Sự kiện hot
12 năm trước

Người nước ngoài làm hướng dẫn viên chui ở Việt Nam

Để người nước ngoài làm HDV có thể gây hậu họa lâu dài. Họ có thể đem nhiều trò vui sai lệch ra làm cho khách hài lòng, thậm chí bóp méo văn hóa, lịch sử, phong tục để thu hút sự chú ý của du khách.

Để người nước ngoài làm HDV có thể gây hậu họa lâu dài. Họ có thể đem nhiều trò vui sai lệch ra làm cho khách hài lòng, thậm chí bóp méo văn hóa, lịch sử, phong tục để thu hút sự chú ý của du khách. 

Hướng dẫn viên ngoại (đội nón bảo hiểm) đang hướng dẫn đoàn khách nước ngoài ở đường Lê Duẩn, TP.HCM

Nội làm bình phong cho ngoại

Cơ quan quản lý không thể kiểm soát được HDV ngoại truyền đạt những gì cho du khách. Có thể họ sẽ gây hiểu lầm cho du khách nước ngoài về văn hóa, lịch sử, phong tục của Việt Nam.

Sáng ngày 19/6, trong sân Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, một đoàn khách nước ngoài hơn 40 người đứng vây quanh chăm chú lắng nghe một người đàn ông “tóc vàng mắt xanh” thuyết minh bằng tiếng Anh. Đi kèm với HDV ngoại còn có một thanh niên Việt nam mặc áo xanh, là HDV người Việt đóng vai trò “bình phong” cho HDV ngoại, sẽ trình thẻ HDV nếu bị kiểm tra. Phần lớn công việc từ quan trọng nhất là thuyết minh, hướng dẫn đoàn cho tới tìm kiếm phương tiện di chuyển, tập trung đoàn… đều do HDV ngoại đảm trách. Anh này có thể giao tiếp bằng tiếng Việt, thậm chí còn đùa giỡn thân mật với người bán sách dạo trong khuôn viên bảo tàng, chứng tỏ đã nhiều lần đưa khách đến đây.

Trong lúc du khách đang tham quan bảo tàng thì anh ta ra phía ngoài cổng nói chuyện với những người đạp xe xích lô để chuẩn bị đưa khách đến địa điểm tham quan khác. Hơn một giờ sau, anh ta vào bên trong bảo tàng tìm kiếm khách của mình và nhắc họ hết thời gian tham quan. Khách đi bằng xe xích lô, riêng anh ta di chuyển bằng xe ôm.

Điểm đến tiếp theo là nhà thờ Đức Bà. Sau khi ngắm nghía nhà thờ, đoàn khách được HDV ngoại dắt tới Bưu điện thành phố. Tại đây, anh ta giúp đỡ du khách mua hàng rong được bày bán trước cổng bưu điện. Xong, du khách leo lên xích lô đi dọc đường Lê Duẩn về hướng Thảo Cầm Viên (tham quan Bảo tàng Lịch sử). Tới phía đối diện Lãnh sự quán Mỹ, khách được thả xuống xe rồi vây quanh người đàn ông người nước ngoài để nghe hướng dẫn. Người này lôi ra một tập ảnh về con đường này ngày xưa và mải mê chỉ trỏ nói về chúng.

Trước đó, tại Hội An, nơi các hoạt động du lịch được kiểm soát rất chặt chẽ, chúng tôi vẫn bắt gặp HDV ngoại đưa đoàn khách ngoại tham quan các chùa trong phố cổ. HDV này rất thản nhiên hướng dẫn cho khách, xem như ở VN không hề có quy định cấm nào. Quan sát cho thấy, anh ta không mang thẻ HDV.

Các HDV chuyên nghiệp người Việt ở TP.HCM không lạ lẫm gì những HDV ngoại đang hành nghề ở VN. “Có rất nhiều HDV ngoại. Nhiều nhất là HDV người Hàn Quốc. Ở các tỉnh phía bắc, còn có cả người Trung Quốc. Đến vịnh Hạ Long hay các điểm tham quan ở Hà Nội, thế nào cũng gặp. Ở nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, có thể nhìn thấy nhiều người nước ngoài cầm bảng đón khách”, một nữ HDV người Việt khẳng định. Anh Huy, HDV của một công ty du lịch lớn ở TP.HCM cho hay, nhiều người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống đã chọn nghề HDV làm kế sinh nhai.

Du lịch VN dễ mang tiếng xấu

Nước ngoài bao trọn gói

Theo một vị nguyên là phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, những năm gần đây, nhiều công ty du lịch nước ngoài đưa khách vào Việt Nam làm hết mọi việc, chỉ chừa lại mỗi khâu hướng dẫn cho đối tác Việt Nam. Nhưng giờ họ làm luôn việc này, dù pháp luật nghiêm cấm. Đó là do quản lý lỏng lẻo và có sự tiếp tay của các công ty du lịch Việt Nam khi cử HDV làm “sitting guide” (ngồi không) canh chừng cho HDV ngoại.

Hiện nay có hai kiểu HDV ngoại tồn tại ở Việt Nam, thứ nhất là HDV được các công ty du lịch nước ngoài thuê để dẫn đoàn, bên cạnh có HDV người Việt đi kèm. Thứ hai là các HDV ngoại trước đây làm trưởng đoàn đưa khách từ nước ngoài vào Việt Nam, sau một thời gian quen đường đi nước bước đã ở lại Việt Nam tự tổ chức tour. Đối tượng thứ hai này tổ chức tour khép kín, tự móc nối khách ở bên ngoài, đặt phòng, ăn uống… mà không thông qua công ty.

Như vậy chúng ta sẽ bị thiệt hại do họ không đóng thuế, dẫn tới môi trường kinh doanh du lịch trở nên hỗn loạn. Các công ty du lịch Hàn Quốc cũng tổ chức tour khép kín, HDV là người Hàn Quốc và cuối cùng phần lớn doanh thu quay về lại Hàn Quốc.

Những năm trước đây, khách Hàn Quốc vào VN thông qua các công ty Việt Nam. Nhưng sau này không còn mấy người Hàn Quốc đi tour công ty Việt Nam do các công ty VN không thể cạnh tranh về giá với công ty Hàn Quốc. Các công ty này lấy khách từ gốc và tổ chức tour khép kín nên giá tour bao giờ cũng rẻ hơn công ty du lịch Việt Nam.

Một nguy hiểm nữa là cơ quan quản lý không thể kiểm soát được HDV ngoại truyền đạt những gì cho du khách. Có thể họ sẽ gây hiểu lầm cho du khách nước ngoài về văn hóa, lịch sử, phong tục của Việt Nam. Các HDV ngoại làm việc không lương và họ thu nhập từ tiền “típ” của khách hoặc hoa hồng từ mua sắm. Do đó, khách rất dễ bị đưa vào những cửa hàng chặt chém và du lịch Việt Nam sẽ chịu tiếng xấu vì tất cả những rủi ro mà HDV ngoại mang lại.

Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, bức xúc: “Điều mà chúng tôi lo lắng nhất là không thể biết được HDV ngoại này thuyết minh những gì cho du khách. Chắc chắn họ không thể giới thiệu với du khách về đất nước và con người Việt nam tốt như người Việt Nam”.

Theo luật Du lịch, người được cấp thẻ HDV quốc tế phải hội đủ nhiều điều kiện, trong đó buộc phải có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam. Ông Nguyễn Trí Dũng, một HDV tiếng Anh kỳ cựu ở TP.HCM, cho hay các nước trong khu vực cũng không cho phép người nước ngoài làm HDV. Để người nước ngoài làm HDV có thể gây hậu họa lâu dài. Họ có thể đem nhiều trò vui sai lệch ra làm cho khách hài lòng, thậm chí bóp méo văn hóa, lịch sử, phong tục để thu hút sự chú ý của du khách. Ngay cả HDV người Việt, học văn hóa, lịch sử Việt Nam từ nhỏ, mà khi vào nghề còn phải trau dồi kiến thức liên tục để có thể thuyết minh. Sự việc đã sai thì bằng mọi cách phải chấm dứt.

Theo Thanh Niên

Từ khóa: