Sự kiện hot
12 năm trước

Nạn khai thác vàng trái phép: Bài 1: Nước mắt của rừng

Dantin - Khó khăn lắm chúng tôi mới vào được đến xã Xuân Chinh – nơi đang diễn ra nạn khai thác vàng trái phép. Nếu như Thường Xuân là huyện miền núi nghèo khó nhất của Thanh Hóa thì Xuân Chinh lại là xã đặc biệt khó khăn của huyện Thường Xuân.

Dantin - Khó khăn lắm chúng tôi mới vào được đến xã Xuân Chinh – nơi đang diễn ra nạn khai thác vàng trái phép. Nếu như Thường Xuân là huyện miền núi nghèo khó nhất của Thanh Hóa thì Xuân Chinh lại là xã đặc biệt khó khăn của huyện Thường Xuân. Nhưng từ trung tâm xã Xuân Chinh để vào được bãi đào vàng thì còn khó khăn hơn nhiều.

Phá nát rừng đầu nguồn


Những vết tích còn sót lại của việc phá rừng tìm vàng.

Cụt Ặc và Tú Tạo là hai thôn nằm trong tận cùng xã Xuân Chinh, giáp ranh với huyện Như Xuân, trong đó Cụt Ặc là xa nhất. Theo giải thích của người dân bản địa (người Thái) thì Cụt Ặc cũng chính là bản cụt, là điểm cuối cùng, không có đường ra, nó cũng tương tự như… điểm cuối cùng của một bộ phận trên cơ thể con người.

Hai thôn Cụt Ặc và Tú Tạo bị chia cắt với bên ngoài bởi một con suối chảy qua, không có cầu. Muốn vào được thôn bắt buộc phải lội qua suối. Vào ngày bình thường con suối chỉ sâu đến ngang bụng người nhưng vào mùa mưa thì nó biến thành một dòng sông đục ngầu và chảy xiết, muốn qua phải đợi nước rút, có thể là vài ba ngày, thậm chí cả tuần, cả tháng.

“Người Thái gọi đây gọi là Hón Chuối cũng nhiều vàng lắm. Mấy chục năm trước dân đào vàng cũng tập trung đến đào đãi ở đây, nhưng giờ hết rồi. Hết vàng nên họ bỏ đi”, Tuấn người dẫn đường giải thích giải thích.

Giữa cái nắng nóng hầm hập như đổ lửa của dải đất miền biên, hiện ra trước mắt chúng tôi là con đường vào thôn ngoằn nghoèo nhuốm một màu đỏ quạch bởi đất đồi, xen lẫn những ổ voi và vũng lầy – hậu quả của trận mưa rừng từ mấy hôm trước. Chiếc xe nhảy chồm trên đường như con ngựa bất kham, và dù đã về số 1 và ga hết cỡ, song nhiều lúc vẫn đành phải dắt bộ.

Ông Vi Văn Tường (59 tuổi), trưởng thôn Cụt Ặc cho biết: “Trước kia đường vào Cụt Ặc còn khó khăn hơn bây giờ rất nhiều chỉ đi bộ được thôi. Dân đào vàng là mới tìm vào đến đây. Giờ đường 45, 48 đang làm nên xe máy mới đi được.


Một cảnh đãi vàng tại mỏ Tú Tạo.

Theo ông Tường, Cụt Ặc được xem là nơi điễn ra nạn khai thác, đào đãi vàng có quy mô lớn nhất của Xuân Chinh. “Lợi dụng việc làm tuyến đường nối giữa Thường Xuân với Như Xuân, nhiều đối tượng đã trà trộn vào và đem theo cả máy xúc, máy ủi, máy đãi vàng vào sâu trong rừng để khai thác. Thậm chí họ còn ngang nhiên chặt phá rừng để mở đường vào khu khai thác vàng, có đoạn dài đến vài trăm mét. Sau bị chính quyền phát hiện thì họ mới chịu đem máy móc ra ngoài”, trong khi đó, Vi Văn H. (sinh năm 1988, người thôn Cụt Ặc) tiết lộ: “Bãi vàng ở Cụt Ặc này là quy mô nhất đấy, bị phát hiện dân đào vàng cũng chỉ đem máy xúc, máy ủi ra, còn máy đào đãi vàng vẫn giấu ở trong rừng và thuê người trông với giá 30.000 đồng/ngày đêm. Chắc họ phải đợi cho lắng xuống một thời gian rồi mới khai thác lại. Giờ chỉ còn bên Tú Tạo là còn khai thác vàng, nhưng cũng chỉ làm vào buổi trưa, chiều tối và đêm thôi”.

Theo quan sát, tuyến đường nối giữa hai xã Xuân Chinh (Thường Xuân) và Thanh Sơn (Như Xuân) được triển khai song vẫn còn dang dở. Dọc theo tuyến đường này là những vệt nham nhở của rừng bị phá để mở đường, trên đường vẫn còn sót lại những khúc gỗ lớn – một phần của cây rừng bị đốn hạ nhưng chưa vận chuyển đi hết. Cạnh tuyến đường chính (đã được phê duyệt dự án) là tuyến đường phụ dạng “chân rết” vừa được san ủi, dài khoảng hơn 300 mét, rộng khoảng 5 – 7 mét chạy thẳng vào giữa rừng sâu…

Khó kiểm soát


Cận cảnh hầm đào vàng.

