Sự kiện hot
4 năm trước

Ngân hàng bắt đầu cắt giảm lương, thưởng vì dịch COVID-19

Thực hiện theo chỉ thị 02 của Thống đốc NHNN, một số ngân hàng đã lên kế hoạch cắt giảm lương, thưởng của cán bộ, nhân viên để tập trung nguồn lực ứng phó với đại dịch COVID-19.

Ngân hàng bắt đầu cắt giảm lương thưởng vì dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Báo Pháp Luật)

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, ngày 31/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 02 về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Trong chỉ thị mới nhất, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông.

Ngay sau chỉ thị của Thống đốc, nhiều ngân hàng đã công bố kế hoạch cắt giảm lương, thưởng nhằm tập trung nguồn lực hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn bởi dịch bệnh.

Mới đây nhất, trong thông cáo về những giải pháp ứng phó với dịch bệnh, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho biết các cấp lãnh đạo HĐQT, Ban Điều hành và cán bộ quản lí cấp cao của ngân hàng đã tự nguyện giảm lương 50% cho đến khi công bố hết dịch. 

Cùng với đó, các cấp quản lí toàn hệ thống từ cấp Phó phòng trở lên (và các chức danh tương đương) giảm từ 10%- 30% tùy theo mức thu nhập. Ngân hàng cho biết sẽ quyết liệt rà soát toàn bộ các chi phí hoạt động và tổ chức triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí hoạt động với mức giảm tối thiểu 10%.

Trước đó, Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank) cũng thông báo giảm lương kinh doanh 10 - 25% để đối phó với tình hình phức tạp của đại dịch, áp dụng cho những nhân viên có tổng lương từ 10 triệu trở lên. 

Mức giảm lớn nhất (25%) được áp dụng cho người có tổng lương cao hơn 80 triệu đồng. Việc điều chỉnh thực hiện từ tháng 4 cho đến khi có thông báo thay thế.

Ngoài SHB và HDBank, một số ngân hàng khác cũng đang có kế hoạch giảm chi phí lương, thưởng nhằm tiết giảm chi phí, đối phó đại dịch.

Chia sẻ tại báo cáo thường niên 2019, Chủ tịch MB Lê Hữu Đức cho biết các mục tiêu mà ngân hàng đặt ra trong năm 2020 thực sự là thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái vì dịch COVID-19 hiện nay. Tuy nhiên, Hội đồng quản trị Ban kiểm soát và Ban điều hành MB quyết tâm nỗ lực, tìm kiếm các cơ hội trong bối cảnh khó khăn để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra",

Trong bối cảnh khó khăn, Ban điều hành MB cho biết sẽ tiết giảm chi phí và tiết kiệm chi phí hoạt động, các khoản chi chưa cấp thiết.

Tại Sacombank, ngân hàng này cho biết sẽ thực hiện đúng theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN, trong đó bao gồm cả biện pháp tiết giảm chi phí.

Mặc dù chưa thông có thông tin về kế hoạch cắt giảm lương thưởng nhân viên nhưng tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 diễn ra mới đây, Kienlongbank đã quyết định không trích quĩ lương thưởng và không chia cổ tức trong phương án phân phối lợi nhuận năm 2019.

Theo ban lãnh đạo ngân hàng này, động thái này là nhằm bổ sung nguồn vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh trong giai đoạn 2016 – 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Liên quan đến vấn đề tài chính của các ngân hàng, trong phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kì tháng 3/2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đề nghị Chính phủ nghiên cứu xem xét đề xuất cho các tổ chức tín dụng cũng thuộc đối tượng được thực hiện giãn thuế, giãn việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp vì các tổ chức tín dụng vừa qua tham gia rất trách nhiệm, rất gương mẫu trong việc triển khai tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.

''Các tổ chức tín dụng cần được xem xét giãn việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, để có dòng tiền, có thanh khoản hỗ trợ và tiếp tục cung ứng vốn cho nền kinh tế", Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.

Những ngân hàng đứng đầu về chi phí lương cho nhân viên

Theo thống kê từ các báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy chi phí trả lương cho nhân viên trong năm 2019 tiếp tục tăng so với 2018.

Mức chi phí mà các ngân hàng chi trả cho mỗi nhân viên dao động từ 9,5 – 34,3 triệu đồng/tháng (tính toán dựa trên số liệu chi phí cho nhân viên trong báo cáo tài chính các ngân hàng, bao gồm khoản chi lương và phụ cấp dành cho nhân viên ngân hàng.

Trong đó, Vietcombank là ngân hàng chi bình quân hàng tháng cho nhân viên cao nhất với 34,3 triệu đồng. Tiếp đó là Techcombank (34 triệu đồng), MBBank (29,2 triệu đồng) và VietinBank (27,4 triệu đồng). "Ông lớn" BIDV đứng thứ 5 với 27,1 triệu đồng/tháng, tăng 9,7% so với năm 2018.

Quốc Thụy

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: