Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Ngành F&B Việt Nam: Thị trường màu mỡ, nhiều dư địa phát triển

Ngành F&B Việt Nam được kỳ vọng sẽ còn tăng trưởng hơn nữa. Những dịch vụ ăn uống sẽ được mở cửa rộng rãi nhờ các chính sách kích cầu du lịch, thu hút du khách. Tất cả sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành F&B nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh ngành nói riêng…

Phục hồi tăng trưởng sau khó khăn đại dịch

Là quốc gia châu Á duy nhất được Tổ chức tiền tệ quốc tế (IMF) nâng mức dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2022, Việt Nam đang là điểm sáng hiếm hoi trên bức tranh kinh tế u ám toàn cầu, vững vàng kiên định và phục hồi mạnh mẽ kể từ đợt suy giảm do làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 vào thời điểm này năm ngoái.

Sự hồi phục diễn ra tại hầu hết khắp các lĩnh vực kinh tế, trong số đó có ngành Thực phẩm – Đồ uống (F&B). Khảo sát của Vietnam Report thực hiện trong tháng 8/2022 cho thấy, gần 90% số doanh nghiệp trong ngành đã đạt năng suất hoạt động trên 80% mức trước đại dịch, thậm chí trên 60% trong số đó đã vượt mức trước đại dịch.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA)

Tại Triển lãm quốc tế chuyên ngành thực phẩm, đồ uống, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) chia sẻ: “Đến thời điểm này hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành chế biến thực phẩm và đồ uống bình quân tăng đều, với ngành đồ uống trong nửa đầu năm 2022 đã tăng trên 7% và ngành chế biến lương thực thực phẩm tăng gần 6%. Ở thời điểm của năm 2019 trở về trước, mức tăng của doanh nghiệp trong ngành chỉ khoảng 4,3%”.

Trong khi đó, Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, ngành thực phẩm đồ uống sẽ phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao hơn kể từ năm 2022, sẽ tăng từ 10-12% so với cùng kỳ, với động lực chính đến từ việc mở cửa lại các dịch vụ ăn tại chỗ và sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Động lực tăng trưởng của ngành F&B trong giai đoạn vừa qua đến từ 2 nguồn chính. Thứ nhất, sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng nội địa. Thống kê cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.679,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, khách quốc tế đến nước ta đạt 1,441 triệu lượt người, gấp 13,7 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2019 - khi chưa xảy ra dịch Covid-19, như vậy dư địa hồi phục và tăng trưởng của khách quốc tế còn rất nhiều.

Cùng với đó là sự trở lại của người lao động và sinh viên tại các thành phố trong nền kinh tế bình thường tiếp theo, khuyến khích nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), trong đó có thực phẩm – đồ uống. Những yếu tố này sẽ thúc đẩy sự phục hồi của kênh tại chỗ và kênh truyền thống.

Thứ hai, xu hướng dịch chuyển từ các kênh truyền thống sang hiện đại được định hình bởi giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Y và Z. Khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report chỉ ra rằng, phần lớn giới trẻ tại các thành phố lớn mua sắm thực phẩm – đồ uống thông qua các kênh hiện đại: siêu thị, đại siêu thị (98%), online (67%) và cửa hàng tiện lợi (41%).

Để gặt hái được “quả ngọt” như trên, các doanh nghiệp trong ngành đã và đang vững vàng vượt qua hàng loạt thách thức liên tiếp. So với thời điểm này cách đây một năm, khó khăn liên quan đến diễn biến dịch bệnh và logistics đã giảm nhiệt đáng kể, nhường chỗ cho lo ngại liên quan đến suy thoái kinh tế và lạm phát gia tăng. Mặc dù hiện tại, kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn được duy trì ổn định nhưng theo nhận định của phần lớn doanh nghiệp và các chuyên gia, suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta.

Thêm vào đó, sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng thời gian qua chủ yếu do giá cả trung bình tăng lên. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 tăng 3,6% so với tháng 12/2021 và tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước. Mức giá trung bình tăng khiến cho không chỉ doanh thu, mà cả chi phí cũng tăng lên, gây sức ép lên lợi nhuận của 88,9% số doanh nghiệp.

Hai năm diễn ra đại dịch Covid-19 đã gây những tác động nặng nề đến các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực F&B. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp với năng lực thích ứng linh hoạt đã nhanh chóng nắm bắt được xu thế, cơ hội trong nguy nan và chuyển mình nhanh chóng để trụ vững qua sóng gió và phục hồi, phát triển sau đại dịch. 

Nhiều dư địa phát triển – Thu hút nhà đầu tư ngoại

Theo báo cáo mới VNdriect, ngành thực phẩm và đồ uống sẽ phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao hơn kể từ năm 2022, với động lực chính đến từ việc mở lại các dịch vụ ăn tại chỗ và sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Cụ thể, các hoạt động dịch vụ, bao gồm du lịch, vận tải và vui chơi giải trí có thể được phép hoạt động hết công suất kể từ quý 2/2022, sau khi Việt Nam đạt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho hơn 70% dân số. Hơn nữa, tiêu dùng sẽ tăng trở lại với tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dự kiến tăng 10-12% so với cùng kỳ trong năm 2022 nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ.

Tăng trưởng GDP trong năm 2022

Theo đó, thu nhập thực của người dân được cải thiện với dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 7,5% so với cùng kỳ, trong khi lạm phát dự kiến tăng 3,45% so với cùng kỳ vào năm 2022, đạt mục tiêu của Chính phủ là kiểm soát lạm phát dưới 4,0%. Du lịch hồi sinh sau khi các chuyến bay quốc tế được cấp phép cho mục đích thương mại kể từ quý 1/2022, kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động du lịch, giải trí, lưu trú và ăn uống.

Ngoài ra, Chính phủ có thể tung ra gói kích thích tài khóa lớn hơn để hỗ trợ phục hồi kinh tế, tập trung vào: trợ cấp tiền mặt cho những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, giảm thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) và gia tăng đầu tư công vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và nhà ở xã hội. Các chính sách này nhằm phục hồi cầu tiêu dùng trong nước và cũng phần nào thu hút được sự chú ý của những doanh nghiệp khối ngoại.

Số liệu từ Hiệp hội Sữa Việt Nam cho thấy, kim ngạch xuất khẩu sữa tăng lên trong năm 2020, 2021, cụ thể kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt gần 300 triệu USD, riêng doanh thu kinh doanh quốc tế của Vinamilk năm 2020 đạt trên 240 triệu USD.

Đến nay, thị trường xuất khẩu của sữa Việt Nam đã mở rộng ra khoảng 56 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hai năm (2020-2021) khi cả thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, ngành sữa Việt Nam vẫn tiếp cận và xuất khẩu sản phẩm ra thị trường mới như Ả Rập, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản… Hiện, ngành thực phẩm đồ uống của Việt Nam nói chung và các chế phẩm từ sữa nói riêng đã và đang là mảnh đất màu mỡ được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm, mở rộng thị trường kinh doanh.

PGS.TS Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết: Mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người là 27 lít/người/năm. Dự báo mức tiêu thụ sữa hàng năm tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng 7 - 8%.

Ngành thực phẩm đồ uống thu hút nhà đầu tư ngoại

Là một trong những nhà sản xuất sữa hàng đầu Nhật Bản, mới đây Tập đoàn Morinaga Milk Industry đã chính thức ra mắt, sản xuất và bán thương mại các sản phẩm dinh dưỡng tại Việt Nam. Nắm bắt tiềm năng của thị trường, từ tháng 6.2021, Morinaga Milk Industry đã nhanh chóng mua lại cổ phần của Công ty cổ phần Elovi Việt Nam (tỉnh Thái Nguyên).

Ông Yoshinobu Masumoto - Giám đốc Marketing, đại diện nhãn hàng Morinaga chia sẻ: “Morinaga là một tập đoàn lớn của Nhật Bản với nhiều công ty con kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau. Bằng việc sử dụng những công nghệ sản xuất tân tiến và hơn 100 năm kinh nghiệm phát triển sản phẩm sữa, Tập đoàn Morinaga Milk Industry đã tập trung nghiên cứu các dòng sản phẩm có lợi cho sức khỏe, giàu dinh dưỡng, phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam”.

Thông tin từ Ngân hàng thế giới (WB), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến sẽ là 6% từ năm 2023 trở đi. Với đời sống kinh tế phát triển, cùng với ý thức về sức khỏe của người dân ngày càng được nâng cao sau dịch bệnh COVID-19, nhiều chuyên gia cũng dự báo nhu cầu về sản phẩm sữa sẽ tăng cao tại thị trường Việt Nam từ năm 2022 - 2031.

Các sản phẩm sữa được kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, trong đó thị trường sữa chua đang tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 8% và thị trường đồ uống dinh dưỡng tổng hợp đang tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm 14%.

Bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, việc cung cấp sản phẩm dịch vụ tới tay người tiêu dùng đã vượt qua giới hạn về cả khoảng cách thời gian cũng như không gian địa lý, đồng thời nó ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng cũng như tối thiểu hóa chi phí trong quá trình vận hành. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần chủ động, ưu tiên hàng đầu là nắm được những quy định trong các FTA và tăng cường năng lực tiếp cận thị trường bằng các nền tảng số.

Với các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống, cơ hội để tận dụng các FTA, trong đó có EVFTA đang rất rộng mở. Đó là nhờ vào lộ trình cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan để thúc đẩy sản lượng xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm và đồ uống của Việt Nam sang Châu Âu. 

Dự địa phát triển ngành F&B được có nhiều triển vọng

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam còn được miễn kiếm tra cơ sở sản xuất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình được công nhận về sản phẩm thực phẩm và đồ uống đạt tiêu chuẩn về các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS) của Liên minh Châu Âu (EU).

Theo luật sư Đinh Ánh Tuyết - Trưởng Văn phòng luật sư IDVN, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC), ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam có khá nhiều lợi thế, do có nguồn nguyên liệu nguồn gốc từ nông sản trong nước phong phú, khối lượng lớn, giá rẻ. Bên cạnh đó, lao động giá rẻ cũng góp phần giúp các doanh nghiệp có chi phí sản xuất thấp, tăng cơ hội cạnh tranh về giá trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống vẫn có quy mô nhỏ hẹp, nguồn vốn hạn chế. Hệ thống cung cấp nguyên liệu trong nước thủ công và thô sơ, nhiều khâu phân tán dẫn tới khó truy xuất nguồn gốc xuất xứ và kiểm soát chất lượng. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu mặt hàng thô, chưa được tinh chế sâu. Sản phẩm chưa được chú trọng xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu nên giá trị thấp, chưa được người tiêu dùng nước ngoài nhận biết. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần lên kế hoạch dài hạn để sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu ngày một khắt khe về bảo vệ môi trường trong phát triển, chế biến, sản xuất thực phẩm và đồ uống.

Đức Huy/KTDU

Từ khóa: