Dù khủng hoảng, ông Hà vẫn phải trấn an vợ con: “Chắc Tuấn chỉ dọa trong lúc bộc phát nhất thời”. Nhưng đến tối 12/7, thì chuyện ôm mìn đòi nợ của Tuấn không chỉ là đe dọa nữa mà đã trở thành sự thật. Trái mìn trong tay người em cọc chèo đã phát nổ, khiến ba người nhà ông Hà phải nhập viện khẩn cấp. Điều đáng nói là sau vụ việc kinh hoàng, dù rất giận, chính các nạn nhân lại bày tỏ sẵn sàng tha thứ cho hành động ngông cuồng của đứa em mất hết nhân tính.
Ông Phạm Xuân Hà và vợ, bà Nguyễn Thị Phương (ảnh nhỏ) đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: L.K.
Liên tiếp khủng bố đòi nợ kiểu “xã hội đen”
Nằm điều trị trong khoa Thần kinh của bệnh viện Đa khoa Nghệ An, bà Nguyễn Thị Phương (SN 1965), trú tại bản Lầu 2, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) phải co quắp để chống lại những cơn đau đớn vì vết thương nặng sau vụ nổ mìn gây chấn động dư luận. Tiếp chuyện phóng viên trong tình trạng thảm não như vậy, phải hết sức cố gắng, bà mới kể lại sự việc đau lòng vừa ập lên đầu gia đình mình.
Theo đó, khoảng 19h ngày 12/7, cả gia đình gồm bà và chồng là ông Phạm Xuân Hà (SN 1966) cùng đứa cháu ngoại Phạm Thảo Anh (SN 2006) vừa dùng cơm tối xong. Cả nhà đang nói chuyện rôm rả thì chợt thấy người em cọc chèo Nguyễn Sĩ Tuấn (SN 1970), trú tại xã Thái Hòa (huyện Quỳ Châu) đột ngột xuất hiện với vẻ mặt bặm trợn. Dừng câu chuyện với vợ con, ông Hà cất tiếng hỏi Tuấn: “Có công việc chi mà dượng đến vào lúc này (?)”. Thế nhưng thay vì trả lời, Tuấn nhìn thẳng vào người anh em của mình rồi nói gọn lỏn: “Mìn đây anh Hà này”. “Vừa nghe vậy, ông nhà tôi vội tiến lại dậy đẩy dượng Tuấn ra cửa nhưng không kịp. Một tiếng nổ khô khốc vang lên. Chồng tôi nằm bất tỉnh, máu me đầy mình. Ngay gần đó, Tuấn cũng nằm rên la vì bị sức công phá của trái mìn phá nát thân dưới. Bản thân tôi một lát sau đó cũng đau đớn ngất lịm đi”, bà Phương nhớ lại giây phút kinh hoàng.
Ngay sau khi nghe tiếng nổ vang trời, những người dân sống xung quanh lập tức chạy đến hiện trường xem xét sự việc. Chứng kiến cảnh tượng tan hoang, ai cũng đau xót ruột gan. Ngay lập tức, các nạn nhân gồm ông Hà, bà Phương và cháu Anh được mọi người thuê xe chở thẳng xuống bệnh viện đa khoa huyện Quỳ Châu cấp cứu. Tiên lượng sức khỏe các nạn nhân rất xấu, bệnh viện này đã chuyển cả gia đình ông Hà xuống bệnh viện Đa khoa Nghệ An để điều trị.
