Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khiến nhu cầu của người dân với các mặt hàng phòng dịch như: Khẩu trang, nước sát khuẩn, vật tư y tế... tăng cao. Lợi dụng tình hình này, một số đối tượng đã sản xuất, buôn bán các sản phẩm phòng dịch kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc, dẫn đến nguy cơ mất an toàn đối với người sử dụng. Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đang tăng cường công tác quản lý để người sử dụng mua được sản phẩm phòng dịch Covid-19 bảo đảm chất lượng, an toàn.
Nỗi lo hàng kém chất lượng
Ngày 28-4-2021, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã phát hiện, kiểm tra và thu giữ 950 chiếc khẩu trang gắn nhãn hiệu GUCCI và 960 chiếc khẩu trang gắn nhãn hiệu PUMA có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam, ở cơ sở kinh doanh số 41, ngõ 37, đường Trần Quốc Hoàn (quận Cầu Giấy). Do cơ sở này không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nên đội đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa để xử lý theo quy định.
Không phải đến đợt dịch Covid-19 này, tình trạng bán vật tư y tế phòng dịch kém chất lượng mới xuất hiện. Trước đó, trong năm 2020, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội cũng đã phát hiện nhiều sản phẩm, trang thiết bị y tế phòng dịch có dấu hiệu làm giả, làm nhái. Điển hình như ngày 1-8-2020, tại Công ty cổ phần Quốc tế Royal Việt Nam (phường Hà Cầu, quận Hà Đông), lực lượng chức năng tạm giữ 24.000 chiếc găng tay cao su chưa xuất trình được hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm và vi phạm về nhãn mác.
Ngoài kênh bán hàng trực tiếp thì kênh bán hàng trên internet cũng mang đến nhiều lo ngại. Chị Nguyễn Anh Thư (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) cho biết, chị mua lọ nước sát khuẩn trên mạng được quảng cáo chiết xuất từ nha đam, tạo cảm giác mềm mượt da khi sử dụng. Nhưng khi sử dụng sản phẩm này, da tay chị lại khô ráp. Tìm tên công ty sản xuất trên vỏ sản phẩm thì mới phát hiện toàn chữ nước ngoài trong khi không có tem phụ của đơn vị nhập khẩu, phân phối trong nước. Cuối cùng, chị đành vứt bỏ sản phẩm để bảo đảm an toàn.
Theo số liệu được công bố gần đây nhất của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận và hàng giả thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo 389 thành phố), năm 2020 các lực lượng chức năng như Cục Quản lý thị trường, Công an thành phố, Cục Hải quan Hà Nội, Sở Y tế, Sở Tài chính đã kiểm tra 335 vụ; xử lý hành chính 270 vụ liên quan đến các mặt hàng khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phòng dịch; khởi tố 4 vụ và 7 đối tượng, tổng số tiền xử phạt 2,791 tỷ đồng.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Nguyễn Thị Thanh Phương cho biết, khẩu trang và nước rửa tay kháng khuẩn thường bị các đối tượng trục lợi bằng việc sản xuất các sản phẩm không bảo đảm chất lượng. Trung tâm đã tiếp nhận, kiểm nghiệm nhiều mẫu khẩu trang, nước rửa tay do cơ quan chức năng bắt giữ và phát hiện không ít mẫu không đáp ứng quy định hiện hành.
Cảnh báo về hậu quả của việc sử dụng sản phẩm phòng dịch kém chất lượng, bà Nguyễn Thị Thanh Phương thông tin, khi sử dụng khẩu trang y tế kém chất lượng không những không có tác dụng phòng bệnh mà còn làm tăng nguy cơ nhiễm độc từ các chất liệu không bảo đảm. Không chỉ vậy, qua giám định nhiều mẫu dung dịch rửa tay, gel rửa tay khô, trung tâm phát hiện những mẫu có hàm lượng methanol (cồn công nghiệp) rất cao, thậm chí chiếm tỷ lệ gần 100%, gây nguy hiểm cho thị giác và thần kinh…
"Vì vậy, người dân khi mua khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn cần kiểm tra nhãn mác sản phẩm. Thời gian tới, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội sẽ tăng cường giám sát chất lượng thuốc, vật tư y tế phòng, chống dịch trên địa bàn để chủ động phát hiện sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm giả, nhái", bà Nguyễn Thị Thanh Phương nói.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, Công ty luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội), việc sản xuất, kinh doanh khẩu trang, găng tay y tế thuộc danh mục hàng giả, hàng cấm sẽ bị phạt tiền đến 80 triệu đồng và buộc khắc phục hậu quả như tịch thu máy móc, tiêu hủy hàng giả, hàng nhái. Nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị khởi tố hình sự với khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù.
Đại diện cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, để thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội chỉ đạo các phòng, đội quản lý thị trường tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch. Đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động này để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo đúng quy định pháp luật, đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch của thành phố.
Trang Ngân
Theo Hànộimới