Sự kiện hot
11 năm trước

Nghệ An: Tòa sơ thẩm ra phán quyết lạ lùng

Sau hơn 2 năm, hoãn đi hoãn lại với 5 lần xét xử ở cấp sơ thẩm, TAND huyện Quỳnh Lưu liên tục để xảy ra nhiều sai sót trong tố tụng. Đặc biệt là, ra phán quyết “đình chỉ vụ án” trái pháp luật bị TAND tỉnh Nghệ An hủy bỏ, yêu cầu xét xử sơ thẩm lại.

Sau hơn 2 năm, hoãn đi hoãn lại với 5 lần xét xử ở cấp sơ thẩm, TAND huyện Quỳnh Lưu liên tục để xảy ra nhiều sai sót trong tố tụng. Đặc biệt là, ra phán quyết “đình chỉ vụ án” trái pháp luật bị TAND tỉnh Nghệ An hủy bỏ, yêu cầu xét xử sơ thẩm lại. Cuối cùng, ngày 31/5/2013, cơ quan này mới ra được bản án với nội dung đơn giản khiến công luận rất bất ngờ: “Bác đơn khởi kiện của nguyên đơn vì không có cơ sở…”. Vì sao vậy?


Tại các phiên tòa, ông Nguyên thừa nhận có giả mạo chữ ký. Ảnh: Đinh Lê

5 phiên tòa

Cùng với việc làm đơn khởi kiện gửi TAND huyện Quỳnh Lưu, gia đình ông Trần Xuân Lập còn viết đơn tố cáo gửi Công an tỉnh Nghệ An.

Đơn tố cáo nêu rõ hành vi ông Lê Duy Nguyên giả mạo chữ ký, giả mạo hồ sơ với sự thông đồng của các cán bộ xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu để được giao nhận và sử dụng 36,5ha đất rừng mà huyện Quỳnh Lưu đã cấp cho ông Lập ngày 10/1/1993 tại Sổ Lâm bạ số 02.

Công an tỉnh Nghệ An sau khi tiếp nhận đơn tố cáo đã chuyển cho Công an huyện Quỳnh Lưu giải quyết. Tuy nhiên, Công an huyện Quỳnh Lưu lại căn cứ vào văn bản pháp luật không có trên thực tế để từ chối thụ lý, đẩy vụ việc tố cáo vi phạm pháp luật hình sự cho Hội đồng Xét xử phiên tòa dân sự TAND huyện Quỳnh Lưu giải quyết…

TAND huyện Quỳnh Lưu từ năm 2011 đến nay đã mở 5 phiên xét xử. Phiên thứ nhất (ngày 28/12/2011) phải ngừng dở chừng. Phiên thứ 2 (ngày 26/3/2012) tuyên “đình chỉ vụ án kinh doanh thương mại” bị TAND tỉnh Nghệ An hủy bỏ toàn bộ vì vi phạm nghiêm trọng pháp luật, yêu cầu xét xử sơ thẩm lại. Phiên tiếp theo (tháng 3/2013) lại phải hoãn vì vi phạm tố tụng... Phiên thứ 5 (ngày 31/5/2013) thì tuyên: “Bác yêu cầu của ông Trần Xuân Lập và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Lê Thị Vạn buộc ông Lê Duy Nguyên trả lại 36,5ha đất rừng theo Quyết định số 02 ngày 10/1/1993 của UBND huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An”.

Điều đáng nói, tại các phiên tòa trên, ông Lê Duy Nguyên đã công khai thừa nhận giả mạo chữ ký ông Trần Xuân Lập trong các văn bản giấy tờ được lập ra nhằm hợp thức hóa 36,5ha đất rừng Nhà nước đã cấp cho ông Trần Xuân Lập trong Sổ Lâm bạ số 02.

Về hành vi gian dối, Bản án sơ thẩm ngày 31/5/2013 của TAND huyện Quỳnh Lưu cũng nhận định: “Đã có kết luận giám định các chữ ký tên ông Lập đều không phải do ông Lập ký, ông Nguyên thừa nhận ông đã tự làm và ký vào biên bản góp đất, Sổ Lâm bạ, giao nhận thực địa”...

Trở lại những hành vi gian dối của bị đơn, ngày 10/1/1993, UBND huyện Quỳnh Lưu ra các Quyết định số 02, 03, 04 cấp cho hộ gia đình ông Trần Xuân Lập 36,5ha, hộ ông Trần Xuân Ngoạn 40,5 ha, hộ gia đình Trần Xuân Nam 84,5ha… Sau khi có đất các hộ đã cùng ông Nguyên bàn bạc thành lập “tổ hợp trồng rừng” gồm trên 30 người và mỗi người phải đóng 400.000 đồng gọi là tiền trách nhiệm… Việc điều hành tổ hợp do ông Nguyên chỉ đạo.

