Sự kiện hot
6 năm trước

Ngày càng nhiều đại gia bất động sản bắt tay vào làm nông nghiệp

Từ đầu năm 2014, nhiều doanh nghiệp lớn ở các lĩnh vực như bất động sản, tài chính - ngân hàng đã công bố chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần thận trọng vì đây là ngành có chu kì đầu tư dài, tỉ trọng sinh lợi thấp và mức độ rủi ro cao.

Đại gia bất động sản đầu tư sang bất động sản nông nghiệp

Trong bối cảnh nhu cầu lương thực - thực phẩm hữu cơ, nông sản sạch trong nước ngày càng tăng cao, ngành nông nghiệp lại chưa phát huy được hết thế mạnh, dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu, nhiều doanh nghiệp lớn đã tìm thấy cơ hội đầu tư hấp dẫn. Nhiều chuyên gia nhận định, với nguồn tiềm năng chưa được khai thác, thị trường bất động sản nông nghiệp xứng đáng để các nhà đầu tư vào cuộc.

Mới đây nhất, tại Đại hội cổ đông thường niên 2019, ông Trương Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân đặt ra mục tiêu doanh thu 1.513 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế (LNST) 145 tỷ đồng tương đương lần lượt gấp 2,8 thực đạt về doanh thu và 3,4 lần thực đạt về LNST của năm 2018. Trong chiến lược kinh doanh năm 2019, Công ty tăng tỷ trọng bất động sản thương mại, bất động sản văn phòng, du lịch, nghỉ dưỡng, phát triển phân khúc bất động sản trung bình và trung cấp.

Đặc biệt trong năm 2019, công ty địa ốc Hoàng Quân sẽ chính thức khởi động bất động sản nông nghiệp công nghệ cao thông qua việc thành lập Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Hoàng Quân. Công ty con này do Hoàng Quân sở hữu 100% vốn để tận dụng lợi thế đang có từ hai khu công nghiệp hiện hữu cùng với hệ thống công ty liên kết, siêu thị, đối tác rộng lớn nhằm tạo bước chuyển mới về việc đầu tư đối với dòng sản phẩm này.

Nhiều đại gia bất động sản đã tham gia vào ngành nông nghiệp công nghệ cao. (ảnh TL)

Trên thực tế, từ năm 2013 khi thị trường bất động sản rơi vào cuộc khủng hoảng, Bầu Đức đã tuyên bố sẽ rút khỏi thị trường bất động sản Việt Nam. Kế hoạch tái cấu trúc Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) bao gồm 2 việc chính: thoái vốn và thu hẹp các ngành khai khoáng, thủy điện, bất động sản tại Việt Nam và đầu tư vào hai mảng chính là nông nghiệp và bất động sản tại Myanmar.

Theo đó, các lĩnh vực nông nghiệp Tập đoàn tham gia là nuôi bò (lấy thịt và sữa), trồng cao su, mía đường, cọ dầu…Sau nhiều năm, nông nghiệp đã mang lại những quả ngọt đầu tiên cho Bầu Đức lợi nhuận sau thuế của HAGL Agrico trong năm 2017 đã đạt con số 530 tỷ đồng.

Mới đây, tại Đại hội cổ đông thường niên 2019, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức khẳng định với nhà đầu tư quyết tâm theo đuổi hệ sinh thái nông nghiệp bằng mọi giá. Theo đó, cây ăn trái là mảng miếng chủ lực tạo bệ phóng hứa hẹn đưa doanh nghiệp trở thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu châu Á.

Để dốc toàn lực cho chiến lược này, công ty cần nguồn vốn lớn để chuyển đổi cơ cấu sang ngành nông nghiệp nên sẵn sàng thoái 47,89% cổ phần còn lại trong dự án Hoàng Anh Myanmar tại Yangon cũng như bán dự án thủy điện tại Lào.

Nếu thủ tục pháp lý thuận lợi, công ty kỳ vọng có thể thoái hết vốn khỏi dự án từng được định vị là "miếng bánh tỷ USD" tại Myanmar trong năm 2019 để chuyển dòng vốn này vào phát triển các vườn cây ăn trái quy mô đại công nghiệp. 

Nhiều đại gia bất động sản đã tham gia vào ngành nông nghiệp công nghệ cao. (ảnh TL)

Tương tự như HAGL, năm 2015 Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng tiến vào nông nghiệp khi xây dựng chuỗi khép kín trồng và tiêu thụ rau sạch VinEco. Tập đoàn này đầu tư nguồn vốn lên đến khoảng 2.000 tỷ đồng với tham vọng định vị lại thị trường rau sạch tại Việt Nam và hướng đến xuất khẩu.

Sau 3 năm, Vingroup đã có những thành công đột phá khi VinEco đã xây dựng và phát triển thành công 15 nông trường với tổng diện tích sản xuất gần 3.000 hecta trên cả nước áp dụng đa dạng phương pháp canh tác công nghệ nông nghiệp cao. Hiện nay, sản phẩm nông nghiệp sạch của Vineco đã được tiêu thụ tại 65 siêu thị và hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi VinMart tại 26 tỉnh, thành phố với quy mô tiêu thụ hàng nghìn tấn nông sản.

Sau Vingroup, năm 2017 FLC cũng tuyên bố sẽ bắt đầu triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam, với quỹ đất dự kiến vào khoảng 4.000 ha, cùng tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2018- 2020 ước tính lên tới 1,5 tỷ USD. Hiện nay, hàng loạt tỉnh thành được FLC triển khi dự án nông nghiệp công nghệ sạch là Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Ninh...

Bước sang năm 2018, Tập đoàn T&T của Bầu Hiển cũng tiến sâu vào lĩnh vực nông nghiệp khi liên tiếp trở thành cổ đông chiến lược của một số doanh nghiệp lớn như: Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), Tổng công ty Rau quả nông sản (Vegetexco), Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội (Unimex Hà Nội)…

Vẫn còn khó khăn, rủi ro…

Bên cạnh những cơ hội, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp khi tham gia lĩnh nông nghiệp công nghệ cao vẫn tồn tại nhiều thách thức, rủi ro. Trong đó, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là quy mô sản xuất quá nhỏ, manh mún; quá nhiều chủng loại sản phẩm; lực lượng sản xuất nông nghiệp ở nông thôn Việt Nam chủ yếu là người già và trẻ em, thiếu đội ngũ công nhân nông nghiệp lành nghề.

Đặc biệt, mối liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân, người sản xuất còn lỏng lẻo: Khi giá sản phẩm trên thị trường thấp thì thực hiện tốt hợp đồng với doanh nghiệp; khi giá cao, lại sẵn sàng bán sản phẩm của mình cho thương lái... Hơn nữa, trong việc phân chia lợi ích thường doanh nghiệp có lợi nhiều hơn, nông dân vẫn là đối tượng thiệt thòi nhất.

Nhiều đại gia bất động sản đã tham gia vào ngành nông nghiệp công nghệ cao. (ảnh TL)

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, với phương thức này, các doanh nghiệp đứng ra gom đất từ nhiều hộ gia đình, hay nói cách khác là thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cũng có thể hiểu, bất động sản nông nghiệp là loại hình đầu tư gom đất nông nghiệp để sản xuất với một diện tích đủ lớn, phát triển theo kiểu doanh nghiệp chứ không phải hộ gia đình nhỏ lẻ, diện tích đất manh mún. Bởi với diện tích nhỏ thì sẽ không thể áp dụng các công nghệ cao vào trong nông nghiệp và cũng không thể sản xuất với quy mô, sản lượng lớn.

“Khi doanh nghiệp có thể tiếp cận và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp lớn, ứng dụng công nghệ cao là rất phù hợp cũng như cần thiết và đem lại lợi nhuận không nhỏ cho doanh nghiệp, tạo đà phát triển kinh tế cho địa phương” - TS. Vũ Đình Ánh.

Có thể thấy, tích tụ đất đai là quá trình chuyển dịch về quyền sử dụng đất mang yếu tố thị trường rất lớn. Người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp đều phải tính toán lợi ích cho mình. Nhưng thực tiễn cho thấy, ở cả hai phía doanh nghiệp (hoặc hộ có nhu cầu đất lớn) và người nông dân (có đất đai quy mô nhỏ, manh mún, sản xuất không hiệu quả) đều có khó khăn.

Phần lớn nông dân có đất ít, sản xuất không hiệu quả nhưng lại không muốn chuyển nhượng hẳn quyền sử dụng do chưa ổn định trong chuyển đổi nghề, nông nghiệp vẫn là nguồn sống tối thiểu cho lớp người già. Ngoài ra, chuyển nhượng đất đai của hộ còn phụ thuộc vào ý chí của cả hộ. Nếu đáp ứng điều kiện về giá cả, đa số cũng chỉ muốn cho thuê chứ không muốn bán. Đa phần lại chỉ muốn cho thuê ngắn hạn 3 - 5 năm vì không chắc chắn về tính pháp lý khi cho thuê dài hạn.

Còn đối với doanh nghiệp nông nghiệp, việc tạo quỹ đất cho cả dự án cần khoản tài chính không nhỏ. Việc phải thương lượng với quá nhiều hộ để có đất đủ cho dự án là rất khó và kéo dài, khó đảm bảo cho các quan hệ tín dụng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng còn tâm lý sợ phát sinh các vụ kiện cáo, tranh chấp dân sự trong việc thương lượng về thuê đất với nông dân, trong khi giải pháp nông dân góp vốn bằng đất đai, lao động chưa thực sự hấp dẫn đối với họ./.

Trần Kháng
Theo Dân việt

Từ khóa: