Vì là đá nên không bổ ra ăn được, có người mua nhưng không bao giờ ông bán, nên đôi lúc cũng phải nghe tiếng "nhì nhèo" của vợ con. Chẳng trách ai được, ông lặng lẽ đạp chiếc xe cọc cạch chở đống đá về căn phòng làm việc của ông ở Cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam. Ngoài cái bàn làm việc ra, khắp nơi chỉ thấy những thùng, những hòm, những bao chứa hóa thạch cổ sinh.
Mẫu hóa thạch cổ sinh trưng bày ở bảo tàng
Cả thời tuổi trẻ ông không chăm lo được cho gia đình mà lê bước khắp chốn non sông. Từ địa đầu Móng Cái, đỉnh núi Lũng Cú, cực Tây Bắc Mường Nhé đến hòn đảo Hải Tặc ông đều đã nhiều lần đi qua. Rồi khắp vùng Thượng, Trung Lào cũng không nơi nào vắng dấu chân ông. Ấy vậy mà chuyện Đặng Vũ Khúc đến với nghề cổ sinh địa tầng cũng thật buồn cười: Từ vụ máy bay đâm vào núi. Hồi đó, ông đi kháng chiến, được cử đi học, rồi trở thành cán bộ đo đạc cầu đường. Lúc đang khảo sát mở đường ở khu vực Phù Yên (Sơn La), một chiếc máy bay địch trúng đạn đã lao vào sườn núi ngay trước mặt ông. Khi mọi người còn mải mê truy tìm tên phi công nhảy dù thì ông chú tâm đến những mảnh đá văng ra từ vách núi.
Vụ nổ máy bay đó đã bóc ra nhiều mẫu hóa thạch cổ sinh là những con sò hình thù rất lạ. Ông mang những con sò này hỏi một chuyên gia địa chất của Liên Xô và khi nghe vị giáo sư này phân tích những mẫu hóa thạch, ông đã bị ngành địa chất "bỏ bùa mê" từ đó. Sau này, khi được cử đi học ở ĐH Bách Khoa, rồi học ở Liên Xô cùng nhiều nước khác, ông không theo ngành giao thông mà xin vào ngành địa chất và trở thành một trong số những chuyên gia địa chất đầu tiên của nước ta. Do mê cổ sinh địa tầng nên anh đi sâu nghiên cứu hóa thạch cổ sinh và trở thành chuyên gia hàng đầu Đông Dương dưới con mắt các nhà cổ sinh địa tầng quốc tế.
Bà con dân tộc sống dọc sông Đà hầu như đều quen mặt mấy ông địa chất. Năm nào cũng vậy, cứ trọn sáu tháng mùa khô, ăn cơm cá mắm trường kỳ, ông ba lô túi xách, cưỡi thuyền tam bản đi ngược sông Đà vừa ngắm hoa ban nở vừa truy tìm những hòn đá có chứa hóa thạch. Đồng bào trông cảnh anh chàng râu tóc lồm xồm ngồi ghè những hòn đá bên bờ sông cả tháng trời mà buồn cười. Họ kể rằng, xưa kia, người Pháp cũng bắt đồng bào hai bên sông đi phục dịch và ghè đá như vậy, nhiều người chết vì rừng thiêng nước độc, thậm chí còn bị họ bắn chết.
Hầu hết những năm tháng tuổi trẻ sống ở trong rừng với đồng bào nên ông nói khá thạo tiếng dân tộc thiểu số. Giờ đây, đã ở tuổi 76, nhưng trong tim lúc nào ông cũng như nghe thấy câu hát của các cô, các bà người Thái khi nhảy xòe bên đống lửa: "Nặm mé hếnh tó lề pên lừm, chẳng lừm. Nặm tè hếnh tó thùa pên lừm, chẳng lừm!". (Nước biển cạn còn bằng lòng đĩa có phải quên nhau, mới quên. Nước sông Đà cạn còn bằng chiếc đũa có phải quên nhau, mới quên!). Mỗi lúc nghe văng vẳng tiếng gọi của núi rừng, ông lại muốn ba lô túi xách đi ngay.
Quyết sống chết cùng đá
Những năm tháng lội rừng tìm mẫu hóa thạch cổ cũng trải bao nguy hiểm tính mạng. Chuyện gặp thú dữ, lũ quét diễn ra như cơm bữa. Rồi sốt rét rừng, rồi ghềnh thác đã cướp đi tính mạng không ít những lính địa chất đầu tiên đi khai sơn phá thạch. Người dân vùng Quỳnh Nhai còn kể mãi chuyện anh lính địa chất râu xồm cưỡi thuyền tam bản vượt thác Cà Nàng. Sóng đập vỡ thuyền, nhưng anh chàng râu xồm Đặng Vũ Khúc quyết… chìm cùng ba lô mẫu hóa thạch. Đồng bào phải xông vào dòng nước xoáy lặn ngụp kéo ba lô đá lên bờ, Đặng Vũ Khúc mới chịu ngoi lên thở.
|
P.N
theo Người Đưa Tin