Tháng 8/1993, doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên được thành lập, trụ sở đặt tại nhà ông Lập. Mấy chục hộ tham gia trồng rừng từ năm 1993 - 2009, trong đó, gia đình ông Lập tham gia trồng rừng được trên 2.400 công. Tranh chấp xảy ra khi Nhà nước lấy đất làm đường vào phần đất mà ông Lập đã được cấp Sổ Lâm bạ. Tuy nhiên, ông Nguyên lại có bản báo cáo là các hộ có tên trong Sổ Lâm bạ 02, 03 và 04 đã có 2 bản cam kết giao quyền quản lý và sử dụng đất cho ông nên tiền đền bù lấy đất 36,5ha đất rừng trong Sổ Lâm bạ mang tên ông Lập là của ông Nguyên. Đến lúc này, ông Lập mới ngộ ra ông Nguyên có hành vi giả mạo chữ ký, giả mạo giấy tờ để bí mật hợp thức hóa việc chiếm đoạt 36,5ha đất rừng Nhà nước đã cấp cho ông. Và, một loạt hành vi giả mạo nhằm chiếm đoạt đất rừng mang tên ông Lập được phơi bày. Một là, giả mạo chữ ký trong Sổ Lâm bạ và trong biên bản bàn giao hồ sơ lâm bạ và thực địa đất rừng. Khi biết 3 hộ gia đình Trần Xuân Lập, Trần Xuân Ngoạn, Trần Xuân Nam được UBND huyện Quỳnh Lưu cấp Sổ Lâm bạ, ông Nguyên đã đến UBND huyện ký mạo tên (Lập, Ngoạn, Nam) vào 3 Sổ Lâm bạ. Việc này là bất hợp pháp. Không những thế, dù không được ông Lập, anh Nam ủy quyền, ông Nguyên vẫn đứng ra ký tên vào 1 biên bản bàn giao lâm bạ và thực địa đất rừng của ông Lập và ông Nam đầy dấu hiệu giả mạo và đã được cơ quan giám định của Bộ Quốc phòng lật tẩy khi khẳng định chữ ký tại bản cam kết giao đất cho ông Nguyên không phải là của ông Lập.

Nguyên đơn vẫn “không phục”

Dư luận đặt câu hỏi: Nếu vụ việc chỉ đơn giản như đã nêu thì có cần mở tới 5 phiên tòa xét xử, kéo dài quá trình tố tụng tới hơn 2 năm?

Trong khi đó, việc ông Nguyên giả mạo chữ ký ông Lập, phía nguyên đơn đã nêu rõ, thậm chí còn làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an. Tại các phiên xét xử, ông Lê Duy Nguyên cũng công khai thừa nhận việc “mượn tên” ông Lập để xin cấp đất rừng và đặc biệt công khai thừa nhận việc ký mạo tên ông Lập. Vậy tại sao trong quá trình thụ lý vụ án, thẩm phán không nhận ra, các Hội đồng Xét xử của nhiều phiên tòa cũng không nhận ra, chỉ đến khi Hội đồng Xét xử do thẩm phán Lê Anh Sơn làm chủ tọa ngày 31/5/2013 thì mới nhận ra việc giả mạo chữ ký của ông Nguyên và lấy làm căn cứ để ra phán quyết: “Bác đơn khởi kiện của ông Trần Xuân Lập vì “không có cơ sở”?

Tòa bác quyền khởi kiện của ông Lập vì hành vi trái pháp luật ký mạo chữ ký tên ông Lập của ông Nguyên. Lỗi không phải do ông Lập, nhưng ông Lập lại gánh chịu hậu quả. Trong khi đó, Hội đồng Xét xử không hề có ý kiến gì về việc ông Nguyên vi phạm pháp luật. Người bị người khác giả mạo chữ ký thì bị mất quyền khởi kiện, mất đất rừng được giao, còn người ký giả mạo vào Sổ Lâm bạ và làm nhiều văn bản có dấu hiệu giả mạo khác thì lại được sử dụng 36,5ha đất rừng mang tên người khác. Đây là điều khó thuyết phục nhất của bản án.

Đinh Lê
theo Thanh tra

Từ khóa: