Báo Công lý nhận được phản ánh của người dân về việc giấy chứng nhận sức khỏe (CNSK) của Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông được bán tràn lan, công khai trước chợ Ga Vinh (Phường Lê Lợi, Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Sự việc khiến cho người dân hết sức bức xúc vì sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng cũng như sẽ gây ra nhiều hệ lụy khác nếu như không sớm dẹp bỏ tình trạng này.
Trong vai một người cần có giấy CNSK để hoàn tất hồ sơ xin việc, PV đến cổng chợ Ga Vinh để "hỏi mua". Bà Phan Thị M. – người dân sống tại khu vực Ga Vinh cho biết: “Các anh - (PV), cứ đến mấy quầy bán hàng tạp hóa trước Ga Vinh hỏi mua, giấy chứng nhận sức khỏe họ bán từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng thôi. Giấy CNSK mang tên mình luôn, được đóng dấu đầy đủ cả. Vừa rẻ vừa nhanh”.
Giấy khám sức khỏe như thế này được bán với giá 50 ngàn đồng tại quầy tạp hóa.
Có mặt tại quầy tạp hóa trước cổng chợ Ga Vinh, sau một vài “thủ tục” cực kỳ đơn giản như trao đổi, nói chuyện, chủ bán tạp hóa đã đưa cho chúng tôi 1 tờ giấy khám sức khỏe có dấu đỏ của Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông.
Người bán nói: “Có 2 dạng giấy khám sức khỏe, một là 30.000 đồng; hai là 50.000 đồng. Loại 50.000 đồng là có ảnh dán vào”. Người này còn hướng dẫn tôi: “Để làm hồ sơ xin việc, chỉ cần loại 30.000 đồng là được”.
Như vậy, chỉ trong vài phút “giao dịch”, PV đã sở hữu giấy CNSK có đầy đủ dấu đỏ, chữ ký... không khác gì so với giấy CNSK được thăm khám hàng giờ, thậm chí cả buổi tại các bệnh viện.
Giấy Chứng nhận sức khỏe như thế này được bán với giá 30 ngàn đồng.
PV tiếp tục đến một quầy bán tạp hóa khác, khi thấy trên tay PV cầm tập hồ sơ xin việc, bà chủ tạp hóa đon đả mời chào không chút sợ sệt: “Mua giấy CNSK à? Làm hồ sơ xin việc chứ gì?...”. Thấy PV tỏ thái độ lo lắng, băn khoăn về tính pháp lý của giấy CNSK, bà chủ đang rất thân tình thay đổi thái độ ngay lập tức: “Chị bán giấy khám sức khỏe đã nhiều năm ở đây, chưa thấy ai phàn nàn, nếu không tin thì cứ vào trong Bệnh viện mà khám".
Cơ quan chức năng có buông lỏng quản lý?
Theo Thông tư số 14/2013/TT - BYT ngày 6/5/2013, việc cá nhân muốn có giấy CNSK và cơ sở Y tế cấp giấy khám sức khỏe phải tuân theo các quy định tại Điều 4, 5, 6, 7, 8. Cụ thể: Người được cấp giấy khám sức khỏe phải có hồ sơ theo quy định và được cơ sở y tế tiến hành khám cho người đó và ghi các kết quả trên giấy khám sức khỏe.
Để thực hiện thủ tục khám sức khỏe, người kết luận giấy khám sức khỏe phải là bác sĩ, được người có thẩm quyền phân công thực hiện việc phân loại sức khỏe, ký giấy khám sức khỏe, sổ khám sức khỏe định kỳ. Việc phân công phải được thực hiện bằng văn bản và đóng dấu hợp pháp của cơ sở khám chữa bệnh.
Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông - Đơn vị được in trên giấy chứng nhận sức khỏe.
Tại Điều 267, Bộ luật Hình sự hiện hành, tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân thì bị phạt từ 5 triệu đến 50 triệu hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Điều 284, Bộ luật Hình sự hiện hành, tội Giả mạo trong công tác: Theo mục (b), (c) “Làm, cấp giấy tờ giả và giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn”. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong hai mục trên bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Mặc dù đã có quy định cụ thể và chế tài xử lý nghiêm khắc nhưng trước nhu cầu người sử dụng quá lớn nên một số đối tượng đã lợi dụng tình trạng buông lỏng quản lý của cơ quan có thẩm quyền để thực hiện hành vi phạm pháp luật.
Thiết nghĩ các cơ quan ban ngành liên quan cần nhanh chóng vào cuộc xử lý dứt điểm những tồn tại trên. Tránh để tình trạng kéo dài gây ra những dư luận không tốt, đặc biệt gây ra sự mất công bằng đối với những đơn vị y tế làm đúng quy định trong vấn đề cấp giấy chứng nhận sức khỏe.
Theo congly