Nghị lực phi thường đã vực chị sống và tay trắng dựng nên cơ đồ, trở thành một tỉ phú chỉ sau mấy năm gặp nạn. Đó là chị Trần Thị Xuân, 51 tuổi ở tổ 22, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Nghị lực phi thường đã vực chị sống và tay trắng dựng nên cơ đồ, trở thành một tỉ phú chỉ sau mấy năm gặp nạn. Đó là chị Trần Thị Xuân, 51 tuổi ở tổ 22, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Lãnh hậu quả oan uổng trong một cơn ghen mù quáng, người phụ nữ sắc nước hương trời bỗng trở thành một người tàn phế. Trong cuộc chiến đấu với thần chết, chị đã phải trải qua tổng cộng 18 lần phẫu thuật.
Đòn ghen oan nghiệt và 18 lần phẫu thuật giành sự sống
Trần Thị Xuân sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa. 18 tuổi, người con gái ở miền biển Hậu Lộc nhập ngũ, đóng quân ở Nội Bài. Năm 1978, đơn vị chị được tăng cường lên Tây Bắc. Là hoa khôi nức tiếng của sư đoàn, hồi đó chị là Bí thư chi đoàn kiêm Đội trưởng đội văn nghệ, cuộc sống khắc nghiệt nơi quân trường dường như lại làm cho nhan sắc của chị thêm mặn mòi, rực rỡ. Đảm đang, tháo vát, nên đầu năm 1982, chị được lãnh đạo đơn vị quan tâm gửi đi học Trường trung cấp tài chính ở Nhổn, Hà Nội, với dự tính bồi dưỡng chị trở thành cán bộ tài chính - hậu cần phục vụ lâu dài trong quân đội.
Cũng thời gian này, do sự sắp đặt của gia đình, chị kết hôn với một người đồng hương. Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, chồng chị tuy hiền lành, nhưng lại hay rượu chè và còn mắc tính hay ghen, thấy vợ đẹp ra ngoài chẳng thấy yên tâm nên hơi một tí là thượng cẳng chân hạ cẳng tay với chị. Có lần chỉ vì tức giận với một lý do cỏn con, sẵn có tí men trong người, chồng chị cuốn mái tóc dài dày mượt của chị vào thành giường đánh cho bầm dập. Chưa hả giận, anh ta còn lôi chị ra vườn, nhét phân ngựa vào miệng chị rồi để chị nằm ngất xỉu ngoài đó...
Sau lần ấy, biết không thể hòa hợp và tìm hạnh phúc trong cuộc sống gia đình, cuối năm 1982, chị quyết tâm ra đi. Chị đón xe đi Tây Bắc, lên ở với cậu em trai khi đó cũng đang đóng quân tại Điện Biên. Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Điện Biên Phủ là "thánh địa" làm ăn của dân buôn hàng từ Thái Lan, Lào về. Các xe trước khi sang hoặc trở về từ Lào đều chọn Điện Biên là nơi tập kết, giải tỏa hàng hóa. Là người nhạy bén, sẵn có mối quan hệ với bạn bè cũ làm ăn giúp đỡ, chị mở một quầy hàng tạp hóa ở chợ Mường Thanh. Trong số cánh lái xe vẫn ghé đổ hàng cho chị, có anh Trịnh Đình Tư, quê ở Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Mối quan hệ giữa 2 người cũng bình thường như giữa chị với những anh lái xe khác, có chăng "dính" chút đồng hương xứ Thanh nên thi thoảng chị vẫn nhờ anh mang giúp gói quà về cho bố mẹ ở Hậu Lộc. Nhưng chẳng biết miệng lưỡi thiên hạ đồn thổi ác ý thế nào, vợ anh Tư đùng đùng lên Điện Biên tìm chị. Và buổi chiều oan nghiệt đó đã đến. Hôm ấy là ngày 14 tháng giêng năm 1990, chị đang dọn dẹp quầy hàng để về thì có một người phụ nữ bước vào quán hỏi mua đôi pin. Chị ngẩng lên và hứng trọn một ca axit đậm đặc của người đàn bà đó...
