Theo khảo sát mới đây cho thấy, nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất trong những ngày qua, đặt biệt là các kỳ hạn ngắn với mức tăng từ 0,1% đến 0,5%.
Lãi suất các ngân hàng tăng trong tháng 6. (Ảnh minh họa).
Động thái tăng lãi suất tiền gửi của nhiều ngân hàng diễn ra trong trạng thái thanh khoản hệ thống còn dồi dào khi mà lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm xuống, dù bật tăng trở lại trong tuần vừa qua nhưng vẫn duy trì mức thấp.
Mới đây nhất ngày 28/6, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) điều chỉnh tăng lãi suất gửi tiết kiệm khá nhiều ở các kỳ hạn ngắn. So với bảng lãi suất người viết thu thập ngày vào giữa tháng 6 thì lãi suất mới công bố của MBBank tăng từ 0,2% đến 0,5%.
Cụ thể, kỳ hạn 1, 2 và 3 tháng tăng thêm 0,4% lên lần lượt 4,8%/năm – 4,9%/năm – 5,3%/năm. Kỳ hạn 4 và 5 tháng tăng thêm 0,2% cùng lên 5,2%/năm. Kỳ hạn 6 tháng tăng nhiều nhất với 0,5% lên 5,9%/năm. Mức lãi MBBank cao nhất hiện là 7,5% cho kỳ hạn 24 tháng và tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Phát triển HDBank vào ngày 26/6 cũng đã nâng lãi suất tiền gửi cho các kỳ hạn ngắn 1, 2 tháng thêm 0,5%; kỳ hạn 3, 4, 5 tháng thêm 0,3% để cùng lên mức 5,5%/năm. Khảo sát cho thấy lãi suất cao nhất của HDBank là 7,5% đối với kỳ hạn 18 tháng.
Lãi suất HDBank và lãi suất MBBank. (Bảng: Tiến Vũ tổng hợp).
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) cũng đưa ra bảng lãi suất mới vào ngày 22/6. Trong đó lãi suất kỳ hạn 1 và tháng tăng thêm 0,1% lên từ 5%/năm đến 5,3%/năm tùy theo hạn mức tiền gửi. Hiện lãi suất cao nhất của VPBank là 7,6%/năm dành cho tiền gửi 36 tháng với hạn mức từ 5 tỷ trở lên.
Lãi suất VPBank mới công bố ngày 22/6.
Biểu lãi suất công bố ngày 16/6 của Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank) tăng 0,4% ở các kỳ hạn 7, 8, 9, 10 và 11 tháng. Trong đó kỳ hạn 7 và 8 tháng lên 7,2%/năm; kỳ hạn 9, 10 và 11 tháng lên 7,3%/năm. Hiện kỳ hạn 18 tháng của Bản Việt đang có mức lãi cao nhất 8,2%/năm, đây cũng được xem là mức lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay.
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng tăng lãi suất kỳ hạn ngắn 1 và 2 tháng thêm 0,2% vào ngày 17/6. Theo đó mức lãi suất mới của hai kỳ hạn này lên 5,1%/năm. Hiện kỳ hạn từ 12 trở lên của ABBank có mức lãi suất cao nhất với 7,4%/năm.
Hồi đầu tháng này, ABBank cũng thực hiện phát hành Chứng chỉ tiền gửi dài hạn ghi danh bằng VNĐ trên toàn hệ thống cho cá nhân và doanh nghiệp với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng, mức lãi suất lên tới 8,65%/năm.
Lãi suất Bản Việt và lãi suât ABBank. (Bảng: Tiến Vũ tổng hợp).
Diễn biến tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn diễn ra phần lớn vào nửa cuối tháng 6, đi ngược lại so với nửa đầu của tháng khi mà nhiều ngân hàng tăng lãi cho kỳ hạn dài.
Điển hình như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) áp dụng biểu lãi suất mới vào ngày 8/6, trong đó tăng lãi suất huy động các kỳ hạn từ 15 đến 36 tháng với mức tăng 0,1% - 0,2%/năm. Lãi suất cao nhất ở Sacombank đang áp dụng là 7,55%/năm đối với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên dành cho kỳ hạn 13 tháng.
Trước đó ngày 6/6, Eximbank cũng tăng nhẹ 0,1% đến 0,2% ở một số kỳ hạn. Tiền gửi kỳ hạn 13 tháng của Eximbank đang có mức lãi cao nhất 7,5%/năm.
Trong khi đó, khối ngân hàng thương mại nhà nước lại gần như giữ nguyên. Duy chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) tăng nhẹ 0,1% đối với kỳ hạn 12 tháng và 0,3% cho kỳ hạn 18 tháng, lên lần lượt 6,6%/năm và 6,8%/năm. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất của Agribank hiện nay. Lãi suất VietinBank cao nhất cũng bằng với Agribank 6,8%/năm.
Lãi suất Vietcombank cao nhất là 6,5%/năm đối với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Lãi suất BIDV cao nhất là 7%/năm dành cho tiền gửi 18, 24 và 36 tháng.
Tiến Vũ
Theo ĐSPL, Vietnammoi