Dantin - Với cái lạnh như cắt da, cắt thịt của mùa đông không ngăn được các tay thợ săn chuột đồng, bởi trời càng lạnh chuột không ra ngoài, nên những người săn chuột vào mùa.
Dantin - Với cái lạnh như cắt da, cắt thịt của mùa đông không ngăn được các tay thợ săn chuột đồng, bởi trời càng lạnh chuột không ra ngoài, nên những người săn chuột vào mùa. Những cánh đồng lúa của huyện Thanh Trì hay ven quận Hà Đông (Hà Nội) có rất nhiều thợ săn bắt chuột, bởi thịt chuột là đặc sản, nhất là vào những ngày tết.
9h mỗi buổi sáng, trên cánh đồng lúa của phường Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội), có tới hàng chục người dân làng Đa Sĩ (Kiến Hưng - Hà Đông) và xã Hữu Hòa (Thanh Trì) tới săn chuột đồng, đông như trẩy hội.
Bờ ruộng, mương…của cánh đồng này hằn vết đào bới nham nhở sau khi những đoàn săn chuột rút quân. Đây thường là nơi tập trung rất đông "thợ săn". Mỗi nhóm có ít nhất là 2-4 người.
Những người đi bắt chuột đào bới bờ mương tan hoang
Khi phát hiện hang chuột, các thợ săn rất cẩn thận vạch những lùm cỏ, “nghiên cứu” từng vết chân chuột ở miệng lỗ. Những vết chân còn mới, chứng tỏ có chuột còn ra vào. Phát hiện được điểm tốt, người trưởng nhóm ra hiệu kêu anh em cùng hành động.
Cả nhóm ngay lập tức hì hục đào. Từng hệ thống “đường hầm” ngoằn ngoèo hiện dần ra trước mắt. Có đoạn ăn sâu vào đường ruộng, bờ đê rồi đổ thành nhiều nhánh. Tuy nhiên, chỉ sau một hồi, gần 10 con chuột bị tóm gọn. Từng chú chuột đồng lần lượt bị bẻ răng nanh rồi bỏ vào túi hoặc lồng sắt.
Trao đổi với PV Dantin.vn, anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Có nhiều cách bắt chuột khác nhau. Dùng thuổng đào phá hang ổ, chuột sẽ chạy cùng đường tới cuối hang. Trường hợp ổ sâu, dài, nhiều ngõ ngách, hun khói hoặc đổ nước là chuột chui ra ngay.
Bẻ răng nanh để chuột còn sống, tránh bị hôi khi ăn thịt
Bọn mình săn bắt chuột có kém gì mấy anh ở làng Đa Sĩ, phường Kiến Hưng (quận Hà Đông) đâu. Vì vậy, những người đi săn chuột bây giờ không chỉ có cả làng Đa Sĩ mà còn cả người dân xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội nữa. Tôi là một ví dụ. Chính vì thế chuột hiếm dần.
Những người đi bắt chuột đồng như bọn tôi đa số là phục vụ cho các đám cưới trong xã và cho những ngày tết. Ở xã tôi, đám cưới mà không có thịt chuột là đám cưới đó không to. Thịt chuột làm lông xong bán với giá 200.000 đồng/ cân. Mỗi ngày cũng bắt được 20-30kg. Còn những ngày gần tết, giá thịt chuột sẽ cao hơn ngày thường một chút”.
Sản phẩm của các thợ săn chuột
“Còn việc bẻ răng nanh là rất cần thiết, bởi bẻ như vậy chuột không cắn được nhưng vẫn sống. Chuột phải sống thì thịt mới ngon. Còn chết trước khi làm thì coi như vứt, mất hết độ tươi, giòn thơm, còn có mùi hôi”, anh Tuấn giải thích.
Còn anh Tuấn Hoàng người làng Đa Sĩ có kinh nghiệm nhiều năm săn chuột cho biết: “Một ngày không ra đồng bắt vài con chuột về ăn, coi như ngày đó bị ốm. Ban đầu bắt chuột mang về chỉ để nhậu. Nhưng đến lúc này, người làng Đa Sĩ coi bắt chuột là một nghề kiếm cơm. Chuột giờ thành đặc sản, ngay dân làng cũng ít được ăn, chỉ để tiếp khách quý”.
Việc săn chuột đã làm giảm sự phá phách hoa màu của họ nhà “tí”. Tuy nhiên, không ít người dân lại lo ngại, bởi cách săn bắt chuột làm hỏng hết bờ ruộng, mương…gây khó khăn trong việc trồng lúa vụ tới.
Tiến Dũng