Bà Nguyễn Thị Lịch và chồng - thương binh Nguyễn Văn Yểng sống hạnh phúc suốt 35 năm qua
Trong số 5 trung tâm (TT) điều dưỡng thương binh trên cả nước, TT Thuận Thành ở huyện Thuận Thành - Bắc Ninh là mái nhà chung của gần 100 thương binh với tỉ lệ thương tật rất nặng. Những người lính bị thương khi được đưa về đây đều có tỉ lệ thương tật trên 91% và là thương binh hạng 1/4. Thế nhưng, TT Điều dưỡng thương binh Thuận Thành - nơi được nhiều người gọi là “ngôi làng hạnh phúc” với những tổ ấm lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười lạc quan.
Nỗi đau tàn phế
Cách đây 40 năm, chàng trai Lại Mạnh Cử ở quê lúa Thái Bình hăm hở vào mặt trận Quảng Trị sau khi nhập ngũ. Đơn vị của anh, Trung đoàn 209 - Sư đoàn 312, có mặt trong những ngày chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị. Bị thương vào ngày 15-12-1972, anh Cử gãy cột sống, liệt nửa người và được đưa về hậu tuyến.
“Khi mới bị thương, tôi được đưa về Viện Điều dưỡng thương binh ở Việt Trì - Phú Thọ. Lúc đầu, tôi chỉ cảm thấy buồn vì mình đang xông pha chiến đấu mà giờ không được kề vai sát cánh với đồng đội nữa. Khi vết thương bắt đầu lành, nỗi đau càng trở nên rõ rệt” - ông Cử nhớ lại.
Trong những năm chiến tranh gian khổ, thương binh cũng phải chấp nhận nhiều thiếu thốn, thiệt thòi. “Một lần, có đoàn văn công về viện biểu diễn cho thương binh xem. Khi ấy, 4 thương binh mới có một xe lăn, mỗi chiếc xe phải đi 4 chuyến để đưa từng người ra sân xem biểu diễn. Ai ra trước phải ngồi dưới đất, chỉ có người đi cuối cùng mới được ngồi trên xe. Hôm ấy, khi văn công đang diễn thì trời mưa to. Do không có xe lăn, ngồi một chỗ chịu trận nên tôi và nhiều người khác dính mưa và bị cảm. Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được nỗi đau tàn phế” - ông Cử bồi hồi.
Trong khi đó, thương binh Nguyễn Văn Yểng đã chung sống với mảnh bom bi nằm trong cột sống hơn 40 năm nay. Ông có mặt ở chiến trường B3 (Tây Nguyên) từ năm 1964 và đến đầu năm 1969 thì bị thương. Ban đầu là bộ binh rồi sau tham gia pháo binh, ông Yểng vẫn nhớ như in những câu chuyện thời binh lửa khốc liệt.
Sức ép của bom đạn khiến tai ông Yểng không nghe rõ nhưng đôi mắt vẫn tinh tường và trí nhớ vẫn còn mẫn tiệp. Ông kể: “Có lần, tôi phải vác thi thể 17 đồng đội chết trận về hậu tuyến, còn mình thì vẫn tiếp tục xông lên. Bản thân tôi lúc ấy không bao giờ nghĩ mình sẽ còn sống để trở về nên luôn chiến đấu với tinh thần quyết tử”. Ngày được trở về cũng là lúc ông mang trên mình tỉ lệ thương tật 91%. “Tôi đã khóc vì không thể ở lại cùng đồng đội” - ông xúc động.
Nơi tình yêu bắt đầu
Năm 1976, sau khi đất nước thống nhất, TT Điều dưỡng thương binh Thuận Thành trở thành nơi chăm sóc, chữa trị cho thương binh lớn nhất cả nước. Hai thương binh Lại Mạnh Cử và Nguyễn Văn Yểng cũng được đưa về đây. Nỗi đau tưởng như sẽ lớn hơn với họ khi phải đối mặt với cảm giác trở thành “người vô dụng” trong xã hội. Tuy nhiên, TT này đã đưa họ đến với tình yêu của cuộc đời mình, giúp họ tìm lại nguồn sáng để sống lạc quan với vết thương trên thân thể.
Hộ lý Nguyễn Thị Lịch, năm 1976 vừa tròn 19 tuổi, đến giờ vẫn không thể quên hình ảnh các đoàn xe đưa thương binh tới TT. “Toàn là thương binh nặng, người cụt 2 tay, người mất 2 chân, người thì nằm bất động với những vết thương rỉ máu. Họ còn rất trẻ, nhiều người mới 23-24 tuổi nhưng tôi chỉ ấn tượng với một anh chàng có ánh mắt và nụ cười hiền lành, ấm áp là thương binh Nguyễn Văn Yểng” - bà Lịch hồi tưởng. Thế rồi, tình duyên đưa đẩy họ đến gần nhau hơn khi cô hộ lý được phân công phụ trách chăm sóc dãy phòng của anh thương binh mà mình ấn tượng.
Bà Lịch sinh ra và lớn lên tại huyện Thuận Thành nên từ khi những thương binh nặng được đưa tới đây, bà coi họ như những người thân cùng quê với mình. Cô hộ lý là người chủ động dẫn anh thương binh Nguyễn Văn Yểng về nhà ra mắt. Sau chút e ngại ban đầu, gia đình cũng cảm nhận được tình thương ấm áp mà con gái mình dành cho anh thương binh có nụ cười hiền hậu kia.
Họ nên duyên vợ chồng năm 1977 trong một đám cưới có cả nụ cười và nước mắt. “Nhiều người con gái lập gia đình đã khóc vì phải về nhà chồng, xa bố mẹ. Tôi năm đó mới 20 tuổi, cũng khóc nhưng là vì hạnh phúc. Tôi chuyển hẳn vào TT để vừa gần gũi chồng vừa tiếp tục công việc chăm sóc sức khỏe cho các thương binh khác” - bà Lịch kể.
