Với lòng hâm mộ, bằng đôi bàn tay khéo léo và lòng yêu nghề, chàng thợ mộc Trần Quốc Hoàng ở Hà Tĩnh đã “hô biến” những gốc cây “vô tri, vô giác” trở thành hình ảnh mang thần thái… đem đến cho người xem cảm giác chân thật, gần gũi và thân quen.
Đam mê mỹ thuật
Sinh ra và lớn lên ở vùng bãi ngang, những chàng thanh niên ở nơi vùng đất gió Lào miền Trung bao đời nay vẫn bám biển mưu sinh, nhưng anh Trần Quốc Hoàng (SN 1987, trú tại thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) lại chọn cho mình một hướng đi, một niềm đam mê khác…
Tài năng của cậu bé Hoàng được thể hiện trong những buổi chăn trâu cắt cỏ, Hoàng đã dùng đất sét để nặn những người nổi tiếng mà mình nhìn thấy, yêu mến. Các tác phẩm hồi đó của Hoàng được bạn bè rất yêu thích.
Lớn lên, Hoàng rời quê hương đi làm thuê nhiều nơi để kiếm tiền trang trải cuộc sống và theo đuổi đam mê. Năm 2011, anh theo học lớp Trung cấp về nghề mỹ thuật, sau đó đi làm nghề đục tượng tại TP. Hồ Chí Minh và Campuchia.
Với những kiến thức học được, năm 2015, Hoàng về huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) để mở xưởng đục tượng các con giáp. Tuy nhiên, không lâu sau đó, anh đóng xưởng do cảm thấy bản thân chưa đủ năng lực.
Để nâng cao tay nghề, anh Hoàng tiếp tục rời quê tìm đếm những xưởng gỗ lớn, nổi tiếng để học nghề. Anh vào xưởng làm việc không cần lương, thế là cơ duyên đục tượng truyền thần đến với chàng trai Hà Tĩnh.
“Cái tôi học được ở các nghệ nhân nổi tiếng không phải là kỹ thuật để làm nên bức tượng mà đó là tư duy”, anh Hoàng chia sẻ.
Đến năm 2018, anh Hoàng quyết định về quê hương, được bố mẹ cắt cho một mảnh đất trong ngõ nhỏ để mở xưởng chuyên về tạc tượng truyền thần.
“Hồn” sản phẩm ở tâm người nghệ nhân
Tượng gỗ truyền thần ở xưởng anh Hoàng có 2 thể loại. Một là tượng mang tính nghệ thuật, tạc những nhân vật nghệ sỹ, nhân vật dân gian và thường được đục bằng nhiều loại gỗ, như: Hương, cẩm, trắc… Tượng lưu niệm, anh thường tạc trên gỗ mít, nhân vật những người thật, chính trị gia, doanh nhân, người nổi tiếng. Gỗ để làm tượng truyền thần đòi hỏi phải có độ già, vân đẹp, thớ mịn.
Anh Hoàng cho biết: “Nghề đục tượng gỗ truyền thần cần có đam mê, cơ duyên và đặc biệt là cái tâm và tư duy của người làm nghề. Mỗi bức tượng sẽ có một thần thái riêng, cá tính riêng”.
Đặc biệt, nghề đục tượng truyền thần đòi hỏi người thợ phải tìm hiểu rất nhiều về nhân vật mà mình tạc tượng, nắm bắt được “cái thần” của họ để thổi hồn vào tác phẩm.
Người nghệ nhân không chỉ thổi hồn vào từng nét khắc và tạc tượng để tạo ra một sản phẩm giống vật mẫu, họ còn mong muốn đem đến cho người xem cảm giác chân thật, gần gũi và thân quen.
“Làm nghề truyền thần chỉ tài năng và đam mê chưa đủ, cái tâm của người làm mới quan trọng nhất. Từ cái tâm của mình và nhân vật, mình truyền vào nhân vật và nhân vật truyền lại mình mới tạo ra một sản phẩm có hồn được” - anh Hoàng nói.
Một bức tượng truyền thần hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn như: tìm phôi, phá hình khối, đục nét chính, nếp nhăn, đánh bóng và quan trọng nhất là công đoạn mở đôi mắt.
“Để bức tượng có thần thái thì đôi mắt là quan trọng nhất, tôi thường thực hiện công đoạn này ở thời điểm lúc 2 - 3 giờ sáng, bởi khi đó sẽ có sự tập trung tư duy cao nhất” - anh Hoàng cho biết về việc khó nhất trong bức tượng truyền thần.
Về cuộc sống gắn với nghề, anh Hoàng vui vẻ cho biết, nghề truyền thần mang lại thu nhập khá cao, so với ở miền quê thì số tiền kiếm được dễ sống cho nên anh không đặt nặng về kinh tế mà tập trung vào chất lượng những sản phẩm tạo ra. Có những bức tượng vì quá tâm huyết nên dù nhiều người trả giá cao anh cũng không bán.
“Người mua tượng của tôi cũng cần có cơ duyên, tôi chỉ bán cho những người trân trọng tác phẩm của mình. Trung bình, mỗi bức tượng truyền thần có giá từ 10 - 20 triệu đồng, bức tượng cao nhất có giá hơn 50 triệu đồng. Có những người sau khi mua tượng còn gửi thêm tiền thưởng cho tôi”, anh Hoàng nói.
Mỗi bức tượng được anh Hoàng truyền thần thường có người mua với giá hàng chục triệu. Tuy nhiên, anh Hoàng không đặt nặng kinh tế chạy theo số lượng mà chú trọng vào chất lượng sản phẩm anh tạo ra.
Bằng đôi bàn tay tài hoa của mình anh Hoàng đã thổi hồn vào những bức tượng với những thần thái phong phú, sinh động thu hút mắt nhìn. Theo anh Hoàng, có nhiều người muốn ngỏ ý hợp tác cùng anh với mức đãi ngộ rất cao, muốn anh mở xưởng ở những thành phố lớn để có cơ hội phát triển cũng như có thu nhập cao hơn, tuy nhiên anh đều từ chối, bởi anh mong muốn lập nghiệp ở quê nhà, muốn làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương cũng như muốn truyền nghề lại cho những người có chung đam mê và sở thích.
Tặng tượng cho HLV Park Hang-seo
Say mê với nghề, nhưng cũng giống như triệu triệu trái tim của người hâm mộ môn thể thao vua, anh Hoàng rất yêu bóng đá, đặc biệt là bóng đá Việt Nam.
Qua những thành công rực rỡ trên các đấu trường Đông Nam Á, châu Á của đội tuyển Việt Nam thời gian gần đây, anh Hoàng cho rằng, những kết quả đó có sự góp công, góp sức rất lớn của huấn luyện viên Park Hang Seo và bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) nên anh quyết tâm truyền thần 2 nhân vật này để thể hiện sự kính mến dành cho họ.
“Tôi rất trân trọng hai con người này và mong muốn được gửi tặng những tác phẩm này đến họ như lời cảm ơn của một người hâm mộ bóng đá đối với những đóng góp của họ cho bóng đá Việt Nam” - anh Hoàng cho biết lý do truyền thần hai nhân vật trên.
Để thực hiện ý định của mình vào ngày 17/11 trong buổi tập của Đội tuyển Việt Nam trên SVĐ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, anh Hoàng vượt hàng trăm cây số mang bức tượng HLV Park Hang Seo trực tiếp tặng cho vị huấn luyện viên trưởng của đội tuyển Việt Nam.
Diễm Phước
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng