Từ sự buông lỏng quản lý kéo dài dẫn đến hàng trăm m2 đất ao tập thể tại thôn Đìa, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, bị san lấp, phân lô rồi chuyển nhượng trái phép, thu lợi bất chính.
Từ sự buông lỏng quản lý kéo dài dẫn đến hàng trăm m2 đất ao tập thể tại thôn Đìa, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, bị san lấp, phân lô rồi chuyển nhượng trái phép, thu lợi bất chính. Nhiều công trình nhà ở đã được xây dựng kiên cố, cao tầng. Sai phạm không dừng lại ở đó mà các lô đất này còn được hợp thức hóa cấp sổ đỏ, có dấu hiệu tiếp tay từ phía cán bộ UBND xã Nam Hồng…
Do buông lỏng quản lý nên diện tích ao tập thể 540m2 đã bị hộ ông Viễn san lấp và phân thành 6 lô, đã được cấp sổ đỏ. Ảnh: Minh Hải
Tiếp tay cho việc trục lợi từ đất công?
Bà Trần Thị Liên, thành viên Ban Chi hội Người cao tuổi xóm Đìa, đại diện người dân xóm Đìa đứng đơn tố cáo, khẳng định ao Bèo (thuộc xóm Đình, thôn Đìa, diện tích 540m2, thửa đất 34a, tờ bản đồ số 35) có nguồn gốc là của hộ ông Ngô Văn Tuệ. Năm 1960, ao được công hữu vào hợp tác xã (HTX).
Đến những năm 80 của thế kỷ XX, xã cho đấu thầu và hộ ông Hoàng Văn Dung trúng thầu ao thả cá và ký hợp đồng 5 năm 1 lần. Năm 2008, khi chưa hết hạn hợp đồng thì UBND xã Nam Hồng có chủ trương thu hồi các ao trong xã nhằm bán đấu giá lấy kinh phí xây dựng hạ tầng cơ sở địa phương. Riêng ao Bèo chưa thực hiện bán đấu giá, theo bà Liên, vì ao này không nằm trong cùng 1 thửa đất mà nằm đơn lẻ, 4 mặt cắt bởi mốc giới của đường đi chung và các hộ dân đang sinh sống…
Năm 2010, hộ ông Trương Văn Viễn liền kề ao tự ý san lấp, phân thành 6 lô và xây tường rào.
Nhận được phản ánh từ người dân, chính quyền xã Nam Hồng sau đó đã cho tổ chức cưỡng chế san bằng các bức tường phân lô trên. Mấy hôm sau, hộ ông Viễn tiếp tục ngang nhiên xây tường lại, bờ tường được xây lại thấp hơn cũ, phân lô cách nhau bởi hàng gạch và phủ đất, cỏ, lá chuối lên trên nhằm che đậy. “Chính sự buông lỏng, xử lý thiếu triệt để, thậm chí có dấu hiệu của hành vi tiếp tay của cán bộ xã cho nên cái gì đến cũng phải đến, đó là không hiểu bằng cách nào mà đến tháng 8/2011, các lô đất trên được được chuyển nhượng rồi “phù phép” đất ở được cấp sổ đỏ. 2 năm nay, cứ mỗi lần họp thôn, Chi bộ chúng tôi đều đưa vấn đề này ra nhưng chính quyền xã không giải quyết”, bà Liên bức xúc.
Hai ngôi nhà kiên cố xây dựng trên diện tích đất ao tập thể bị hộ ông Viễn san lấp có diện tích 288m2 đã được cấp sổ đỏ. Ảnh: Minh Hải
Một ao công khác là ao ông Vụ, diện tích 288m2 nằm liền kề ao Bèo cũng bị hộ ông Viễn san lấp, hiện đã mọc lên 2 ngôi nhà nhiều tầng xây kiên cố và cũng được cấp sổ đỏ. Nguồn gốc đất ao này là của hộ ông Trần Trọng Vụ, năm 1960 đã công hữu vào HTX, sau đó chia cho nhiều hộ gia đình thả bèo để phục vụ chăn nuôi, thả cá. Hộ ông Viễn sau đó trúng thầu ao này và ký hợp đồng thầu khoán nuôi cá với xã.
Hai cái ao tập thể bị “xẻ thịt” thành đất ở này có điểm chung là đều đã được công hữu vào HTX, nhưng tại các giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ) được cấp đều ghi: “Nguồn gốc sử dụng: Nhận chuyển nhượng đất có nguồn gốc do cha ông để lại”.
Có thể nói việc khai không đúng sự thật về nguồn gốc đất, cán bộ xã Nam Hồng không thẩm định, nhưng vẫn xác nhận, tham mưu lên huyện để làm sổ đỏ đã làm dấy lên nghi ngờ của dư luận về có hay không hành vi tiêu cực, trục lợi từ đất của cán bộ xã Nam Hồng?
Kiến nghị thu hồi hàng loạt sổ đỏ sai phạm
Trước những khiếu kiện bức xúc kéo dài, mới đây trong văn bản trả lời đơn kiến nghị của người dân cụm dân cư số 5 do ông Nguyễn Viết Khoa, Chủ tịch UBND xã Nam Hồng ký, đóng dấu, đã khẳng định: Thửa đất mà hộ ông Viễn tự ý chuyển nhượng, trước đây là khu đất ao do tập thể quản lý thuộc thửa đất số 34, 35 tờ bản đồ số 33, bản đồ địa chính thôn Đìa, xã Nam Hồng. Khu đất ao trên trước đây đã bị một số hộ gia đình, cá nhân tự ý san lấp sử dụng. UBND xã không có chủ trương cấp đất giãn dân hoặc bán đấu giá tại khu vực ao trên.
Việc lập hồ sơ, xét cấp sổ đỏ của các hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng và chia tách QSDĐ của hộ gia đình ông Viễn gồm: Ông Lê Đức Anh được cấp 178,4m2 tại thửa đất số 34a, tờ bản đồ số 33; bà Lê Thị Bằng, được cấp 178,4m2 tại thửa số 34b, tờ bản đồ 33; bà Nguyễn Thị Liên (Vợ ông Viễn) được cấp 174,5m2 tại thửa số 35, tờ bản đồ số 33; ông Trần Trọng Vũ được cấp 300m2 tại thửa số 36, tổ bản đồ số 33, bản đồ địa chính thôn Đìa, xã Nam Hồng. Tất cả đều nhận chuyển nhượng từ năm 2007 của hộ gia đình ông Trần Trọng Viễn với nguồn gốc là đất của “cha ông để lại”.
Tại buổi làm việc với xã, ông Viễn thừa nhận đã tự ý lấn chiếm, làm hợp đồng chuyển nhượng cho người khác khu đất ao trên từ năm 2007 là đất có nguồn gốc cha ông để lại là vi phạm pháp luật. Ông Viễn đã làm bản tường trình, tường trình lại toàn bộ sự việc và cam kết sẽ khắc phục hậu quả do việc tự ý lấn chiếm, mua bán chuyển nhượng gây ra.
Hiện, UBND xã đã có tờ trình đề nghị UBND huyện Đông Anh ra quyết định thu hồi, hủy bỏ hàng loạt GCNQSDĐ cấp cho các trường hợp chia tách, nhận chuyển nhượng QSDĐ nêu trên…
Trao đổi với PV Báo Thanh tra về trách nhiệm của cán bộ thẩm định hồ sơ xét cấp GCN, ông Nguyễn Tiến Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hồng khẳng định: “Do Hội đồng Xét duyệt cấp GCNQSDĐ không kỹ nên mới để xảy ra hiện tượng cấp GCN sai quy định. Đến thời điểm này thì việc cấp các sổ đỏ tại thôn Đìa là sai, nhưng sai ở cấp độ nào, đến đâu, xử lý như thế nào thì phải chờ cơ quan chức năng của huyện quyết định sau khi có kết luận".
Vấn đề mà dư luận đặc biệt quan tâm không chỉ là xử lý hành vi lấn chiếm đất công của cá nhân ông Viễn, mà ai là người tiếp tay cho việc thẩm định, hợp thức hồ sơ đất chuyển nhượng từ ông Viễn cho nhiều người khác để được cấp “sổ đỏ”?
Báo Thanh tra sẽ trở lại vụ việc khi có kết quả xử lý từ UBND xã và huyện Đông Anh.
Đinh Lê - Thái Hải
theo Thanh tra