Công ty cổ phần Acecook Việt Nam là chủ sở hữu của thương hiệu Mì Hảo Hảo và miến Good vừa bị Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) yêu cầu thu hồi vì có chứa chất Ethylene Oxide- chất cấm không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở Liên minh châu Âu (EU).
Theo đó, 2 dòng sản phẩm trong danh sách thu hồi của FSAI là mì tôm chua cay Hảo Hảo (loại 77 g, hạn sử dụng đến 24/9/2022) và miến Good vị sườn heo (loại 56 g, hạn sử dụng đến 10/11/2022).
Ngay khi nắm được thông tin cảnh báo, Bộ Công Thương cũng đã đề nghị Công ty cổ phần Acecook Việt Nam khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất và sự khác biệt giữa lô sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với 02 sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good do công ty sản xuất để đánh giá sự xuất hiện chất Ethylene Oxide (là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế) trong sản phẩm như cảnh báo nêu.
Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Công ty cổ phần Acecook Việt Nam hiện đang phân phối trong nước, kiểm tra xác minh làm rõ quy trình sản xuất và xác định các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Liên quan đến sự việc trên, chiều 28/8 đơn vị sản xuất hai sản phẩm trên đã có thông cáo báo chí chính thức về sự việc.
Mở đầu thông cáo báo chí, Công ty Acecook Việt Nam nhấn mạnh: Là một công ty sản xuất các sản phẩm ăn liền đến từ Nhật Bản, Acecook Việt Nam luôn coi trọng sự minh bạch, sự thật cũng như chất lượng của sản phẩm và sự an toàn của người tiêu dùng.
Theo Acecook Việt Nam, sản phẩm miến Good (hương vị sườn heo, loại 56 gram, ngày sản xuất 10/5/2021) và mì Hảo Hảo (hương vị tôm chua cay, loại 77 gram, ngày sản xuất 24/3/2021) là 2 sản phẩm xuất khẩu dành riêng cho thị trường Châu Âu, không phải là sản phẩm nội địa.
Công ty này cam kết tất cả các sản phẩm đang lưu hành tại thị trường Việt Nam đều tuân thủ Quy định và Pháp luật Việt Nam, đảm bảo an toàn đối với sức khỏe của người tiêu dùng.
Acecook Việt Nam khẳng định tuân thủ các quy định của Việt Nam, Châu Âu, Nhật, Úc và New Zealand... về việc không sử dụng ETO trong bất kỳ khâu nào của công nghệ bảo quản nguyên liệu sản xuất, lưu trữ.
Hiện công ty này đang tiến hành phân tích, kiểm tra và điều tra trên diện rộng ở các nguyên liệu, thiết bị, quy trình liên quan để nhận định nguyên nhân và sẽ có biện pháp đối ứng kịp thời, hữu hiệu nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Đồng thời, Acecook Việt Nam cũng đã làm việc với các nhà cung cấp nguyên liệu và nhà cung cấp cũng khẳng định không sử dụng Ethylene Oxide trong quy trình sản xuất của họ.
Công ty đã yêu cầu họ kiểm soát và tuyệt đối không sử dụng công nghệ Ethylene Oxide trong quy trình sản xuất, tuyệt đối thực hiện đúng theo các cam kết này với Acccook Việt Nam.
Tuy nhiên thực tế, trước sự việc 2 dòng sản phẩm của Acecook Việt Nam bị thu hồi, mặc dù không phải là sản phẩm nội địa, thế nhưng nhiều người tiêu dùng cũng tỏ ra nghi ngại. Trao đổi nhanh với PV một số người tiêu dùng tại thị trường Việt Nam chia sẻ sự quan ngại trước thông tin mì Hảo Hảo có chứa chất cấm gây ung thư Ethylene Oxide. Đây là chất có hại cho sức khỏe con người, có trong thành phần thuốc trừ sâu.
Chị T.T.N (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Sau khi thông tin mì Hảo Hảo chứa chất cấm bị thu hồi ở nước ngoài khiến chị lo lắng, liệu hàng Việt Nam có thành phần đó không vì gia đình chị từ nhỏ đến lớn đều tin dùng mì Hảo Hảo suốt một thời gian qua”.
Trong khi đó, anh T.N.A (ở Thanh Xuân, Hà Nội) hoang mang về tình trạng sức khỏe của gia đình nếu sử dụng tiếp mì Hảo Hảo. “Mì Hảo Hảo xuất khẩu tôi nghĩ cũng giống như hàng bán trong nước, hoặc có thể phải chất lượng hơn, khi biết tin sản phẩm chứa chất cấm tôi sẽ xem xét lại việc tiếp tục sử dụng”.
Không chỉ riêng chị N hay anh A mà nhiều người tiêu dùng khác tại Việt Nam cũng đặt nhiều nghi vấn trước thông tin mì Hảo Hảo và miến Good hương vị sườn heo bị Ireland thu hồi vì không đảm bảo an toàn thực phẩm. Dù đại diện Acecook Việt Nam cho biết số sản phẩm bị thu hồi trong thông tin được đề cập tại trang web của FSAI là sản phẩm xuất khẩu, không cùng lô hàng sản xuất với sản phẩm nội địa tại Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái chiều cho rằng không nên tẩy chay sản phẩm mà hãy đợi kết quả điều tra rõ ràng từ cơ quan chức năng.
Được biết, chủ sở hữu của thương hiệu Mì Hảo Hảo - Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (viết tắt: Vina Acecook) – dù được thành lập tại TP. HCM từ cuối năm 1993 và mang quốc tịch Việt Nam, nhưng bản chất nó là một doanh nghiệp FDI, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này là ông Kajiwara Junichi người Nhật Bản.
Tiền thân của Công ty liên doanh Vifon Acecook, là kết quả hợp tác theo tỷ lệ góp vốn 60:40 giữa nhà đầu tư Nhật Bản Acecook Co., Ltd và đối tác Việt Nam, là Công ty kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) khi đó là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước (thuộc Bộ Công nghiệp).
Liên doanh này chỉ tồn tại đến năm 2002, Vifon thoái vốn toàn bộ, Vifon Acecook trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Trước đó, hồi năm 2000, Vifon Acecook cho ra đời sản phẩm mì gói huyền thoại của mình là Hảo Hảo, đánh dấu bước đột phá của công ty trên thị trường mì ăn liền.
Đến năm 2004, Vifon Acecook di dời nhà máy về Khu công nghiệp Tân Bình và chính thức đổi tên thành Công ty TNHH Acecook Việt Nam. Tiếp đến năm 2008, tiếp tục đổi tên thành Công ty cổ phần Acecook Việt Nam như hiện nay.
Sau gần 30 năm hình thành và phát triển, Acecook Việt Nam đã đưa gói mì Hảo Hảo đến hơn 47 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Năm 2018, mì Hảo Hảo còn lập kỷ lục "mì gói được tiêu thụ nhiều nhất trong 18 năm" với hơn 20 tỷ gói mì đến tay người tiêu dùng Việt giai đoạn 2000- 2018.
Bên cạnh sản phẩm huyền thoại mì Hảo Hảo, Công ty còn mở rộng danh mục sản phẩm của mình như mì Lẩu Thái, Đệ Nhất, Số Đỏ, Mikochi hay miến Phú Hương... phủ sóng các phân khúc từ mì gói, phở, hủ tiếu, bún tới miến, muối chấm, snack… Những danh mục sản phẩm này đã mang về nguồn lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp hàng năm.
Theo VietnamFinance, tính tới năm 2020, Acecook Việt Nam có vốn điều lệ 298 tỷ đồng, trong đó, cổ đông Nhật Bản là Acecook Co., LTD nắm giữ 16,9 triệu cổ phần, bằng 169 tỷ đồng, tương đương 56,64%. Cổ đông Hà Lan là Marubeni Foods Investment Asia Cooperatie FU.A nắm 5,459 triệu cổ phần, bằng 54,59 tỷ đồng, tương đương 18,296%. Cổ đông Việt Nam duy nhất là ông Hoàng Cao Trí, nắm khoảng 25% cổ phần còn lại.
Theo số liệu từ Người Đưa Tin được biết, giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu thuần của công ty tăng trưởng liên tục từ: 8.413 tỷ đồng (năm 2016) lên 8.878 tỷ đồng (năm 2017) rồi 9.829 tỷ đồng (năm 2018) và cán mốc 10.648 tỷ đồng (2019).
Cùng với doanh thu tăng trưởng, lợi nhuận sau thuế của công ty cũng không ngừng gia tăng với tốc độ rất nhanh từ 920 tỷ đồng (năm 2016) lên 1.115 tỷ đồng (năm 2017), lên tiếp 1.383 tỷ đồng (năm 2018) rồi đạt 1.660 tỷ đồng (năm 2019).
Xét về cả doanh thu và lợi nhuận, Acecook Việt Nam vượt trội hơn hẳn so với các doanh nghiệp cùng ngành như Asia Foods (mì Gấu đỏ), Uniben (mì Ba miền), Colusa-Miliket (mì Miliket)…
Quang Hải
Theo KTDU