Sự kiện hot
6 năm trước

Miền di sản Đồ Sơn

Di sản văn hóa không những là bằng chứng về bề dày lịch sử, vị thế của một dân tộc, một địa phương mà còn là nguồn lực to lớn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Cùng với phế tích tháp Tường Long, đình Ngọc Xuyên, bến tàu Không số (K15), bến Nghiêng, đảo Dấu còn có 4 di tích cấp thành phố gồm: Kho Xăng, đền Nghè, chùa Thiên Phúc, đình Quý Kim góp phần tạo nên sản phẩm du lịch của Đồ Sơn, đó là du lịch văn hóa, tâm linh. Đến thăm đình Ngọc Xuyên với những giá trị nổi bật về lịch sử và kiến trúc giúp du khách tìm hiểu truyền thống của vùng đất Đồ Sơn gắn với ngôi đình này và cảm nhận những giá trị độc đáo của kiến trúc tiêu biểu của thời Nguyễn cuối thế kỷ 19. Từ chân núi khu vực đình Ngọc Xuyên, du khách có thể đi bộ lên tháp Tường Long, chùa Tháp qua lối bậc đá thơ mộng, hàng cây xanh mát. Hoặc cũng có đường mòn để xe ô tô đưa khách lên tháp, bắt đầu hành trình khám phá di tích có từ thời Lý với quần thể chân móng tháp được bảo tồn;

Tháp Tường Long – Chùa Tháp, đây là công trình văn hóa có kiến trúc độc đáo gắn với Vương triều Lý thế kỷ XI. Tháng 11/2017 quần thể chùa Tháp tháp Tường Long đã hoàn thành phục dựng. Đứng trên đỉnh núi Ngọc, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh đẹp “sơn thủy hữu tình” từ trên cao với nhiều góc nhìn khác nhau.

Tiềm năng du lịch của Đồ Sơn mới bắt đầu được khai thác bởi người Pháp từ những năm đầu thế kỷ XX. Còn trước đó hơn 2 thế kỷ, trong các thế kỷ XVII - XVIII, dù tên gọi Đồ Sơn chưa được nhắc tới nhưng trong thư tịch và bản đồ cổ của những nhà hàng hải, thương nhân châu Âu tới Đàng Ngoài (chủ yếu là người Hà Lan và người Anh) thì tên gọi Batsha hay Batshaw đã xuất hiện phổ biển. Ngày nay người ta đã xác định được vị trí của Batsha (Batshaw) ở các thế kỷ XVII - XVIII là một làng chài (hoặc xóm chài) nằm trên bán đảo Đồ Sơn.

Theo mô tả của nhà hàng hải người Anh ở thế kỷ XVII William Dampier trong cuốn sách Du hành và Khám phá năm 1688, cư dân sống ở làng chài mang tên Batsha (Đồ Sơn ngày nay) không chỉ làm nghề đánh cá mà còn kiêm luôn vai trò làm hoa tiêu dẫn đường cho những thuyền buôn phương Tây vào vùng cửa sông Thái Bình thuộc khu vực các huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Đây là khu vực chủ yếu ở Đàng Ngoài nơi mà các thương thuyền đến từ phương Tây như Hà Lan hay Vương quốc Anh được tự do ra vào, buôn bán trao đổi hàng hoá và lưu trú lâu dài vào thời đó.

Ngày nay, khu du lịch Đồ sơn có 189 khách sạn – nhà nghỉ - nhà hàng kinh doanh dịch vụ. Trong đó có 60 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 129 cơ sở kinh doanh lưu trú với tổng 3.555 phòng. Trong đó tổng số các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hàng từ đạt chuẩn trở lên đạt 86/129, 01 khách sạn 4 sao, 01 biệt thự du lịch cao cấp, 03 biệt thự du lịch, 05 khách sạn 2 sao, 06 khách sạn 1 sao, 70 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch.

Trong năm 2019 khi đến du lịch Đồ Sơn, ngoài tắm biển, tham quan các điểm di tích – di sản – tâm linh, quý khách còn có thể trải nghiệm dù bay, hệ thống phao bơi liên hoàn trên mặt biển và thưởng thức những món hải sản ngon – tươi nổi tiếng.

Ở Đồ Sơn, còn có một số điểm tham quan di sản tâm linh như: Chùa Tháp - Tháp Tường Long; đình Ngọc Xuyên, bến tàu Không số (K15), bến Nghiêng, đảo Dấu; Đền Bà Đế; Đền cô Chín suối Rồng; Chù Hang; Kho Xăng, đền Nghè; chùa Thiên Phúc; đình Quý Kim.

Lịch liên hoan du lịch “Đồ sơn – Miền di sản”:

- Giải bóng chuyền bãi biển Nữ Hải Phòng mở rộng.

o Khai mạc: 8h00 ngày 30/4 (Thứ Ba)

o Bế mạc: 16h ngày 01/5 (Thứ Tư)

o Địa điểm: Bãi biển khu II Đồ Sơn.

- Liên hoan nghệ thuật du lịch “Đồ sơn – Miền Di Sản”

o Thời gian: 19h30 ngày 30/4 (Thứ Ba)

o Địa điểm: Quảng trường 15/5 (Khu I Đồ Sơn)

o Truyền hình trực tiếp trên VTC.

Phạm Duy
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: