Sự kiện hot
5 năm trước

Mỹ phẩm Mộc Y Lâm: Quảng cáo như "thuốc điều trị bách bệnh"!

Dù chỉ là mỹ phẩm, nhưng hoàng loạt sản phẩm Mộc Y Lâm lại được quảng cáo như thuốc đặc trị bách bệnh tại trang web http://thaoduocmocylam.com/...

Cụ thể, tại trang web http://thaoduocmocylam.com/ hầu hết các sản phẩm của Mộc Y Lâm đều được thêu dệt bằng những từ ngữ có cánh như “đặc trị” và “điều trị”.

Điển hình như sản phẩm đặc trị viêm da, bản chất là kem mỹ phẩm nhưng lại được trang web này quảng cáo thành đặc trị viêm da.

Đi kèm với đó là lời quảng cáo về công dụng của sản phẩm: “Đặc trị các bệnh ngoài da: Lang ben, hắc lào, ghẻ, nước ăn chân tay, chốc lở, mẩn ngứa, các loại nấm da, nấm đầu, nấm móng, nấm kẽ, côn trùng đốt, viêm lỗ chân lông, á sừng, viêm da cơ địa, viêm nấm ngoài âm đạo…”

Nhiều khách hàng cho rằng, việc quảng cáo công dụng của lọ kem này một cách “rất hoành tráng” khiến nhiều người dễ dàng cảm thấy sản phẩm này “thần thánh” đến độ có thể điều trị được tất cả các loại viêm da thậm chí cả viêm ngoài âm đạo. Cũng từ đó, nhiều người thắc mắc: Liệu một sản phẩm chỉ với các thành phần được quảng cáo như: Sinh phấn, dầu mè, long não, mã tiền chế và một số thành phần gia truyền khác mà trang web này quảng cáo có thể điều trị được nhiều bệnh như vậy hay không?

Cũng trên trang web này, sản phẩm “ĐẶC TRỊ PHỤ KHOA” cũng được "thổi phồng" với ưu điểm siêu việt vượt trội như "Đặc trị viêm loét, viêm lộ tuyến cổ tử cung, nhiều khí hư, cân bằng độ PH âm đạo, giảm mùi hôi, nấm ngứa âm đạo

Các sản dưỡng trắng da, trị mụn, trị nám, tàn nhang, trị hôi nách, trị đau dạ dày, trị viêm xoang... cũng được quảng cáo với hàng loạt ưu điểm, công dụng. Mà thực tế, muốn đạt được chừng đấy tác dụng, các khách hàng phải sử dụng nhiều loại thuốc điều trị, hỗ trợ điều trị, thực phẩm chức năng khác nhau chứ không phải chỉ đơn giản là thoa một loại mỹ phẩm mà có thể giải quyết hầu hết các vấn đề của làn da.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV, tất cả các sản phẩm của Mộc Y Lâm được quảng cáo trên webside này đều không có đầy đủ tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm này ra thị trường.

Để khách quan sự việc, PV Báo Đời sống và Tiêu dùng đã liên hệ với số điện thoại đăng công khai trên website 0962.611.426 (để yêu cầu xác minh thông tin “các sản phẩm Mộc Y Lâm quảng cáo trên trang web trên có nguồn gốc xuất xứ và có giấy phép đăng ký lưu hành hay không?” thì được trả lời: “Đây là sản phẩm do bên anh làm ra thì bên anh bán, ai phản ánh gì thì em nói chuyện với người đấy, bên anh không có nhu cầu để cho em tìm hiểu thông tin...!”.

Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo có nêu rõ: Mỹ phẩm được cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị” để quảng cáo cho người tiêu dùng

Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên khái niệm để phân biệt thuốc và mỹ phẩm như sau: Thuốc: là chất hoặc hỗn tạp các chất dùng cho người nhằm phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể bao gồm thuốc thành phẩm, vật liệu làm thuốc, văcxin, sinh phẩm y tế.

Tân dược (tân dược) hay thuốc ta (đông dược) đều phải được sản xuất tại các nhà máy sinh sản thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO (Thực hành tốt sinh sản thuốc - theo tiêu chuẩn của tổ chức Y tế thế giới). Thuốc không phải là thực phẩm, phải cẩn trọng khi dùng, phải đúng liều đúng lượng.

Về mỹ phẩm được Bộ Y tế định nghĩa một chất hoặc chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với phần bên ngoài thân thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi) hoặc răng và niêm mạc mồm với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ thân thể trong điều kiện tốt.

Mỹ phẩm không có tác dụng chữa bệnh hoặc thay thế thuốc chữa bệnh và không được phép kê đơn cho người bệnh.

Ngoài ra, đối với việc quảng cáo mỹ phẩm: Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu chứng minh tính an toàn và hiệu quả của mỹ phẩm và phải tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của Hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải có đủ tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường và lưu ý khi sử dụng (nếu có).

Như vậy với những thông tin trên có thể khẳng định, các sản phẩm của Mộc Y Lâm đang quảng cáo trên webside http://thaoduocmocylam.com/ có dấu hiệu mập mờ trong việc đăng ký kinh doanh đơn vị sản xuất sản phẩm; phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế; nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và đặc biêt vi phạm nghiêm trọng về điều kiện quảng cáo mỹ phẩm như thuốc trị bệnh.

Thực tế trên, nhiều khách hàng mong muốn Cục Quản lý Dược, Sở Y tế và cơ quan chức nằn cần vào cuộc để kiểm tra, thanh tra, xác minh làm rõ và nếu có sai phạm cần phải xử lý nghiêm theo các quy định liên quan của pháp luật, nhằm tránh gây thiệt hại đến sức khỏe và kinh tế của người tiêu dùng.

Điều 20. Điều kiện quảng cáo

1. Quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

2. Quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

3. Quảng cáo tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản.

4. Quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

a) Quảng cáo thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế; phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam đang còn hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt;

b) Quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế;

Cũng Theo Khoản 3, Khoản 4, Điều 69 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo:

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc;

b) Quảng cáo mỹ phẩm có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định;

c) Quảng cáo mỹ phẩm thiếu một trong các nội dung sau: tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng chủ yếu của mỹ phẩm trừ trường hợp tính năng, công dụng đã được thể hiện trên tên của sản phẩm; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; các cảnh báo theo quy định.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này;

b) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này.

Mai Quỳnh - Lê Tùng
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: