Để nhận biết rau có hóa chất trên thị trường hiện nay, các bà nội trợ cần biết một số mẹo nhỏ.
Cụ thể như, rau muống là loại ra có nhiều khả năng nhiễm hóa chất cao, như chì, chất kích thích tăng trưởng. Rau muống sạch có thân rắn chắc, lá màu xanh tự nhiên.
Trong khi đó, những bó rau muống thân to hơn bình thường, lá màu xanh đen, khi nhặt rau không có nhựa dính thì không nên mua vì có thể chúng được bón quá nhiều các loại phân đạm, hóa chất. Khi luộc, nếu nước rau luộc còn nóng có màu xanh nhạt, khi để nguội thành màu xanh đen, có vẩy đen kết tủa là rau không an toàn. Hơn nữa, rau bị nhiễm độc chì khi ăn thường có vị chát.
Mướp đắng là một trong những thực phẩm được ưa thích
Một loại thực phẩm được nhiều người ưa thích đó là giá đỗ, giá có màu trắng nhạt, thân và rễ dài, khó gãy là giá sạch. Để nhận biết giá đỗ sạch, quan sát thấy có phần lá mở ra hoặc nhìn từ ngoài có mầm lá nhú màu vàng hoặc màu xanh. Tuy nhiên, nếu loại giá có ngậm hóa chất thường có màu trắng tinh, thân tròn lẳn, ít rễ trông khá bắt mắt. Giá ngâm hóa chất có hai hạt mầm đóng chặt với nhau. Loại giá này khi xào sẽ có nước đục, ăn không ngon và dễ gây độc hại.
Mướp đắng hay còn gọi là khổ qua cũng là loại thực phẩm được nhiều bà nội trợ lựa chọn cho bữa ăn của gia đình mình. Mướp đắng sạch, an toàn có kích thước vừa phải, mặt vỏ có nhiều gân nhỏ li ti, quả dáng dài. Ngược lại, những quả mướp đắng to, màu xanh đậm, mướt mát, thân phình to, da láng bóng có thể bị nhiễm thuốc kích thích sinh trưởng.
Ngoài ra, loại rau phổ biến nhất trong mùa hè là mồng tơi. Mồng tơi sạch có thân vừa phải, lá nhỏ và hơi mỏng, xanh nhưng không bóng mượt, thỉnh thoảng có đốm sâu. Còn với rau mồng tơi có hóa chất, lá óng, mướt, mang màu xanh thiếu ánh sáng, ngọn vươn dài, mẫm múp, không sâu bệnh.
theo Công lý