chuẩn bị mèn mén đem theo để ăn trên nương, rẫy thường do phụ nữ trong gia đình chuẩn bị trước đó.
Mèn mén khi đã chín có vị thơm, dẻo, rất đậm đà, ăn rất bùi, ngậy. Ăn mèn mén bao giờ cũng kèm thêm một bát canh. Người Mông thường ăn món này với canh bí đỏ, canh su su… dễ ăn, dễ nuốt mà không bị sặc, tăng thêm phần hấp dẫn cho món ăn. Còn một món nữa nếu ăn mèn mén không có nó thì mất cả ngon đó là ớt nướng, do điều kiện thời tiết ở vùng cao rất giá lạnh nên người Mông ăn ớt rất giỏi để chống rét, ớt càng cay càng tốt, đúng vị nhất phải là ớt thóc, quả nhỏ xíu như hạt thóc, đem nướng lên giã với muối, ăn cùng với mèn mén cứ gọi là ngon tuyệt.
Món ăn truyền thống của người Mông
Theo những người già của bản Mông kể lại trước kia cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn lắm cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Nhất là những lúc giáp hạt không có đủ gạo để ăn người Mông phải độn ngô với gạo để ăn, có nhiều hộ gia đình vì nghèo quá phải vào rừng săn con nai, đào củ mài, xuống suối bắt con cá để bán lấy tiền đong gạo mà vẫn không đủ ăn. Khi đó, do thói quen sinh hoạt (người Mông tập trung sinh sống ở những nơi cao như trên đỉnh núi đá) nên trồng được rất nhiều ngô, nhiều người đã nghĩ ra cách xay ngô ra thành bột để ăn dần cho đỡ đói, từ đó mèn mén là món ăn chính của người Mông, khi đi làm nương, đi chợ đều đem theo một gói mèn mén để ăn dọc đường cho đỡ đói.
Ngày nay, khi cuộc sống của người Mông đã sung túc đầy đủ hơn mèn mén đã không còn là món ăn chính trong bữa ăn hàng ngày nhưng mỗi dịp lễ, tết trong mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên mèn mén là món ăn không thể thiếu được và là một món ăn truyền thống của người Mông.
Theo Du lịch