Ngồi bên cạnh mẹ mình, chị Phạm Thị Hiên (SN 1988) đau lòng nói: “Nhìn mẹ thế này đã xót rồi, nghĩ đến bố bị mất đi cánh tay trái đang nằm hôn mê cả mấy tiếng đồng hồ, chị em tôi như đứt từng khúc ruột”. Nhưng nghĩ lại, chị vẫn thầm cám ơn trời đất khi đứa con gái mới 6 tuổi của mình may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần. “Đêm đó, nghe tin nhà ông bà bị mìn nổ tung, phải đi cấp cứu, tôi cứ như ngồi trên đống lửa. Hai vợ chồng bắt xe chạy lên, đi nửa đường thì gặp chiếc xe bán tải chở bố mẹ xuống viện tỉnh”, chị Hiên cho biết. Sau vụ nổ mìn kinh hoàng, bà Phương đã bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Những ngày nằm điều trị, đôi mắt của bà luôn nhắm nghiền lại, ai hỏi gì cũng chỉ trả lời thều thào, khó nhọc. Các bác sĩ tại bệnh viện đa khoa Nghệ An lo ngại, bà có thể đã rơi vào trạng thái hoảng loạn do phải tận mắt chứng kiến cảnh tượng người anh em cọc chèo chết không toàn thây, còn chồng thương tích đầy mình.
Chị Hiên đau đớn khi chứng kiến bố mẹ mình đang đối diện với nguy kịch. Ảnh: L.K
Trở lại với nguyên nhân dẫn đến vụ việc, chị Hiên kể: “Bố và em trai tôi cùng làm ăn với Tuấn đã lâu”. Khoảng thời gian này, Tuấn xuất tiền cho hai cha con ông Hà đi thu mua cây Lùng (cây dùng để đan lát – PV) về bán. Mâu thuẫn chỉ bắt đầu xuất hiện, khi Hiếu (em trai chị Hiên – PV) làm thất thoát của Tuấn 23 triệu trong một lần đi mua cây. Do chưa xoay được tiền trả, Hiếu làm giấy vay nợ dượng mình 23 triệu đồng, hẹn mỗi tháng thanh toán 1 triệu. Nhưng ba ngày sau đó, mượn được bạn bè 16 triệu, Hiếu đem trả Tuấn và ký lại giấy nợ 7 triệu đồng. Kể từ đó, hai bên không hợp tác làm ăn với nhau nữa.
Thời gian sau này, do thiếu tiền đóng học phí cho con, chị Nguyễn Thị Oanh (vợ Tuấn) đã sang đòi Hiếu trả thêm 2 triệu. Số tiền còn lại, anh hứa sẽ trả nốt sau khi làm ăn xa trở về. Nhưng không chấp nhận đề xuất này, Tuấn thường xuyên đến nhà ông Hà đòi nợ cháu, thậm chí còn vác cả súng đến đe dọa. Xoay sở mãi, vợ chồng ông Hà cũng lo được 5 triệu thanh toán nốt cho Tuấn. Nhận tiền, nhưng Tuấn vẫn nhất quyết không chịu xóa giấy nợ mà đòi người anh cọc chèo phải trả tiền lãi mỗi ngày 1 triệu đồng. Thấy vô lý, ông Hà nhất quyết không chấp nhận khiến mâu thuẫn giữa hai bên càng thêm chồng chất. Từ đó, Tuấn nhiều lần đến đe dọa, lăng mạ gia đình ông Hà.
Cũng theo chị Hiên, trước khi gây ra vụ nổ mìn này, Tuấn đã hai lần đến dọa nạt gia đình ông Hà. Lần đầu tiên cách đây gần hai tháng, Tuấn cầm theo chai nước lạ đến rồi nói: “Đây là chai thuốc độc”, sau đó rút khẩu súng ra đe dọa. Rất may lần đó, công an xã có mặt kịp thời để dàn xếp mọi việc. Lần thứ hai vào ngày 31/6, Tuấn thuê chiếc xe ô tô con vượt quãng đường 60 km, mang theo 2 tuýp thuốc nổ lên dọa ông Hà. Lần này, do có người thông báo, nên ông Hà đã kịp thời lẩn trốn.
