Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An vẫn còn 295 thôn, bản ở 54 xã thuộc 8 huyện chưa có điện, trong đó có 24 xã hoàn toàn chưa có lưới điện quốc gia.
Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An vẫn còn 295 thôn, bản ở 54 xã thuộc 8 huyện chưa có điện, trong đó có 24 xã hoàn toàn chưa có lưới điện quốc gia.
Keng Đu là xã xa nhất của huyện miền núi rẻo cao Kỳ Sơn. Chủ tịch UBND xã Lương Văn Ngam than thở: Xã chúng tôi nghèo lắm. Toàn xã có 10 bản, 772 hộ với gần 4.000 nhân khẩu thuộc hai dân tộc Khơ Mú và Thái. Tỷ lệ đói nghèo của xã đang ở mức cao với gần 88% số hộ.
|
Đồng bào miền tây xứ Nghệ thắp nến cũng là một sự xa xỉ.
|
Đã vậy, Keng Đu còn chưa có điện lưới quốc gia, đường giao thông xuống cấp, chưa có đường đến các thôn bản; mạng lưới thông tin liên lạc chưa có. Toàn xã hiện có duy nhất một trạm phát sóng BTS của Viettel nhưng cũng rất phập phù. Bởi vậy, người dân Keng Đu đã khó khăn lại càng thêm khó khăn.
Trong cái nắng như rang của mùa hè, ở UBND xã mọi người đều phải dùng quạt mo, hoặc quyển sách để làm mát cho mình. Còn ở bên ngoài, người dân phải rời nhà ngồi dưới gốc cây, hoặc vào hang trú nóng. Tại các bản Huổi Phun 1, Huổi phun 2, một số nhà có thuỷ điện mini tự tạo ở các khe suối nhưng cũng phập phù theo con nước lên xuống. "Ông Mong Phò Phiơn - một người dân ở đây lắc đầu ngao ngán: "Bao đời nay chúng tôi sống trong cảnh tù mù, đói thông tin thì đói nghèo là điều đương nhiên".
Đêm Keng Đu, trời tối như mực, chỉ có một vài ngọn đèn leo lét của học sinh học bài. Hầu hết, người dân ở đây dùng đèn dầu để thắp sáng, nhưng cũng phải rất tiết kiệm, chỉ dành những lúc cần thiết và cho con cái học bài, còn việc thắp nến là một sự xa xỉ. Ông Mùa Nỏ Sự - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: "Đến nay huyện Kỳ Sơn vẫn còn 12 xã chưa có điện. Đây là những xã vùng sâu, vùng xa, đường giao thông đi lại rất khó khăn. Chúng tôi cũng rất mong cấp trên quan tâm sớm có điện lưới quốc gia để dân đỡ khổ".
Không riêng gì huyện Kỳ Sơn mà trên địa bàn Nghệ An vẫn còn 24 xã với khoảng hơn 10.000 hộ dân chưa có điện lưới quốc gia (Tương Dương 3 xã, Kỳ Sơn 12 xã, Quỳ Châu 4 xã, Quế Phong 4 xã, Con Cuông 1 xã.) đây là những xã đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.
Trước nhu cầu bức thiết này, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 23/2011 NQ-HĐND ngày 9.12.2011, trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2020 đạt 100% số hộ có điện sử dụng. Chính phủ và Bộ Công Thương cũng đã đồng ý cho Nghệ An lập dự án đầu tư cấp điện đến các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc chưa có lưới điện quốc gia.
Tuy nhiên, để điện lưới quốc gia đến được với hàng ngàn hộ dân miền tây xứ Nghệ vẫn còn xa lắm. Trao đổi về vấn đề này, ông Trịnh Phương Trâm - Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An cho biết: "Nguyên nhân 24 xã chưa có điện vì đó là những xã miền núi rẻo cao, vùng sâu vùng xa, dân cư thưa thớt, đầu tư vào đó rất lớn nên chưa có điều kiện đầu tư. Chủ trương là đầu tư dần dần mang tính chất phúc lợi chứ kinh doanh thì không thể làm được".
Như vậy ước mơ có điện từ bao đời nay của hơn chục ngàn hộ gia đình ở 24 xã miền núi Nghệ An vẫn phải "dài cổ"… chờ. Và đồng bào vẫn phải sống trong cảnh tù mù, đói điện, và đói hàng trăm thứ khác.
theo Dân Việt