Không gì khó chịu bằng những cơn cay xé lưỡi, không gì ngượng ngùng bằng việc phải lè chiếc lưỡi phồng rộp vì cay một cách bất lực trong bữa ăn, nhưng bạn hoàn toàn có thể dập tắt những cơn khó chịu đó một cách dễ dàng.
Không gì khó chịu bằng những cơn cay xé lưỡi, không gì ngượng ngùng bằng việc phải lè chiếc lưỡi phồng rộp vì cay một cách bất lực trong bữa ăn, nhưng bạn hoàn toàn có thể dập tắt những cơn khó chịu đó một cách dễ dàng.
Sữa, đường, chuối, táo, dầu, dưa leo… những nguyên liệu hầu như bếp nhà nào cũng có đều là công cụ “chữa cháy” cho lưỡi vô cùng hiệu nghiệm.
Vì sao ăn ớt lại thấy cay?
Capsaicin, thành phần hoạt chất có trong ớt, là một chất kích thích gây cảm giác khó chịu cùng cực lên da và đặc biệt là niêm mạc. Sau khi ăn ớt, capsaicin sẽ bám chặt vào các tế bào cảm ứng trên da và gửi tín hiệu báo về não; chỉ vài giây sau, não gửi lại các tín hiệu được giải mã thành cảm giác đau rát tại vị trí tiếp xúc với capsaicin để “răn đe” các tế bào vị và xúc giác trên lưỡi ngừng tiếp nhận capsaicin. Nhưng lúc này thì mọi chuyện đã muộn; capsaicin đã thấm và gây phỏng trên da, kích thích tín hiệu đau đớn từ não sẽ liên tục phát về và hành hạ người nào đã trót dại hoặc không may ăn phải ớt.
Các mẹo “dập lửa” trên lưỡi mà chúng tôi nêu tại đây là những biện pháp khắc chế chất capsaicin này.
1. Uống sữa
Casein, một loại protein tìm thấy trong sữa, có tác dụng như một chất tẩy rửa sẽ thủ tiêu cảm giác cay xé trên lưỡi. Thực chất, đây là quá trình tách các hợp chất capsaicin ra khỏi tế bào thần kinh cảm giác trong miệng. Khi lưỡi bị phỏng cay, hãy uống ít nhất 100ml sữa. Bạn có thể nuốt, cũng có thể chỉ súc miệng nếu bạn không uống được sữa; tuy nhiên, uống sữa sẽ làm dịu cảm giác cay nhanh hơn vì nó tác động đồng thời lên vùng lưỡi lẫn cuống họng.
2. Uống nước đường
Dùng nước đường pha theo tỷ lệ 10% (khoảng một chén nước với một muỗng súp đường), ở nhiệt độ mát là 20°C để súc miệng, cảm giác cay sẽ nhanh chóng biến mất. Tuy nhiên công dụng của nước đường sẽ chỉ phát huy khi còn lưu trong miệng nên bạn phải liên tục súc miệng cho đến khi cảm giác cay giảm bớt.
3. Uống rượu
Chất cồn trong rượu có khả năng hòa tan capsaicin nên nếu đang phỏng lưỡi vì ớt, bạn có thể uống một ly bia hay cốc rượu nhỏ. Hiệu quả của liệu pháp này không thể so sánh với sữa vì chất cồn chỉ đóng vai trò dung môi hòa tan chứ không thể trung hòa capsaicin, nên cảm giác cay tuy có giảm nhưng sẽ bị mang đi phát tán khắp vùng miệng.
4. Súc miệng bằng dầu
Capsaicin hòa tan nhanh chóng trong dầu thực vật, chỉ cần súc dầu một vòng quanh miệng là cảm giác cay sẽ dịu đi. Tuy nhiên, hiệu quả của dầu chỉ cao hơn nước lã không đáng kể nên chỉ dùng dầu trong trường hợp bất khả kháng.
5. Ăn dưa chuột
Trên thực tế, đây là một cách được dùng phổ biến bởi người dân Indonesia và Thái Lan có truyền thống ăn cay nổi tiếng.
6. Ăn tinh bột
Các quốc gia châu Á, nơi có bản sắc ẩm thực gắn liền với các gia vị cay, thường ăn thêm cơm không phải là không có lý do. Chất bột, hồ trong cơm hay khoai, bánh mỳ là dũng sĩ trị cay vô cùng xông xáo. Sau khi ăn phải ớt, chỉ cần nhai thật kỹ một miếng bánh mỳ, khoai tây hay một nắm cơm nhỏ, các chất kích thích kém thân thiện sẽ nhanh chóng được “gột sạch” khỏi lưỡi.
7. Ăn sô-cô-la
Như đã nêu trên, capsaicin trong ớt dễ bị hòa tan trong chất béo. Lượng chất béo cao trong hầu hết các loại sô-cô-la sẽ giúp đẩy lùi một cách nhanh chóng capsaicin ra khỏi miệng. Sô-cô-la sữa vì có hàm lượng chất béo và casein cao hơn nên trị cay hiệu quả hơn sô-cô-la nguyên chất.
Muối, mật ong, cà rốt sống, ăn táo, chuối, kem, nước cốt dừa… cũng có thể tạo nên những phản ứng giúp giải nguy cho chiếc lưỡi đang thấp thỏm vì cay. Tùy vào hoàn cảnh xung quanh có những gì mà bạn hãy sử dụng để giải cứu chính mình .
Theo Webtretho