Chị được đưa vào Bệnh viện 22 Điện Biên, sau đó tiếp tục chuyển xuống Viện 103 Hà Nội. Và cũng từ đây chị phải trải qua những ngày khủng khiếp nhất cuộc đời. Vết bỏng axít tàn phá toàn bộ khuôn mặt chị, trong đó có đôi mắt, cổ, một phần ngực và 2 cánh tay... Trong khoảng thời gian 4 năm, chị phải lê lết khắp các bệnh viện ở Hà Nội: Viện 103, 108, Việt - Đức, Viện bỏng quốc gia, Bạch Mai... để tìm lại sự sống.
Chị đã trải qua tổng cộng 18 lần phẫu thuật, trong đó có những cuộc đại phẫu như: đục xương sọ để lấy xương sọ ghép làm xương mũi, cắt da bụng, da đùi để ghép lên má, lên cổ, đeo túi silicon gần một năm trời để lấy mấy phân vuông da trán ghép làm mũi, cắt một phần thịt ở lợi để ghép tạo mí mắt...
Chị Trần Thị Xuân cho đàn heo ăn.
4 năm là 1.460 ngày ròng rã, chị Xuân lê lết đi khắp các bệnh viện ở Hà Nội. Nhà đông anh em nhưng toàn làm ruộng, ai cũng nghèo khó nên chẳng ai giúp được chị nhiều. Anh Trịnh Đình Tư vì áy náy với tội ác của vợ mình đã về tạ lỗi với bố mẹ chị và xin nhận làm con trong nhà để tình nguyện chăm sóc chị. Cũng xin được nói thêm, sau khi gây án, người đàn bà nọ đã bỏ trốn (nghe nói là sang Trung Quốc) biệt tăm biệt tích cho đến tận hôm nay.
Chị Xuân kể, mấy năm làm ăn ở chợ Mường Thanh chị tích góp được cả thảy 14 cây vàng, nhưng số của cải đó cũng như muối bỏ bể trong việc giành giật sự sống cho chị. Hết tiền, mổ xong chị nằm ở phòng hồi sức, anh Tư lần mò ra bến xe Giáp Bát và Ga Hà Nội bốc vác thuê kiếm tiền. Hôm nào mưa gió không ai thuê, anh đành nhịn đói, còn chị phải trông chờ vào những bát cơm thừa, chiếc bánh mỳ của những bệnh nhân nằm bên cạnh thương tình cho. Mất đi đôi mắt, chẳng có ai ở bên, chị vẫn một mình tự chăm sóc cho mình.
Hồi đó, quá sốc trước thảm cảnh của vợ mình gây ra với chị Xuân, anh Tư cũng buồn rầu, xin thôi việc, thanh toán "một cục" để chi trả cho chị, nhưng số tiền đó cũng chỉ đủ cho chị mổ ghép da một lần. Cứ mổ xong, lấy lịch hẹn của bác sĩ, anh chị lại dắt díu nhau lên Điện Biên. Anh đi đóng gạch thuê, tích được vài trăm ngàn lại đưa chị xuống Hà Nội mổ tiếp. Những lần chầu chực ở bệnh viện xếp lịch phẫu thuật, chẳng có tiền thuê nhà trọ, ban ngày anh dắt chị ra công viên Thống Nhất, tối lại lần mò về hành lang bệnh viện ngủ nhờ...
Nhắc lại những năm tháng kinh hoàng hồi đó, anh Trịnh Đình Tư vẫn rớt nước mắt. Năm nay mới bước sang tuổi 55, nhưng bao biến cố cuộc đời và những đau buồn trong cuộc sống đã làm cho người đàn ông này khắc khổ, già nua. Biệt danh "Tư sầu" có từ cái đận chị Xuân gặp nạn.
Con đường trở thành tỉ phú của người phụ nữ mù
Tháng 9/1994, sau cái lần phẫu thuật tạo hình khí quản, chị Xuân có thể tự thở được, chị quay lên Điện Biên và quyết định làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng, trong cảnh đui mù, không tiền bạc, nhà cửa. Chị Xuân kể, lúc ở viện về, 2 người còn đúng một cái màn tuyn, đem bán được 8.000 đồng mua yến gạo ăn qua bữa. Anh Tư khi đó sáng, chiều đi đóng gạch thuê kiếm tiền, trưa về tranh thủ ôm bao tải mót sắn, tối lại vác dao lên đồi cắt cây tế ôm về làm vật liệu đun nấu. Bạn bè và hàng xóm ở tổ 22, phường Him Lam (khi đó còn là thị xã Điện Biên Phủ), giúp dựng một căn nhà tranh nứa lá cho 2 người chui ra chui vào.
Về được ít ngày, trong khi vết thương trên đỉnh đầu - di chứng sau cái đận cắt xương sọ, vẫn rỉ máu, hai hốc mắt đỏ lòm thi thoảng lại chảy dịch, chị vẫn tự lần xuống bếp nấu cơm. Một hôm ngồi nghe lỏm câu chuyện của mấy bà hàng xóm về đám thợ dưới xuôi lên làm thuê đang tìm người nấu ăn, chị bàn với anh Tư rồi xung phong đảm nhiệm. Ban đầu chẳng ai tin người phụ nữ tàn phế, nhưng sau thấy chị đưa ra giá rẻ, họ cũng chấp nhận thử xem sao! Thế là chị trở thành bà đầu bếp, mỗi ngày nấu ăn cho nhóm thợ 30 người, mỗi suất cơm khi đó chỉ có 7.000 đồng.
Sau khi bếp ăn của chị có uy tín, chị bàn với chồng vay của bà Độ hàng xóm 100 ngàn đồng để mua 2 con lợn giống. Thức ăn cho lợn là cơm thừa canh cặn của đám thợ. Trời chẳng phụ công, lợn lớn nhanh như thổi. Năm đó xuất chuồng có chút vốn, chị đầu tư nuôi lợn nái, từ một con lên 5, lên 10, lên 20 con. Vẫn một mình chị xoay sở, tự thái chuối lợn, băm rau, hì hục đun cám, cho lợn ăn. Chị không nấu cơm thuê nữa mà đầu tư nuôi lợn. Năm 1996 - 1997, tức là sau hơn 2 năm từ cái lần trở về sau ca đại phẫu thứ 18, chị đã có lưng vốn vài chục triệu đồng...
Gia đình anh chị Trần Thị Xuân và Trịnh Đình Tư.
Năm 1996, sức khỏe tương đối ổn định, dù nhiều người can ngăn nhưng chị vẫn quyết định có bầu và sinh cô con gái đầu lòng Trịnh Huyền Trang. Nuôi con đến người sáng mắt còn vất vả huống hồ đui mù như chị, nhưng chị vẫn một mình lo tất cả. Sinh con được 1 ngày chị đã phải lần dậy giặt giũ rồi cám bã cho đàn lợn gà. Không thể kể hết nỗi vất vả, càng không thể hình dung được nghị lực phi thường, sắt đá ở người phụ nữ này; một ngày làm việc của chị bắt đầu từ 4 giờ sáng, khuấy bột cho con, sau đó băm bèo, thái rau,... rồi lao vào với 8 nồi cám dung tích 100 lít một nồi. Vất vả như thế, nhưng 3 năm sau chị lại quyết định sinh thêm cháu thứ hai, cậu bé Trịnh Xuân Trường...
Anh Tư bỏ làm gạch đi lái xe thuê cả tuần, một mình chị 2 đứa con cùng bầy lợn, gà như thế, nhưng chị vẫn một tay thu vén, lo toan trọn vẹn. Để làm được những việc như thế, chị phải học rất nhiều và phải "trả giá" rất nhiều. Anh Tư hãi nhất là xem chị tìm ổ điện. Hồi kinh tế khấm khá hơn, anh sắm nồi cơm và ấm điện, chị nằng nặc đòi anh dạy cách sử dụng. Có hôm chị rờ rẫm cắm nồi cơm bị điện giật ngã lăn ra bất tỉnh may mà không chết. Băm bèo thái chuối cũng là việc kỳ khu với người phụ nữ mù này. Ban đầu thì thái chuối, băm vào tay máu me bê bết, sau cũng quen dần và chị làm rất thành thạo.
Năm 1999, chị vay mượn, rồi chung mua 1 chiếc xe tải cho chồng chị chạy vùng cao. Khi lên, xe chở hàng khô, vải vóc, khi về thì mua gom gạo, thóc, kèm theo củi mang về Điện Biên vừa bán vừa để làm chất đốt chăn nuôi lợn, gà. Nhờ biết tính toán, lại được nhiều người tốt giúp đỡ, việc làm ăn của vợ chồng chị rất phát đạt. Những năm từ 2000 - 2008, trung bình mỗi năm anh chị thu nhập kinh tế gia đình từ 400 - 600 triệu đồng. Cuối năm 1999, anh chị xây căn nhà 3 tầng to nhất phố. Năm đó, chị cũng đầu tư mua một lúc 3 chiếc ôtô (một xe tải, 1 xe khách, 1 xe du lịch) để chạy hàng vùng cao và vận tải hành khách, làm dịch vụ cho thuê xe. Anh chị trở thành ông bà chủ, thuê từ 5 - 10 lao động.
Trở thành bà chủ, nhưng chị vẫn ham công tiếc việc, "quán xuyến" 200 con lợn thịt, hàng ngàn con gà, vịt, ngan. Cứ vào dịp cuối năm, chị xuất hơn 20 tấn lợn hơi, 6 tấn gà thịt. Công việc làm ăn của chị không phải bao giờ cũng thuận lợi, có năm dịch bệnh tai xanh chị phải tiêu hủy gần 200 con lợn thịt. Năm 2000, chị bị lừa mất gần 41 cây vàng (chính xác là 40 cây 8 chỉ), trị giá trên 200 triệu đồng (vàng khi đó xấp xỉ 500 ngàn/chỉ). Của đau con xót, nhưng chính chị lại động viên anh Tư "thôi của đi thay người, mình còn sức khỏe thì sẽ làm lại từ đầu...".
Chị trở thành nông dân sản xuất giỏi, nhiều năm liên tục được UBND TP Điện Biên Phủ và tỉnh Điện Biên tặng bằng và giấy khen. Giờ đây, của cải lớn nhất của anh chị là hai đứa con, cô bé Trịnh Huyền Trang giờ đã học lớp 10, năm học 2010 - 2011, em giành giải Nhì học sinh giỏi vật Lý cấp tỉnh, cậu bé Trịnh Xuân Trường giờ đã vào lớp 7, cũng là một học trò xuất sắc.
Mới tháng 7 nhưng tiết trời cao nguyên Mộc Châu đã sậm sùi, tê tái vì rét và sương mù. Tôi ngồi nói chuyện với anh chị Trần Thị Xuân và Trịnh Đình Tư tại một căn nhà khang trang ở Tiểu khu Nhà nghỉ Công đoàn, thị trấn Nông trường Mộc Châu, Sơn La. Căn nhà và khu đất rộng hơn 1ha, có đến 60m bám mặt đường này anh chị mua năm 2008 với giá gần 1 tỉ đồng, nay đã có người trả hơn 2 tỉ. Khí hậu Mộc Châu mát mẻ, tiện cho phát triển kinh tế trang trại nên anh chị dự kiến sẽ về đây tính chuyện làm ăn sau này, chứ bây giờ, Điện Biên Phủ vẫn là mảnh đất nhiều duyên nợ với cuộc đời anh chị.
Theo Công an Nhân dân