Sự kiện hot
13 năm trước

Nghề cào hến trên sông Lam

Chẳng ai còn nhớ nghề cào có từ khi nào, chỉ biết rằng nhiều thế hệ người dân ven bờ sông Lam đã lớn lên bằng những con hến bé nhỏ. Cái nghề lênh đênh sông nước những cũng lắm nỗi cơ cực, truân chuyên.

Chẳng ai còn nhớ nghề cào có từ khi nào, chỉ biết rằng nhiều thế hệ người dân ven bờ sông Lam đã lớn lên bằng những con hến bé nhỏ. Cái nghề lênh đênh sông nước những cũng lắm nỗi cơ cực, truân chuyên.

Nhiều thế hệ người dân xứ Nghệ ven bờ sông Lam đã lớn lên bằng những con hến bé nhỏ

Trưa hè, dưới cái nắng chói chang và những cơn gió Lào khô khốc bỏng rát, bê bát cơm canh hến và quả cà trắng muối giòn đặc trưng xứ Nghệ thì quên hết mọi sự trên đời. Cái vị ngọt thanh, mát dịu của bát canh hến không còn là món ăn bình dân ven sông Lam nữa mà đã trở thành một thứ “đặc sản” được ưa chuộng của người dân thành thị qua nhiều cách chế biến khác nhau. Thế nhưng ít ai có thể biết được rằng, nghề cào hến cũng lắm vất vả, cơ cực.

Nghề "trên nước, dưới nắng"

Phải mất mấy ngày nài nỉ vợ chồng anh Ngũ Ánh Hồng, chị Nguyễn Thị Đào (khối Lam Sơn, thị trấn Nam Đàn, Nghệ An) mới đồng ý cho tôi lên thuyền “đi hến” bởi anh ngại “cái nghề trên nước, dưới nắng vất vả cô chịu không nổi”. Nhà cách sông chừng 500m, ngay sau khi bán hết hến ruột đãi từ tờ mờ sáng, anh Hồng chuẩn bị rổ, lưới, chị Đào đơm cơm vào cái ăng-gô to tướng kèm theo bát canh vặt nấu hến và mấy quả cà pháo cùng miếng trứng rán. “Đây là bữa trưa của cả hai vợ chồng. Đi từ giờ, phải đến 3-4h chiều mới về. Hôm nay ta ngược lên phía Thanh Khai (huyện Thanh Chương)”, chị Đào cho biết.

Nghề cào hến trên sông Lam được gọi là nghề "trên nước dưới nắng"

Mặt trời chói chang phủ trên đầu, 3 chúng tôi bước lên thuyền. Chiếc máy nổ ù lên, một đụn khói tỏa ra mặt nước, con thuyền hướng ra giữa dòng rồi lao đi. Sau gần 1 tiếng chạy thuyền, chúng tôi đã đến được địa phận chị Đào nói. Thuyền giảm tốc độ, chị Đào thoăn thoắt lôi bộ lưới cào hến ra khỏi khoang thuyền rồi thả ùm xuống nước, sợi dây thừng căng ra khi lưới chạm đáy. Anh Hồng điều khiển thuyền chạy chầm chậm dọc lòng sông.

“Nhà tui có 4 đời đi hến trên sông Lam rồi, từ hồi ông cố nội của tui, cả nhà đã sống nhờ con hến. Con cái học hành dựng nhà, dựng cửa nhờ vào con hến cả. Hồi mới cưới, hai vợ chồng cũng được riêng cho một cái thuyền. Ngày đó chèo thuyền, kéo hến bằng thủ công hết, mệt lắm nhưng được cái hến còn nhiều, dễ bắt. Hồi đó cả làng mang “dậm” - một dụng cụ bắt hến - ra sông, cứ thế mà ngâm mình dưới nước cho đến khi da thịt nhăn nheo hết cả mới lên bờ. Giờ chuyển sang làm máy, công việc nhẹ nhàng hơn nhưng không ăn thua vì hến ngày càng ít mà chi phí dầu máy lại ngày càng đắt đỏ”, anh Hồng bắt đầu chuyện nghề của mình như thế.

Gần 50 tuổi đời, anh cũng đã có hơn 30 năm bám lòng sông Lam mưu sinh cùng những con hến nhỏ xíu này. Thuyền chạy được chừng 30 phút, sợi dây thừng đã căng hết cỡ, nghe chừng lưới đã đầy, anh Hồng tắt máy, chạy lên đầu thuyền phụ vợ kéo lên. “Làm cái nghề ni, bắp tay đàn bà cũng to như tay đàn ông vì ngày mô cũng “thể dục” như ri cả”, chị Đào cười.

Bàn tay thoăn thoắt kéo sợi dây thừng, giữa dòng nước lờ đờ đục, bỗng quặn lên màu bùn đất, chiếc lưới to cỡ chiếc bì tải, gắn một đầu vào thanh sắt có răng cưa đã được kéo lên thuyền. Những con hến bằng đầu ngón tay trỏ được đổ ra khoang, chiếc vỏ cứng lóng lánh dưới nắng mặt trời. Vuốt giọt mồ hôi trên sống mũi, chị Đào cười mãn nguyện, chuyến này chắc cũng được cỡ 5 kg.

Mỗi chuyến đi, vợ chồng anh Hồng thu hoạch được gần tạ hến vỏ

Tôi há hốc mồm khi anh Hồng cho biết, hến chẳng thể đẻ con, nó duy trì nòi giống bằng cách nhả những sợi “tơ” ra khỏi “miệng”. Những sợi “tơ” này bám vào hạt cát rồi tự sinh vỏ và lớn lên. Đến đời sau, “cuộc sinh nở kỳ lạ” này lại tiếp diễn.

Hến sống ở lớp bùn mặt đáy sông, ăn hoa đất và phù du nên rất sạch và lành. Hến Nam Đàn nổi tiếng thịt dai, thơm, nước trong, ngọt. Mặt trời đứng bóng, nắng gay gắt, mặt sông chói lóa bởi những tia nắng phản chiếu, chị Đào dọn cơm ra. Bát canh hến nấu rau vặt hết vèo.

“Quen rồi, bữa cơm không có con hến hay không có bát nước luộc hến là không ngon. Dân đi hến chúng tôi uống nước hến luộc thay nước chè xanh”, anh Hồng lý giải.

Xong bữa cơm, hai vợ chồng lại tất tả thả lưới, kéo lưới. Thanh thủ thời gian cho thuyền chạy rê lưới, tôi và chị Đào xúm vào nhặt sỏi, đã lẫn trong đống hến vừa cào. Mỗi chuyến đi, ngày nhiều hai vợ chồng cũng bắt được cả tạ hến vỏ, ít thì năm bảy chục cân.

Cứ mỗi yến hến vỏ, đãi được 1kg hến ruột. Với mức giá hiện tại, trung bình mỗi ngày 2 vợ chồng cũng kiếm được ngót nửa triệu đồng.

Có còn ngọt mát hến sông Lam?

Khoảng 30 năm về trước, làng Lam Sơn nhộn nhịp suốt ngày. Người dân túa ra sông từ tờ mờ sáng, trẻ con, người lớn, người già cổ quàng dây nhủi lầm lũi đến tận non trưa mới trở về. Nhưng giờ, người bám trụ với nghề cào hến ở Lam Sơn chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Phương tiện làm nghề được cải tiến liên tục, người dân sắm thuyền máy, hến được cào ồ ạt bằng lưới chuyện dụng cộng với việc lòng sông bị khai thác cát nên con hến ngày càng hiếm đi. Đó cùng là lúc nhiều người dân không còn mặn mà với nghề này nữa.

Nghề cào hến vất vả, cực nhọc nên nhiều người dân đã không còn mặn mà với nghề và tìm nghề khác để mưu sinh.

Một lý do nữa khiến nghề làm hến không được ưa chuộng bởi nó vất vả quá. Cả ngày phơi mình “trên nước, dưới nắng”, tối về quần quật với việc nhặt, rửa hến. Chợp mắt được một lúc, 3h sáng đã phải lùm cùm thức dậy nhóm lò luộc hến. “3 sôi, 2 trào” - nồi luộc hến sôi, nước trào ra khỏi nồi - dùng đũa cả khoắng cho đều, đến khi hến “hả miệng” vớt ra để ráo và bắt đầu công đoạn đãi lấy ruột.

Đây là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, nhẫn nại của người phụ nữ bởi thành quả của cả một chuyến ngược sông phụ thuộc vào việc có lấy được hết ruột ra khỏi vỏ hay không. Hến ruột sau khi được đãi sạch sẽ được thương lái tới tận nơi để mua, không cần phải vất vả gánh bán rong như trước đây nữa. Tất cả các bộ phận của hến đều kiếm ra tiền.

Ruột hến dùng nấu canh, xào dưa chuột, xúc bánh đa hay nấu cháo, đổ bánh đúc. Nước hến ngọt mát nấu canh hay để uống thay nước sôi. Đến vỏ hến cũng được bán để trộn làm thức ăn nuôi vịt, gà. Nghề đi hến có quanh năm nhưng nhiều nhất từ ra giêng tới tháng tám mùa lũ. Cũng bởi vậy, nghề đi hến chẳng bao giờ phải lo “thất nghiệp”, thế nhưng càng ngày càng ít người theo cái nghề này.

Chị Trần Thị Toan - Chi hội Trưởng chi hội phụ nữ khối Lam Sơn, cho biết: “Trước đây cả làng đi hến, nhưng giờ chẳng còn mấy người nữa. Làm cái nghề ni cực nhọc, về già khớp xương bị ảnh hưởng lắm. Giờ phụ nữ trong làng hoặc chạy chợ, hoặc ra bến đội cát kiếm dăm chục, một trăm đắp đổi qua ngày”.

“Vất vả, rủi ro sông nước cũng nhiều nên họ bỏ nghề, chuyển sang làm cát sạn, kinh doanh hàng tạp hóa hoặc đi xuất khẩu lao động. Có thuyền máy nhưng công việc cào hến đâu đã hết gian truân. Máy khai thác cát làm xói lở dòng chảy tạo nên những hố sụt, xoáy, trở thành những cạm bẫy vô hình dưới đáy sông, lỡ thả vợt vướng vào, lật thuyền như bỡn. Phận người làm hến cũng hết sức mong manh giữa nước biếc sông sâu. Con hến cũng không còn chỗ sinh sôi, hiếm dần. Giờ muốn bắt được nhiều phải đi xa, có lúc ngược lên Thanh Chương, lúc xuôi sang Đức Thọ, lúc lại xuống vùng Hưng Nguyên; giá xăng dầu tăng, nguy hiểm sông nước rình rập nên bỏ nghề...” , ông Hà Lý, lão ngư dày dạn kinh nghiệm nghề đi hến chia sẻ.

Tôi chợt nhớ cái dáng lầm lũi của vợ chồng anh Hồng, chị Đào hướng ra bờ sông, bắt đầu một ngày đi hến giữa cái nắng chang chang tháng 5. Dăm bảy năm nữa, có còn những bát canh hến ngọt lừ mát dịu…

Theo Dân trí

Từ khóa: