Việc tăng cường sức phòng vệ cơ thể chống lại bệnh ung thư thông qua những loại thực phẩm có nhiều chất chống oxy hoá là cách chữa bệnh đơn giản nhất. Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo với người mắc ung thư:
- Không ăn các loại thực phẩm để qua đêm. Các loại thức ăn, thức uống thiu, ôi có nhiều nấm mốc có thể tiết ra độc tố aflatoxin dễ dẫn đến ung thư.
- Tránh ăn các loại thực phẩm đã qua chế biến với các phụ gia, hoá chất, các loại đồ hộp, nước uống đóng chai. Các hoá chất nitrits, nitrats hoặc bất cứ loại nào khác được sử dụng để làm cho thực phẩm lâu hư, thêm độ dai, dòn, chất tẩy trắng hoặc chất tạo màu đều là những tác nhân dễ dẫn đến các loại ung thư miệng, ung thư thực quản, dạ dày. Những loại dưa muối thường có hàm lượng cao chất nitrosamin cũng được cho là có liên quan đến ung thư vòm họng, dạ dày.
- Giảm thiểu các loại thức ăn nướng, quay, hun khói. Các loại thức ăn trực tiếp với lửa và những thực phẩm chiên, xào lâu hoặc với độ nóng cao trên 250độ dù với mỡ động vật hay với dầu thực vật đều có thể sinh ra những chất độc hại dễ dẫn đến ung thư. Khi chiên các loại thực phẩm, nên loại bỏ phần dầu thừa bằng cách dùng giấy thấm chuyên dụng của nhà bếp để thấm qua một lần trên những thức ăn vừa chiên xong.
- Giảm bớt việc ăn các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt ngựa, thịt cừu. Thống kê của Tổ chức y tế thế giới cho biết bệnh tim mạch và ung thư thường tỷ lệ thuận với việc ăn nhiều các loại thịt đỏ. Đối với người đang được điều trị ung thư tốt nhất là nên chấm dứt hẳn việc ăn thịt đỏ. Nếu cần ăn chất đạm động vật, chỉ nên ăn cá và một ít thịt trắng như gà, bồ câu đã bỏ da và nội tạng. Cá là một nguồn chất đạm dễ tiêu hoá lại chứa nhiều acid béo omega 3. Người ta khuyên nên ăn cá ít nhất 3 lần một tuần. Đối với người đang được điều trị ung thư không nên ăn trứng. Trứng là một nguồn đạm động vật có hàm lượng cholesterol rất cao. Ăn trứng nhiều cũng có liên quan đến các bệnh ung thư ruột, ung thư vú và ung thư tiền liệt tuyến.
- Chế độ ăn uống phòng chống ung thư cần chế độ ăn uống lành mạnh như không ăn mặn, ăn ít đường, ít mỡ, hạn chế bia, rượu, năng vận động thân thể và duy trì một tinh thần lạc quan và tâm lý thoải mái. Yếu tố tâm lý luôn được xem trọng trong mọi giai đoạn của bệnh tật. Stress làm suy giảm hệ miễn dịch và làm gia tăng nhu cầu chất chống oxy hoá. Ngược lại, sự thư giãn và lạc quan giúp điều hoà nội tiết, nội tạng, gia tăng sức đề kháng và làm giảm nhu cầu chuyển hoá.
P.N
Theo LD