Tình người sau vụ nổ đẫm máu
Tìm hiểu thêm về sự việc, những người hàng xóm cho biết trước khi gây ra vụ nổ mìn, Tuấn có đi qua nhà vợ chồng sửa xe máy tên Dũng (sống sát nhà vợ chồng ông Hà) rồi nói: “Vợ chồng bay bế con đi nơi khác khoảng 10 phút rồi hẵng quay lại, tao sắp cho chúng nó “Bùm”. Thấy khuôn mặt giận dữ của Tuấn, vợ chồng này có chút nghi ngờ, nhưng cứ nghĩ chắc Tuấn chỉ dọa như những lần trước nên không kịp thời báo cho gia đình ông Hà.
|
“Hồ sơ đen” của hung thủ ôm mìn đòi nợ
Được biết, Tuấn đã có một tiền án phải ngồi tù 3 năm tại trại giam tỉnh Quảng Bình. Tại địa phương, y là kẻ nghiện ma túy nặng, những cơn nghiện thuốc càng làm cho Tuấn trở nên không bình thường, thường xuyên bị ảo giác. Những người dân sống gần đây đều cho rằng, Tuấn bị chấn động tâm lý mạnh, nhất là sau khi buôn bán thua lỗ. Thiếu tá Vi Xuân Thủy, Phó trưởng công an huyện Quỳ Châu cho biết: “Hiện tại, công an huyện đang phối hợp với đội trọng án công an tỉnh Nghệ An để tiến hành phong tỏa hiện trường, khám nghiệm và điều tra vụ án mạng”.
|
|
Vụ việc xảy ra sau đó đã khiến những người dân nơi đây xôn xao. Đối với Tuấn, bà con vừa giận, vừa thương, còn đối với gia đình ông Hà, ai cũng đau đớn khi nhìn thương tích các nạn nhân phải gánh chịu. Thế nhưng, trái với suy nghĩ của nhiều người, vợ con ông Hà không hề tỏ thái độ trách cứ gia đình Tuấn về hành động dã man trước đó. “Dì Oanh cũng đang đau đớn khi mất đi chồng. Đành rằng dượng Tuấn làm sai nhưng dượng đã phải trả cái giá quá đắt. Gia đình chúng tôi cũng chẳng muốn nhắc lại chuyện đau lòng, bởi dì Oanh và các em bên nhà dượng Tuấn đâu có làm gì nên tội”, chị Hiên nói. Cũng trong chiều 14/7, khi PV báo GĐ&XH Cuối tuần có mặt tại bệnh viện, bà Phương dù còn mệt vẫn cố nhờ con gái điện thoại cho em gái ruột (vợ Tuấn – PV). Trong cuộc điện thoại, bà Phương động viên chị Oanh: “Việc thì cũng đã xảy ra rồi, dì đừng đau buồn nữa, gắng gượng dậy để lo ma chay cho dượng ấy đi, rồi phải làm gương cho hai đứa trẻ nữa. Chị vẫn luôn tin em là người tốt”.
Được biết từ khi xảy ra sự việc trên, chị Nguyễn Thị Oanh cũng đau khổ đến “chết đi sống lại”. Những khó khăn trong cuộc sống không ngừng đè lên vai người phụ nữ nhỏ bé này. Lúc mới lấy nhau, vì hai vợ chồng cùng một lòng, một ý làm ăn, nên cuộc sống dần khá giả. Nhưng rồi được thời gian ngắn, Tuấn sa chân vào con đường nghiện rượu và ma túy nặng. Cũng từ đó, kinh tế gia đình ngày càng suy sụp, một mình chị Oanh phải gồng mình cáng đáng kinh tế gia đình để lo cho hai con ăn học.
Ngày 14/7 trao đổi nhanh với phóng viên, các các sĩ cho biết, ông Phạm Xuân Hà đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn còn hôn mê và đang được chăm sóc đặc biệt. Trước đó, ông Hà bị đa chấn thương do kim khí từ quả mìn găm vào cơ thể, vỡ cơ hoành, thủng ruột và bị cắt cụt 1 tay trái sau ca phẫu thuật kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt, chính Tuấn đã cướp đi chính mạng sống của mình. Nhưng hơn hết, đó là nỗi đau của hai gia đình thân thiết khi một gia đình mất đi người thân, còn người thân của gia đình kia phải nhập viện, nhà cửa tan hoang.
Kim Long
theo GĐ&XH