Qua tìm hiểu được biết, nạn khai thác vàng sa khoáng từng xảy ra trên địa bàn xã Xuân Chinh (Thường Xuân) trong nhiều năm qua, cơ quan chức năng phải nhiều lần vào cuộc giải quyết, nhưng rồi chỉ được một thời gian là lại tái diễn.

Mới đây nhất, vào đầu tháng 5/2013, trong một đợt truy quét “vàng tặc” có quy mô lớn, các lực lượng chức năng liên ngành đã tiến hành thu giữ nhiều máy móc, phương tiện và đánh mìn phá sập nhiều hầm đào vàng ở khu vực đầu nguồn mà “vàng tặc” đã khai thác trước đó. Tuy nhiên, khi các lực lượng chức năng rút đi, “vàng tặc” lại hoạt động. Ngoài ra, để qua mặt các cơ quan chức năng, “vàng tặc” sử dụng những thủ thuật và phương thức hoạt động mới.

Tại Tú Tạo – một trong hai điểm nóng về “vàng tặc” của xã Xuân Chinh, hoạt động khai thác vàng vẫn tiếp diễn. Đối tượng tham gia đào đãi vàng ở khu vực rừng đồi đầu nguồn chủ yếu là người địa phương, ngoài ra còn có thêm một số đối tượng khác từ các tỉnh Thái Nguyên, Nam Định, Ninh Bình tìm vào.

Theo quan sát, bên cạnh những miệng hầm vừa bị đánh sập, đã xuất hiện thêm các cửa hầm với dấu vết đào còn khá mới. Mỗi hầm ngầm sâu từ 80 – 100m trong lòng đất và là đường độc đạo. Phía bên ngoài miệng hầm được ngụy trang bằng những mảnh ván và cọc tre nên khi mới nhìn vào rất khó phát hiện. Hoạt động khai thác vàng trái phép tại đây chỉ diễn ra vào đêm khuya. Cạnh các miệng hầm vẫn còn những đống than củi – dấu vết còn sót lại của những chuyến “đi vỉa” của dân đào vàng đêm hôm trước. Đất (có chứa vàng sa khoáng) được chuyển từ trong hầm ra bằng bao tải, sau đó được chuyển xuống dưới một hồ nước phía dưới (cách nơi khai thác khoảng 700 mét) để đãi.

Vi Văn Hải (25 tuổi, người xã Xuân Chinh) không ngần ngại khoe “chiến tích” với chúng tôi: “Mỏ vàng ở Tú Tạo này là do em và mấy anh ở ngoài (Thái Nguyên, Nam Định – PV) tìm ra đầu tiên đấy. Cách đây 3 năm rồi. Sau bị phát hiện nên phải bỏ dở. Giờ thì dân vào đào lại. Cái số mình không giàu được, toàn “bày cỗ” cho kẻ khác xơi…”.

Theo Hải, vàng ở Tú Tạo và Cụt Ặc chủ yếu là vàng sa khoáng, việc khai thác đòi hỏi tốn rất nhiều công sức. “Muốn đào được vàng trước hết là phải chặt cây để mở đường và lấy bãi đào. Sau đó thì dùng cuốc, xẻng, thuổng để đào thủ công. Trước dùng máy nhưng giờ không dùng nữa. Không phải cứ đào sâu là gặp được đất chứa vàng sa khoáng đâu, còn tùy có gặp “vỉa” hay không, cho nên có khi đào sâu xuống lòng đất hàng trăm mét mà vẫn không gặp được vàng…”, Hải nói.

Cũng theo Hải, từ trước đến nay ở hai mỏ Cụt Ặc và Tú Tạo chưa xảy ra vụ chết người vì đào vàng bao giờ, nhưng trường hợp người bị ngất xỉu trong hầm vì ngạt khí ô xy thì đã xảy ra. “Dân đào vàng kỵ nhất là trời mưa, khi đó vào hầm đất rất dễ bị ngập nước, thậm chí sập hầm. Đào vàng chỉ thực hiện được vào lúc trời tạnh ráo, càng nắng to thì càng tốt”, Hải cho biết.

Người Trung Quốc từng thăm dò mỏ vàng Xuân Chinh?

Theo báo cáo của UBND huyện Thường Xuân gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thì tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép tại địa phương đã diễn ra từ năm 2005. Rất nhiều đối tượng từ bên ngoài đã cấu kết với người địa phương để tiến hành tìm kiếm, thăm dò và khai thác vàng tại khu vực đồi là diện tích đất lâm nghiệp rộng 6,1 ha (tại thôn Tú Tạo, xã Xuân Chinh).

UBND huyện Thường Xuân đã báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa cho đánh mìn sập các hầm đào vàng trái phép này. Tuy nhiên, từ đó đến nay, tình trạng khai thác vàng sa khoáng lén lút vẫn diễn ra.

Đặc biệt, vào năm 2010, trong một lần kiểm tra, ra quân truy quét “vàng tặc”, UBND huyện Thường Xuân đã thu được bản “báo cáo thăm dò sơ bộ mỏ vàng Tú Tạo” được ghi bằng tiếng Việt và cả tiếng Trung Quốc.

Hoàng Sơn ( Điều tra đặc biệt của PV Đời sống & Tiêu dùng )

Từ khóa: