Sự kiện hot
12 năm trước

Nấu rượu phải đăng ký: Vừa thờ ơ, vừa cảnh giác

Dantin - Sau một tháng Nghị định 94 qui định về sản xuất rượu có hiệu lực, hầu hết chủ sản xuất rượu tại các làng nấu rượu nổi tiếng miền Bắc như làng Vân (xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang), làng Tam Đa (xã Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh), làng Tó (xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội)… đều tỏ ra thờ ơ với quy định mới.

Dantin - Sau một tháng Nghị định 94 qui định về sản xuất rượu có hiệu lực, hầu hết chủ sản xuất rượu tại các làng nấu rượu nổi tiếng miền Bắc như làng Vân (xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang), làng Tam Đa (xã Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh), làng Tó (xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội)… đều tỏ ra thờ ơ với quy định mới.

Vừa nấu, vừa canh!

Có thâm niên nấu rượu 20 năm nay, chị Bích ở xã Vân Khánh, Hoài Đức, Hà Nội cho biết: Chị cũng chỉ nghe loáng thoáng về quy định nấu rượu phải đăng ký. “Những ngày giáp Tết này, nhà tôi một ngày nấu từ 25 đến 30 lít rượu. Toàn đem đi bán buôn cho các cửa hàng “ruột” quanh làng thì đăng ký làm gì? Khách họ tự kiểm nghiệm rồi. Hiện giờ nhà tôi vẫn bán rượu cho các quán thịt chó trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, họ đặt bao nhiêu, nấu bấy nhiêu. Nhà tôi nấu và bao nhiều người uống, đã có ai bị sao đâu. Gạo mình, men mình ủ, nước giếng… đều là cây nhà lá vườn. Làm sao mà không yên tâm.” Rồi như để chứng minh lời nói của mình, chị Bích uống luôn nửa cốc rượu. “Thấy không, có ngộ độc thì tớ ngộ độc trước rồi” (!?).

Những thùng phi hàng trăm lít được các đại lí rượu làng Tó sử dụng để đựng rượu “quê”.

Tại làng Tó xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nơi được mệnh danh là “vựa” sản xuất rượu “cuốc lủi” có tiếng đất Hà Thành, một không khí cảnh giác cao đang bao trùm cả làng. “Ai cũng sợ quản lý thị trường và mấy ông chức năng (cơ quan chức năng – PV) bắt, phạt nên nấu rượu cũng phải kín một tý. Phải cảnh giác chứ. Bây giờ chỉ dám bán cho khách quen còn khách lạ ở nơi khác đến đặt thì tốt nhất là từ chối cho lành”, chủ một lò rượu làng Tó vừa ra dấu im lặng vừa nói.

Rượu “quê’ vẫn hàng ngày len lỏi tại các quán nhậu Hà Thành.

Mọi hoạt động của các lò rượu làng Tó đều diễn ra trong cảnh im lìm. “Giờ họ nấu trong nhà, trên tầng gác hết rồi chứ ai còn dại gì mà nấu ngoài sân nữa”, bà Nhung một chủ hàng nước ở đầu làng nói.

Trong vai một người đang cần mua khoảng 100 lít rượu quê để phục vụ cho việc nhà, lại có người quen dắt mối, chúng tôi được ông T., một người nấu rượu nổi tiếng làng Tó đon đả săn đón. Dù cảnh giác nhưng ông vẫn cho chúng tôi tham quan một vòng nơi nấu rượu của gia đình. Lò rượu của ông chỉ chừng 10m2 nhưng trong nhà la liệt những thùng, can to nhỏ khác nhau. “Gia đình tôi giờ chỉ nấu mỗi nồi hơn 10 lít để phục vụ cho bà con trong làng và những khách quen. Làm ăn giờ cũng phải kín kẽ chứ. Có quy định bắt đăng ký nấu rượu rồi còn gì.”, ông T. nói. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì hầu hết các cơ sở nấu rượu trong làng Tó đều cung cấp cho các đại lý lớn để mang đi tiêu thụ khắp nơi.

Rượu quê vẫn được nấu ồ ạt những ngày giáp Tết tại làng Tó.

Tràn lan rượu pha men Trung Quốc

Nhiều người nấu rượu cho rằng, hiện trên thị trường đã xuất hiện loại men Trung Quốc. Khi dùng loại men này, lượng rượu sẽ tăng thêm khoảng 40%, nhưng nồng độ không đổi. Nếu 10kg gạo, ngô, sắn nấu men thường, được khoảng 4 lít, nhưng với men Trung Quốc sẽ được khoảng 6 lít. Người dân địa phương uống phải rượu men Trung Quốc là biết liền, nó thường có mùi hơi hắc, uống vào bị rát họng, sau đó là đau, nhức đầu.

Ông T. cho biết: Nấu cho gia đình và người làng uống thì nhiều người ủ men thuốc bắc đàng hoàng, nhưng nếu nấu để cung cấp cho các đại lý thì họ sẽ sử dụng men Trung Quốc.

Chú Ngọc, một người nấu rượu khác ở Vân Khánh, Hoài Đức, Hà Nội cho biết: Trước kia thì vẫn nấu bằng men chín, ủ kỹ đàng hoàng. Nhưng giờ để tiết kiệm thời gian thì dùng men Trung Quốc pha vào rượu cho nhanh. “Này nhé, khi dùng men Trung Quốc thì lượng rượu sẽ tăng được khoảng 40%. Với 20kg gạo nấu men thường được khoảng 8 lít, nhưng với men Trung Quốc sẽ được khoảng 20 lít. Nhưng chỉ bán được cho khách lạ, chứ không dám bán cho khách quen. Họ nhận ra ngay”, chú Ngọc vô tư nói.

Bà chủ đại lý rượu được cho là lớn nhất nhì làng Tó tên Q. đon đả khi chúng tôi hỏi mua với số lượng vài trăm lít để phục vụ đám cưới: “45.000 đồng một lít rượu nếp. Chú em yên tâm, rượu của chị 100% được nấu từ gạo. Không bao giờ có chuyện pha cồn hay dùng men Trung Quốc. Nếu không ngon đảm bảo chị đền cho chú em gấp hai lần tiền”.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề muốn mua rượu loại rượu rẻ hơn với số lượng lớn và thường xuyên thì bà chủ ghé tai nói nhỏ: “Nói thật với chú em, thấy chú lạ nên chị phải cẩn thận. Nếu chú em có ý định buôn bán thật thì loại gì chị cũng có, mà lấy bao nhiêu chị cũng cung cấp đầy đủ. Thậm chí là cả ngàn lít mỗi ngày chị cũng lo được. Quan trọng là chú thích lấy loại nào”.

Tại làng Tó, rượu nếp nấu theo kiểu truyền thống có giá 45.000 đồng/lít, nếu khách hàng có nhu cầu rẻ hơn thì các đại lý này cũng đáp ứng bằng loại rượu chất lượng kém theo giá tiền. “Ở đây người ta làm cả rượu sắn, thậm chí là nước lã pha cồn lên độ. Cứ tới các đại lý đầu làng hỏi, loại gì cũng có. Rượu pha cồn chỉ bán được cho những quán nước vì giá rẻ từ 15.000 - 18.000 đồng/lít, rượu sắn từ 20.000 - 22.000 đồng/lít. Bao nhiêu cũng có”, một ông chủ nấu rượu ở làng Tó sốt sắng tư vấn cho chúng tôi.

Ông chủ này cũng khẳng định: Kinh doanh rượu mà không pha cồn thì làm gì có lãi. Thậm chí nhiều người còn dùng nước lã pha với cồn công nghiệp và các loại hương liệu để lấy lãi nhiều hơn. Người mua các loại rượu này chủ yếu ở các tỉnh lẻ, cũng có nhiều người mua với số lượng lớn để bán cho các cửa hàng nhỏ lẻ, phục vụ sinh viên và dân lao động.

1. Năm 2012, ngành Y tế ghi nhận có 643 trường hợp ngộ độc rượu, tăng 308 người so với năm 2011, trong đó có 18 người tử vong, tăng 3 người. Các trường hợp ngộ độc rượu đều từ nguyên nhân sử dụng rượu nấu thủ công, rượu tự pha chế, đặc biệt rượu pha với cồn công nghiệp.

2. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Chỉ cần 20mg/l methanol trong máu là có thể bị ngộ độc và trên 40 mg/l thì người uống bị ngộ độc nặng. Nếu uống phải rượu giả, khoảng 12 giờ sau người uống sẽ xuất hiện triệu chứng ngộ độc. Triệu chứng ngộ độc là người uống thấy hoa mắt, chóng mặt, lú lẫn, yếu cơ, nhức đầu, buồn nôn và đau bụng. Sau đó, người uống rối loạn cảm nhận về màu sắc, có thể không nhìn thấy gì…Triệu chứng nghiêm trọng xuất hiện tiếp theo là tím tái, hôn mê, co giật, rối loạn điện giải, tụt huyết áp và tim ngừng đập dẫn đến tử vong. Trường hợp được cứu sống, bệnh nhân có thể bị mù vĩnh viễn hoặc bị di chứng thần kinh.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng khuyến cáo: Để đảm bảo sức khỏe, người tiêu dùng cần tránh xa những loại rượu không rõ nguồn gốc, rượu cồn công nghiệp.

Bài và ảnh Lã Tài- Thanh Thúy

Từ khóa: