Nắng nóng đến 38 - 39 độ trong những ngày qua kèm theo độ ẩm lên tới 80% khiến cho nhiều trẻ em đổ bệnh. Chủ yếu các bệnh trẻ gặp liên quan đến đường hô hấp và bệnh tiêu chảy.
Nắng nóng đến 38 - 39 độ trong những ngày qua kèm theo độ ẩm lên tới 80% khiến cho nhiều trẻ em đổ bệnh. Chủ yếu các bệnh trẻ gặp liên quan đến đường hô hấp và bệnh tiêu chảy.
Nắng nóng trên diện rộng kéo dài gần một tuần qua đã khiến một loạt trẻ em đổ bệnh, đổ về các bệnh viện ở Hà Nội để chữa trị (số bệnh nhi tăng khoảng 20% so với thông thường).
Theo ghi nhận, số lượng bệnh nhi đổ về Hà Nội chủ yếu từ các tỉnh ngoại thành và bệnh phổ biến liên quan đến hô hấp, tiêu chảy. Ngoài ra, có nhiều trẻ ở Hà Nội mắc các bệnh về đường tiêu hóa, da liễu do đi bơi nhiều ở những bể bơi không đảm bảo chất lượng.
Nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp, tiêu chảy vì nắng nóng (Ảnh minh họa: VietNamNet)
Nguyên nhân trẻ mắc các bệnh về hô hấp là do trẻ nằm điều hòa nhiều, có nhiều trẻ bị sốc nhiệt, chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Ngoài ra, còn rất nhiều trẻ mắc bệnh tiêu chảy (gây ra bởi Rotavirus).
Bác sỹ Phạm Hương Thảo - Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội - cho biết, tiêu chảy do nhiễm rotavirus nguy hiểm hơn tiêu chảy do các nguyên nhân khác rất nhiều vì bệnh hiện chưa có thuốc đặc trị và có khả năng lây nhiễm rất cao.
Trẻ nhiễm rotavirus đào thải ra ngoài một lượng virus rất lớn, lên đến 10 ngàn tỷ nhưng chỉ cần một lượng rất nhỏ là có thể lây nhiễm và gây bệnh cho người khác.
Trong lúc các bệnh do nắng nóng diễn biến phức tạp trên trẻ nhỏ tiếp tục gia tăng thì nắng nóng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, nhiệt độ ngày 12/6 phổ biến ở mức 36 - 38 độ, một số nơi có nhiệt độ cao hơn như: Chi Nê (Hòa Bình) 39.0 độ, Láng (Hà Nội) 39.0 độ, Sơn Tây (Hà Nội) 39.0 độ, Hà Đông (Hà Nội) 38.8 độ, Nho Quan (Ninh Bình) 38.8 độ, Đô Lương (Nghệ An) 39.0 độ, …
Ngày 13/6, nền nhiệt độ này tiếp tục được duy trì. Bên cạnh đó, độ ẩm của toàn khu vực cũng cao (lên tới 80%) khiến cảm giác oi bức, khó chịu gia tăng. Dự báo đợt nắng nóng này còn kéo dài 1-2 ngày nữa.
Theo bác sỹ Thảo, đối với bệnh hô hấp, cần tránh cho trẻ ra ngoài đường vào thời điểm nắng nóng mạnh (từ trưa đến chiều), tránh nằm điều hòa nhiệt độ thấp, tránh để sốc nhiệt. Cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ nhỏ để nâng cao sức đề kháng.
Đối với bệnh tiêu chảy do rotavirus gây ra, để phòng bệnh cho trẻ, ngoài các biện pháp vệ sinh thông thường như rửa tay đúng cách, cung cấp nước sạch, cải thiện vệ sinh môi trường thì cần cho trẻ nhỏ uống vắc-xin ngừa rotavirus.
Khuyến cáo về vắc-xin ngừa rotavirus
Rotavirus là một bệnh phổ biến và nguy hiểm ở trẻ nhỏ. Tại hội thảo khoa học bàn về việc chủng ngừa Rotavirus cho trẻ do Hội Y học dự phòng Việt Nam phối hợp cùng GSK tổ chức cuối tháng 5 vừa qua, BS. Carlo Giaquinto- Giám đốc bộ phận Nhiễm Nhi - Sơ sinh & nghiên cứu lâm sàng Nhi - Đại học Padova- Ý cho biết: "95% trẻ em trên thế giới đều bị nhiễm Rotavirus một lần trong 5 năm đầu đời".
Vắc-xin ngừa rotavirus phát huy hiệu quả tối đa khi sử dụng cho trẻ trong độ tuổi dưới 6 tháng, uống 2 lần cách nhau tối thiểu 1 tháng. Hiện nay việc chủng ngừa tiêu chảy do Rotavirus chưa được cập nhật vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Vì vậy, để chủ động bảo vệ con ngay từ những năm tháng đầu đời, các bà mẹ hãy cho trẻ uống bổ sung vắc-xin ngừa tiêu chảy do Rotavirus càng sớm càng tốt.
Vắc-xin phòng bệnh tiêu chảy do rotavirus gồm 2 liều uống, khoảng cách tối thiểu giữa 2 liều vắc-xin là 1 tháng. |
N.Anh
Theo Vietnamnet