Một năm sau đám cưới của cô hộ lý Nguyễn Thị Lịch, TT Điều dưỡng thương binh Thuận Thành lại có thêm một nhân viên y tế nên duyên vợ chồng với một thương binh. Thương binh Lại Mạnh Cử và y tá Nguyễn Thị Kim Phương lấy nhau trong một đám cưới giản dị, không bánh, không hoa…, chỉ có những lời chúc tụng.
Niềm vui ngập tràn
Để trở thành vợ của thương binh, những phụ nữ như bà Lịch, bà Phương phải vượt qua những rào cản tâm lý và dư luận. Trên tất cả, đó chính là tình yêu thương và cả sự cảm phục mà những người vợ thương binh dành cho chồng. “Trước khi lấy nhau, tôi say sưa ngồi nghe anh Yểng kể về những trận đánh, những năm tháng ở mặt trận gian khổ nhưng cũng đầy niềm tin và hy vọng vào ngày đất nước thống nhất” - bà Lịch cho biết.
Bà Lịch chẳng ngại ngần thừa nhận chính ông Yểng là mối tình đầu của mình và cũng là người duy nhất mà bà thần tượng. “Nhiều thương binh trẻ trung hơn, có nhiều tài lẻ hơn nhưng không hiểu sao, tôi chỉ say mê cách nói chuyện nhẹ nhàng, hiền lành của anh ấy” - bà thổ lộ. Hơn ai hết, bà Lịch biết rằng chồng mình vẫn còn một mảnh bom bi nằm trong cột sống và nếu lấy nhau, họ chưa chắc đã có con. Tuy nhiên, bà bộc bạch: “Hồi đó, tôi chỉ mong cả đời được ở bên nhau, được nghe anh ấy nói chuyện”.
Thế rồi, khi bà Lịch sinh cho ông Yểng cậu con trai, người thương binh dày dạn kinh nghiệm trận mạc đã khóc vì sung sướng. Ông nắm chặt tay vợ, luôn miệng nói: “Cám ơn em, cám ơn em”; còn bà thì cười mà nước mắt cứ ứa ra vì hạnh phúc. Như bao người vợ thương binh khác, bà Lịch phải cáng đáng những công việc nặng nhọc nhất trong nhà, chưa kể những lúc trái gió trở trời, ông Yểng thường lên cơn đau nhức dữ dội.
Nhiều phụ nữ hãnh diện vì chồng giỏi giang, giàu có; còn vợ thương binh cũng tự hào vì đức lang quân của mình là những anh hùng trong chiến tranh. Họ đã gửi lại một phần xương máu nơi chiến trận để giữ cuộc sống thanh bình hôm nay cho thế hệ mai sau. “Mấy năm trước, anh Yểng còn được Học viện Chính trị của Bộ Quốc phòng mời đi nói chuyện, kể cho sinh viên nghe về những trận đánh, những hy sinh của bộ đội trong quá khứ. Anh ấy kể chuyện hay lắm và rất truyền cảm” - bà Lịch khoe rồi đưa mắt nhìn ông trìu mến, yêu thương như những đôi lứa mới lấy nhau.
Trong khi đó, thương binh Lại Mạnh Cử lại băn khoăn: “Nghe bạn bè của vợ có chồng làm quan chức, rồi có nhà, có xe đàng hoàng, tôi thấy rất thương bà ấy, vì lấy thương binh nên phải sống trong căn nhà tập thể chưa đầy 20 m2”. Tuy nhiên, cuộc sống có lẽ đã bù đắp phần nào cho những cặp vợ chồng như ông Yểng - bà Lịch, ông Cử - bà Phương khi họ đều có những người con thành đạt.
Con trai cả của ông Yểng - bà Lịch là anh Nguyễn Ngọc Hoàng, hiện là Giám đốc Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Chi nhánh Thuận Thành; con gái họ cũng làm ở Công ty Bảo hiểm tiền gửi BIDV. Hai con của ông Cử - bà Phương cũng đều tốt nghiệp ĐH, có vị trí xã hội và việc làm ổn định. Họ đều đã lên chức ông bà và vẫn gắn bó với ngôi làng thương binh đầy những câu chuyện tình lai láng này.
Chưa bao giờ to tiếng
Cặp vợ chồng thương binh Lại Mạnh Cử - y tá Nguyễn Thị Kim Phương và thương binh Nguyễn Văn Yểng - hộ lý Nguyễn Thị Lịch chỉ là 2 trong số 15 gia đình hạnh phúc ở ngôi làng thương binh Thuận Thành. Ông Nguyễn Khắc Dư, Giám đốc TT Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, cho biết: “Đã có 15 thương binh nên duyên với nhân viên y tế của TT. Trong đó, có 2 cặp cả vợ chồng đều là thương binh, họ lấy nhau và làm đám cưới tại TT”.
Vợ chồng thương binh Lại Mạnh Cử - y tá Nguyễn Thị Kim Phương rất tâm đầu ý hợp
Mỗi gia đình thương binh được cấp một mảnh đất nho nhỏ để xây căn nhà cấp 4 ngay cạnh TT. Dãy nhà đơn sơ nhưng lúc nào cũng tràn đầy hạnh phúc. “100% con em thương binh tại đây đều tốt nghiệp ĐH, CĐ; nhiều cháu trở thành những cán bộ giỏi, có học vị thạc sĩ… Điều đặc biệt nhất là tôi chưa bao giờ thấy các cặp vợ chồng thương binh to tiếng với nhau” - ông Dư tự hào.
|