Mẹ Na cũng là một “tín đồ” của nước hầm. Ngay từ khi Na còn nhỏ, ngay nào mẹ Na cũng ra chợ mua xương lợn hoặc xương gà về hầm lấy nước để nấu bột cho con. Sau này Na ăn cháo mẹ cũng làm vậy. Theo mẹ Na thì: “Làm như vậy vừa nhanh, lại vừa đủ chất cho con, chất béo cũng có, chất đạm cũng có, mà con thì lại ăn ngon lành”.
Mẹ Su và mẹ Na không phải là hai trường hợp duy nhất có thói quen dùng nước hầm để nấu ăn cho con.
Rất nhiều các bà mẹ có quan điểm là nước hầm xương, hầm gà và cá, chứa nhiều chất dinh dưỡng nên thường dùng để nấu cháo, nấu bột cho con ăn là rất tốt, con sẽ bổ sung được thêm nhiều canxi. Thậm chí, nhiều mẹ còn cho rằng chỉ cần ăn nước hầm các loại này là đủ, không nhất thiết phải ăn cái.
Một số mẹ vì chưa dám cho con ăn thức ăn chưa xay nhuyễn như thịt, cá nên lo rằng nếu thái miếng hoặc băm nhỏ thì con ăn sẽ dễ bị nghẹn. Nhưng nếu không cho con ăn thịt, ăn cá và các loại thịt khác thì lại sợ con thiếu chất. Vậy là, một phương pháp được những mẹ này lựa chọn là dùng nước hầm của thịt để cho con ăn, gọi là… “có tí thịt”.
Quan điểm này là hoàn toàn sai lầm. Bởi thực tế nước hầm không đủ chất dinh dưỡng như các mẹ vẫn nghĩ. Trong nước hầm chỉ chứa rất ít các axit đã bị phân giải, vitamin, chất khoáng, chất béo và protin. Hơn nữa nước hầm xương hay hầm thịt không hề có giá trị dinh dưỡng như thịt, giá trị dinh dưỡng của nước hầm nhiều lắm chỉ chứa 10- 12% so với thực phẩm nguyên chất. Còn lại, một lượng lớn protein,chất béo, vitamin, chất khoáng vẫn đang nằm trong thịt.
Tương tự như vậy, nhiều người mẹ thích cho con ăn cơm chan với canh nấu từ món nước hầm các loại vì cho rằng ăn cơm với nước thịt heo, gà, vừa có vị ngon, vừa nhiều dinh dưỡng, bé lại ăn nhanh hơn. Phương pháp này không hề đúng. Bởi vì, một là canh không đủ dinh dưỡng, hai là tạo thói quen ăn không nhai ở trẻ.
Thực phẩm mà không được động tác nhai và được nước bọt trộn đều sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu hóa, hấp thu, nhất là đối với ở trẻ em, khi dạ dày còn yếu. Trong nước thịt, nước xương hầm có nhiều nitơ, tạo cảm giác ngon miệng, vị thơm nhưng có chứa rất ít đạm và canxi. Ngoài vị thơm ra, nước xương không có đủ dinh dưỡng, hơn nữa, còn gây khó tiêu, dễ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.
Giải pháp đúng mà các mẹ nên áp dụng là lựa chọn thực phẩm tươi, sạch. Các loại rau, thịt, cá, tôm… nên mua tươi, rửa sạch sẽ, băm nhỏ và nấu vừa chín. Nên kết hợp thịt cá, xay lẫn với rau củ để bé ăn cả cái và nước, vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa giúp bé chống chứng táo bón.