Người dân nộp hồ sơ từ năm 2017 nhằm mục đích tách thửa đất, nhưng đến thời điểm cuối tháng 9/2019 người dân vẫn chưa nhận được kết quả. Tình trạng này kéo dài và diễn ra ở nhiều xã trong huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Xếp “lốt” chờ cán bộ đến đo tách thửa
Phản ánh tới Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, nhiều người dân thuộc các xã của huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) bức xúc cho biết, họ có nhu cầu tách thửa đất và làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ - PV) nên đã đến bộ phận một cửa của UBND huyện Điện Biên nộp hồ sơ hoặc đến trực tiếp Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (ĐKĐĐ - PV) huyện Điện Biên để nộp hồ sơ.
Sau khi được tiếp nhận hồ sơ, họ được hẹn trong thời gian sớm sẽ đến giải quyết. Tuy nhiên, thời gian được giải quyết đo đạc và để được cấp sổ đỏ kéo dài quá lâu khiến người dân bức xúc.
Trao đổi với PV, bà Bùi Thị Hồng (Đội 13, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên) chia sẻ, do có nhu cầu tách thửa đất cho con gái nên đầu tháng 3/2019 bà có làm hồ sơ rồi gửi lên Chi nhánh văn phòng ĐKĐĐ huyện Điện Biên. Gia đình cũng đăng ký đo đạc hiện trạng đất, từ lúc đăng ký đến lúc đo thời gian rất lâu.
Vừa rồi mới có cán bộ của Chi nhánh văn phòng ĐKĐĐ huyện Điện Biên về đo, từ lúc đăng ký đến lúc được đo phải mất tầm hơn 3 tháng. Sau khi đo đạc xong và trình lên Sở thì lãnh đạo Văn phòng đăng ký đất đai (Sở TN&MT Điện Biên) trả hồ sơ với lý do không có hành lang đường, đường không thể hiện trong bản đồ giải thửa.
Tuy nhiên, theo phản án từ người dân thì thực tế đường đó là đường thôn bản và không có hành lang. Diện tích đường từ trước đến nay vẫn như thế, nó không có gì thay đổi. Tuy nhiên, trên Văn phòng ĐKĐĐ sở TN&MT lại trả về. Và đến nay, trường hợp của bà vẫn đang bị... “treo”.
|
|
Bà Vi Thị Mùi (đội 3 xã Thanh Luông, huyện Điện Biên) cũng nộp hồ sơ đăng ký đo đạc tách thửa vào tháng 4/2019 đến thời điểm tháng 9/2019 vẫn chưa nhận được kết quả của mảnh trích đo chứ chưa nói đến việc được tách thửa và được cấp sổ đỏ.
Một trường hợp khác là của ông Đặng Minh Duyên (xã Thanh Luông), do muốn tách thửa cho con trai nên năm 2017 ông làm hồ sơ và đăng ký trích đo thửa đất. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 9/2019 ông mới được cán bộ chi nhánh văn phòng ĐKĐĐ huyện Điện Biên xuống đo nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
“Về thủ tục quy trình đo đạc hiện nay người dân rất bức xúc. Anh muốn làm anh phải đăng ký từ năm nay, đến sang năm thì mới bố trí xem thời gian nào đo đạc. Thủ tục đó kéo dài hơn 1 năm rồi, sau đó sắp xếp vào đo đạc nó có kịp thời đâu...”, ông Duyên phàn nàn.
Theo phản ánh của cán bộ làm công tác địa chính ở một số xã trong huyện Điện Biên, khi người dân có nhu cầu đo đạc để tách thửa phải đến chi nhánh văn phòng ĐKĐĐ huyện Điện Biên, sau khi điền phiếu yêu cầu trích đo thì không có giấy hẹn mà chỉ hẹn từ 6 đến 8 tuần sẽ xuống đo.
Thực tế thì có nhiều trường hợp 3 tháng sau mới được trích đo, sau đó cũng không có phiếu hẹn bao giờ trả kết quả. Vì thế, có rất nhiều trường hợp người dân có nhu cầu tách thửa hoặc cấp sổ đỏ lần đầu nhưng “tắc” ở khâu đo đạc khiến người dân bức xúc.
Cũng theo phản ánh của người dân, đại đa số các hồ sơ đăng kí đo đạc của người dân do Văn phòng ĐKĐĐ huyện Điện Biên thụ lý giải quyết đều bị chậm trễ, quá thời hạn giải quyết theo quy định.
Theo tìm hiểu của PV về quy trình đo đạc và tách thửa tại huyện Điện Biên, để lấy được sổ đỏ người dân phải mất 14 lần cả đi và về, cụ thể : Đi đăng ký đo, đi lấy bản mô tả về, sau đó đi nộp, sau đó đi lấy kết quả. Sau đó đi lên nộp hồ sơ tách thửa, đi lên nộp hồ sơ chỉnh lý, đi lên nộp hồ sơ cấp giấy CNQSDĐ.
Đấy là đối với những bộ hồ sơ “đẹp”, nghĩa là không có sai sót và sự cố gì, còn nếu có sai sót thì số lần người dân phải đi lại tăng lên. Có một số trường hợp do thời gian giải quyết việc đo đạc chậm người dân đã có phản ánh trong kỳ tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND huyện Điện Biên.
Nguyên nhân do chất lượng cán bộ?
Trao đổi với PV, một lãnh đạo UBND huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) cho biết, UBND huyện chỉ giải quyết trường hợp cấp mới, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cho thuê đất. Còn việc tách thửa do Văn phòng ĐKĐĐ và Sở TN&MT tỉnh thực hiện.
Tại Điện Biên đang thí điểm 3 Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất và 3 Tổ chức phát triển Quỹ đất thuộc UBND các huyện, thành phố, thị xã gồm: TP Điện Biên Phủ, Thị xã Mường Lay và huyện Điện Biên thành các chi nhánh trực thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở TN&MT.
Trước khi thực hiện thí điểm, mọi hoạt động của các đơn vị này vẫn bình thường. Bây giờ người dân có nhiều phản ánh là chậm trong công việc, UBND huyện nhiều khi bị oan vì do quân của Sở TN&MT làm.
|
|
Cũng theo vị lãnh đạo UBND huyện Điện Biên, hiện nay, theo quy định, trên 400 bộ thủ tục quy định hành chính cấp huyện đưa hết ra bộ phận một cửa. Và đương nhiên có những bộ thủ tục hành chính thẩm quyền thuộc UBND vẫn giải quyết và có những bộ thủ tục thực hiện thí điểm.
Ngày xưa thì UBND giải quyết, bây giờ chủ thể phải lên Sở TN&MT. Hồ sơ người dân nộp ở bộ phận 1 cửa, sau đó chuyên viên tổng hợp rồi chuyển sang bên Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện rồi chuyển lên Sở TN&MT.
Nhiều khi thông tin đến đó là UBND huyện không nắm được nữa. Khi có những phản ánh của người dân, phía UBND có văn bản đề nghị Chi nhánh VPĐKĐĐ kiểm tra và có phản hồi.
Liên quan đến câu chuyện người dân phản ánh việc đo đạc chậm, trao đổi với PV, ông Ngô Xuân Trang (Phó GĐ Văn phòng ĐKĐĐ thuộc sở TN&MT, kiêm Giám đốc Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Điện Biên) cho biết, bản thân mới kiêm nhiệm chức vụ Giám đốc Chi nhánh từ tháng 4/2019 nên cần phải có thời gian để rà soát cụ thể với từng trường hợp.
Đối với trường hợp người dân có phản ánh trong cuộc họp HĐND, ông Trang cho biết đang yêu cầu cán bộ giải trình.
“Trường hợp đó xảy ra khi tôi chưa về công tác và cũng đang yêu cầu anh em viết bản giải trình”. Ông Trang nói.
Kiêm nhiệm Giám đốc CN Văn phòng trái chuyên ngành được đào tạo
Được biết, ông Ngô Xuân Trang giữ chức Phó Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ thuộc sở TN&MT Điện Biên. Tháng 4/2019, ông Trang kiêm nhiệm giữ chức Giám đốc Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Điện Biên. Nhiều ý kiến người dân cho rằng, ông Trang được giao phụ trách CN Văn phòng ĐKĐĐ là không đúng và không phù hợp với chuyên ngành mà ông Trang được đào tạo.
Trò chuyện với PV, ông Trang cho biết bản thân có 3 văn bằng, bằng cao học thì về CNTT, bằng đại học Bách khoa là Cơ khí chế tạo máy, còn một văn bằng nữa là Sư phạm Ngoại ngữ.
Theo Môi trường và Đô thị