Dù mới du nhập vào Xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm, Hà Nội được hơn chục năm, song nghề làm giá đỗ ở đây đã phát triển nhanh chóng với hàng chục hộ làm giá quy mô lớn, thu lãi hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Theo chân các thương lái bỏ mối giá đỗ tại các chợ trong nội thành Hà Nội, chúng tôi tìm về xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm, nơi được xem là địa chỉ cung cấp giá đỗ lớn nhất cho Hà Nội hiện nay.
Dù mới du nhập vào địa phương hơn chục năm, song nghề làm giá đỗ ở đây đã phát triển nhanh chóng với hàng chục hộ làm giá quy mô lớn, thu lãi hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Nghề triệu phú
Xã Thượng Cát nằm ven sông Hồng. Từ nội thành, theo đường 32, đến Nhổn rẽ phải, đi khoảng 5km theo đường 70 là đến. Nhìn từ trên đê sông Hồng xuống, những ngôi nhà ở Thượng Cát đều khang trang, xóm làng trù phú. Phía ngoài đê san sát các cửa hàng buôn bán đồ gỗ nội thất tấp nập khách hàng vào ra; còn phía trong đê, làng mạc yên tĩnh hơn, nơi tập trung nhiều hộ làm giá.
Ông Ngô Đình Công, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Cát đưa phóng viên đến thăm gia đình bà Ngô Thị Miến, ở đội 2, người có tiếng khéo tay trong nghề làm giá ở làng. Ngay từ đầu ngõ đã thấy bày la liệt chum, vại để ủ giá.
Bà Miến cho biết, làm giá có nhiều loại vại to nhỏ khác nhau. Gia đình bà thường dùng loại 9kg. Mỗi mẻ giá phải mất 4-6 ngày tùy thời tiết mùa đông hay mùa hè. Nghề này tuy không nặng nhọc nhưng công việc tỉ mẩn và bận rộn cả ngày. Rất nhiều công đoạn như nhặt đậu, đãi đậu, đạp đậu, cài đậu, chờ đến tận đêm khuya vẫn phải đợi để cho giá "ăn" xong mới được đi ngủ.
Nghề làm giá đỗ ở Thượng Cát.
Bí quyết để có giá ngon phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu đậu, nguồn nước và kinh nghiệm. Hằng ngày, người làm giá phải nghe dự báo thời tiết: Trời lạnh thì phải vào giá sớm, còn trời ấm thì vào giá muộn.
Gia đình bà Miến làm giá được hơn chục năm nay. Lúc đầu, mỗi ngày bà chỉ làm 30-40 vại giá, đến nay gia đình đã mở rộng ra 200 vại/ngày (gần 2 tấn giá). "Làm quanh năm suốt tháng, chỉ nghỉ duy nhất ngày 26 tháng Chạp bởi nếu làm ngày 26, thì giá được đúng vào ngày mùng một Tết, ngày này chả ai đi chợ" - bà Miến cười.
Theo tính toán, mỗi vại giá 9kg cần 1,4kg đậu, sau khi trừ hết chi phí được lãi 10 nghìn đồng. Nếu làm 200 vại thu lãi 2 triệu đồng/ngày. Hiện mỗi tháng, gia đình bà Miến tiêu thụ khoảng 6 tấn đỗ, đưa ra thị trường 54 tấn giá. Từ ngày có nghề làm giá, kinh tế gia đình khá lên trông thấy.
Mong có nước sạch
Xã Thượng Cát có hai thôn Đống Ba và Thượng Cát đều có nghề làm giá đỗ với 24 hộ. Đa số các hộ làm quy mô lớn thu lãi hằng tháng từ 20 đến 60 triệu đồng.
Cùng với 24 hộ sản xuất giá có hàng chục hộ khác đưa giá đi bán hoặc cung cấp nguyên liệu như đậu và cỏ tranh để nuôi giá. Nghề không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở nơi khác đến với thu nhập khoảng 2 triệu đồng/người/tháng.
Là xã ven đô, mấy năm gần đây diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Thượng Cát ngày một giảm. Chính quyền địa phương đã tính đến việc hỗ trợ phát triển các nghề trong đó có làm giá đỗ để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho dân.
Cái khó lớn nhất của Thượng Cát hiện nay là thiếu nguồn nước sạch, nghề làm giá cần nhiều nước sạch vì mầm giá sống rất sạch, chỉ cần nước nhiễm bẩn là giá có thể chết hàng loạt, thiệt hại rất lớn. Trong khi đó, ở Thượng Cát hiện nay vẫn chưa có nước sạch, 100% các hộ dân phải khoan giếng, nhiều thì khoan 5-7 cái, hộ ít cũng 2-3 cái mới đủ nước dùng. "Chưa nói đến việc khai thác tài nguyên nước thái quá sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm mà trước mắt, nước giếng khoan không bảo đảm chất lượng, có nơi còn bị nhiễm tạp chất khiến giá thối" - ông Lịch trăn trở.
Năm 2008, người dân trong xã nhận được tin vui khi huyện Từ Liêm phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch xã Thượng Cát với tổng mức đầu tư hơn 23 tỷ đồng. Cả làng phấn khởi chờ công trình hoàn thành. Thế nhưng, đến nay chờ mãi vẫn không thấy nước đâu. Người dân Thượng Cát vẫn mong có nước sạch để nghề làm giá đỗ phát triển hơn.
Nguyễn Mai
Theo Hà Nội mới