Sự kiện hot
5 năm trước

Nét đặc sắc của tộc người Thủy giữa đại ngàn

Trong không khí ấm áp của những ngày đầu Xuân, chúng tôi đã có chuyến hành trình đến với huyện Lâm Bình, một huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang và trải nghiệm những hoạt động chào đón năm mới của bà con các dân tộc nơi đây...

Có thể nói, thiên nhiên đã ban tặng cho Lâm Bình hệ sinh thái đa dạng có nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, sơn thủy hữu tình. Nổi bật là 99 ngọn núi xã Thượng Lâm được ví như “Hạ Long cạn giữa đại ngàn”, với những dãy núi gắn với truyền thuyết “Phượng hoàng bay về” và là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Hay những ngôi đền, chùa có niên đại từ khá lâu, mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao, trong đó phải kể đến là ngôi đền Pú Bảo, chùa Phúc Lâm…

Tộc người Thủy giữa đại ngàn

Đến với huyện Lâm Bình những ngày này, chúng tôi còn được hòa mình vào đời sống sinh hoạt, khám phá phong tục tập quán của nhân dân các dân tộc nơi đây. Đặc biệt hơn, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) còn là nơi có những nét riêng trong văn hóa của tộc người Thủy - tộc người chỉ có duy nhất ở xứ Tuyên.

  Cọc Vài hay còn gọi là Cọc Vài Phạ, một trong những điểm đến hấp dẫn tại huyện Lâm Bình  (Ảnh Minh Phụng)
Cọc Vài hay còn gọi là Cọc Vài Phạ, một trong những điểm đến hấp dẫn tại huyện Lâm Bình. (Ảnh Minh Phụng)

Từ trung tâm huyện Lâm Bình, theo sự hướng dẫn của người địa phương, chúng tôi vượt qua nhiều con đường mòn xuyên rừng tìm đến thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, “đại bản doanh” của tộc người Thủy.

Lúc này, mặt trời đã chìm sau đỉnh núi, những mái nhà tranh khép nép dưới gốc cọ già, chiều đại ngàn thâm u tĩnh mịch, những người dẫn bản đi rừng kéo nhau về. Đám trẻ thấy khách lạ, bìu ríu lấp ló sau bậu cửa nhìn chúng tôi lưng khoác ba lô, ngực đeo máy ảnh với ánh mắt đầy vẻ thăm dò.

  Lễ hội Lồng Tông và ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình được diễn ra hàng năm mỗi dịp Tết đến Xuân về (Ảnh: Minh Phụng)
Cọc Vài hay còn gọi là Cọc Vài Phạ, một trong những điểm đến hấp dẫn tại huyện Lâm Bình. (Ảnh Minh Phụng)

Theo những người cao niên, tộc người Thủy đã di cư đến mảnh đất Hồng Quang (Lâm Bình, Tuyên Quang) thấy điều kiện tự nhiên thuận lợi nên đã chọn làm nơi “an cư lạc nghiệp”.

Người Thủy có tiếng nói riêng, đó là thứ tiếng họ được nghe từ lúc nằm nôi và truyền qua các thế hệ, chính tiếng nói đã góp phần lưu giữ lại những câu chuyện cổ, những bài hát ru đặc sắc để người Thủy có quyền tự hào với các dân tộc anh em. Câu hát “Ngày mùa” rộn rã trên nương vẫn được những chàng trai, cô gái cất lên giữa núi rừng bát ngát. Lời hát được lưu truyền qua nhiều thế hệ, đại ý về ngày mùa và ngợi ca tình yêu lao động. Mỗi con người chỉ hạnh phúc và no ấm khi bỏ công sức và những giọt mồ hôi để làm nên cơm ăn, áo mặc.

  Hình ảnh cô gái Tày duyên dáng bê mâm lễ tại Lễ hội Lồng Tông Lâm Bình 2019 (Ảnh: Minh Phụng)
Cọc Vài hay còn gọi là Cọc Vài Phạ, một trong những điểm đến hấp dẫn tại huyện Lâm Bình. (Ảnh Minh Phụng)

Tập quán của người Thủy ưa sống trên cao nhưng lại là nơi gần nước. Thôn Thượng Minh chính là nơi đáp ứng được những tiêu chí đó. Những ngôi nhà của người Thủy ở đây đều nằm cạnh suối hoặc cạnh nhà có ao. Bà con tộc người Thủy ở đây vẫn tin rằng thần linh vẫn trú ngụ trong hòn đá thiêng mà người Thủy xem như báu vật vô giá.

Hòn đá được thầy cúng lựa chọn ở con suối đầu nguồn trong lành nhất, rồi phải chọn được ngày đẹp lấy về cúng rước thần linh ngụ. Những câu chuyện huyền bí về hòn đá thiêng của bà con tộc người Thủy ở đây thì rất nhiều, nhưng điều quan trọng nhất bà con xem như là vật tượng trưng để răn dạy con cháu tộc người Thủy có thần linh soi đường, mở lối, mách bảo mọi người tìm ra ánh sáng, lẽ phải ở đời. Hòn đá thiêng còn được coi là có “công năng” phi phàm gắn liền với sự sinh tồn, mang lại sự bình an cho người Thủy.

  Người con trai Pà Thẻn nhảy lửa trong Lễ hội nhảy lửa xã Hồng Quang được tác giải miêu tả xuất thần như đang cưỡi trên lưng con phượng hoàng. Ảnh Minh Phụng
Cọc Vài hay còn gọi là Cọc Vài Phạ, một trong những điểm đến hấp dẫn tại huyện Lâm Bình. (Ảnh Minh Phụng)

Trang phục của những cô gái người Thủy không rực rỡ như cô gái dân tộc Dao hay Pà Thẻn. Trong đó lấy màu đen làm chủ đạo, chỉ điểm xuyết những dải màu xanh dương, trắng và đỏ ở cổ áo, khuỷu tay, cổ tay, thắt lưng, chân váy và khăn quấn đầu, tạo nên nét ấn tượng sâu sắc bởi vẻ đẹp thuần khiết của cô gái miền sơn cước.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết: “Huyện Lâm Bình có tộc người Thủy đang sinh sống mà duy nhất Việt Nam chỉ có ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang.

Đối với tộc người Thủy, có hẳn một cuốn sách nghiên cứu về họ do Viện dân tộc học nghiên cứu và biên soạn. Họ đến thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang vào thế kỷ thứ XVII, XVIII và hiện nay có khoảng 100 khẩu với 24 hộ. Tộc người Thủy có văn hóa riêng, ngôn ngữ, trang phục, tín ngưỡng riêng biệt so với các dân tộc khác, họ đã góp phần vào sự đa dạng văn hóa trên địa bàn huyện”.

Mùa xuân Lâm Bình!

Lễ hội Lồng Tông là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày (tỉnh Tuyên Quang) được tổ chức hằng năm cùng với Ngày hội văn hóa các dân tộc trong huyện thu hút đông đảo du khách thập phương tới tham dự.

  99 ngọn núi xã Thượng Lâm được ví như “Hạ Long cạn giữa đại ngàn”, với những dãy núi trùng điệp gắn với truyền thuyết Phượng hoàng bay về (Ảnh: Minh Phụng)
Cọc Vài hay còn gọi là Cọc Vài Phạ, một trong những điểm đến hấp dẫn tại huyện Lâm Bình. (Ảnh Minh Phụng)

Các hoạt động diễn ra trong ngày hội thể hiện khát vọng của người dân trong sự hòa hợp trời đất, âm dương, cầu mong năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.

Qua lễ hội, tạo được sân chơi bổ ích, lành mạnh cho nhân dân và du khách trong những ngày đầu năm mới, tạo động lực đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất trong nhân dân, thúc đẩy phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy lễ hội đậm bản sắc văn hóa của địa phương.

Được biết, cùng với Lễ hội Lồng Tông theo đúng nghi lễ truyền thống, huyện Lâm Bình còn tổ chức nhiều các hoạt động liên quan đến văn hóa tri thức, tín ngưỡng, cũng như các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian của các dân tộc trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết: “Những năm qua, huyện đã khôi phục, gìn giữ và phát huy một cách bài bản những lễ hội đầu xuân năm mới. Từ 2011 đến nay, huyện đã tổ chức rất tốt Lễ hội Lồng Tông của đồng bào Tày và đặc biệt, từ 2016 đến nay, cùng với tổ chức Lễ hội Lồng Tông, huyện đã tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc với mục đích để cho lễ hội đầu năm đó, không chỉ là ngày hội của đồng bào dân tộc Tày mà còn là ngày hội của các dân tộc huyện Lâm Bình. Đây là một lễ hội rất bản sắc, đa dạng, phong phú và lượng khách đến với lễ hội này đạt khoảng 10 nghìn người cho mỗi năm tổ chức, thậm chí lượng khách năm sau tăng hơn năm trước”.

  Trang phục truyền thống của phụ nữ người Thủy (Ảnh: Trung Kiên)
Cọc Vài hay còn gọi là Cọc Vài Phạ, một trong những điểm đến hấp dẫn tại huyện Lâm Bình. (Ảnh Minh Phụng)

Các hoạt động liên quan đến Lễ hội được huyện đã tổ chức ngày một bài bản hơn. Hiện nay huyện đã xây dựng kế hoạch và đang tổ chức triển khai những hoạt động cụ thể, chi tiết và hy vọng những nội dung của Lễ hội sẽ đem lại những trải nghiệm hết sức thú vị cho du khách trong hoạt động Mừng Đảng, Mừng Xuân, tạo khí thế phấn khởi cho nhân dân và du khách đầu năm mới có khí thế mới để bước vào một năm mà phấn đấu thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ mà mỗi người đã đề ra”, ông Hiền cho biết thêm.

Hiện nay trên địa bàn huyện có 12 dân tộc, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng hết sức độc đáo, đối với huyện Lâm Bình đã thực hiện tốt việc chắt lọc ra những nét độc đáo, tinh túy nhất của từng dân tộc để thể hiện trong Ngày hội văn hóa các dân tộc trong huyện Lâm Bình.

Được biết, thời điểm hiện tại, huyện Lâm Bình đã xây dựng kế hoạch và thống nhất ngày 14, 15 tháng Giêng năm Canh Tý là ngày tổ chức Lễ hội, tuy nhiên các hoạt động khác sẽ được diễn ra trước đó. Hy vọng Lễ hội Lồng Tông và Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình năm nay sẽ có thêm nhiều hoạt động để du khách có thể được trải nghiệm, tham gia nhiều hơn trong các hoạt động khuôn khổ của ngày hội.

Cùng với Lễ hội Lồng Tông, huyện có tổ chức Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, đây là Lễ hội hết sức huyền bí, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, thể hiện ước nguyện của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, cầu cho năm mới mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, người người, nhà nhà yên ấm, yên vui, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn”.

Tạ Tú Thành
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng

Từ khóa: