Làm nhà thu nhập thấp, doanh nghiệp chấp nhận “bỏ tiền chẵn thu tiền lẻ” tuy nhiên ngay cả với khách hàng, họ cũng không mấy mặn mà với loại hình nhà ở này vì nhiều bất cập.
Làm nhà thu nhập thấp, doanh nghiệp chấp nhận “bỏ tiền chẵn thu tiền lẻ” tuy nhiên ngay cả với khách hàng, họ cũng không mấy mặn mà với loại hình nhà ở này vì nhiều bất cập.
Bên không đủ tiền, bên thiếu dịch vụ
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố xảy ra tình trạng hàng loạt dự án nhà thu nhập thấp doanh nghiệp bỏ vốn ra hàng trăm tỷ đồng nhưng khả năng thu hồi vốn quá chậm do việc bán nhà cũng như thủ tục pháp lý quá chậm.
Ví dụ như dự án CT19 - khu đô thị Việt Hưng (Long Biên) có tổng mức đầu tư gần 180 tỷ đồng, với 515 căn hộ nhưng đến nay mới chỉ bàn giao được 270 căn; dự án CT21 khu đô thị Việt Hưng với số vốn 121 tỷ đồng, gồm 300 căn nhưng thành phố mới duyệt 178 căn; dự án Đặng Xá (Gia Lâm) cũng mới chỉ bán được 650 căn trong tổng số gần 950 căn...
Ông Trần Đức Sơn, Giám đốc Công ty quản lý và phát triển Nhà Hà Nội cho biết, dự án nhà ở Việt Hưng hiện có 174 căn hộ trên tổng số hơn 800 căn cho thuê, mua. Tuy nhiên chủ đầu tư đang “sống dở chết dở” vì sau nhiều năm chưa thu hồi được vốn.
Nhà cho người thu nhập thấp rất khó thu hồi vốn
“Vướng mắc lớn nhất ở chỗ, nhiều khách hàng thuộc diện chính sách sau khi đóng 20% tiền đợt đầu, 80% còn lại mãi không nộp được vì cuộc sống khó khăn, thậm chí có những hộ tiền ăn còn chưa đủ”, ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Chính, Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng nêu một dẫn chứng cụ thể là dự án nhà ở khu công Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội).
Mặc dù dự án được vay 70% giá trị dự toán công trình trong 15 năm với lãi suất 3,6%/năm, hiện dự án đã xây xong 1 tòa 6 tầng, còn 4 tòa chưa thực hiện.
Song khó khăn của dự án này chính là vị trí nằm ở cánh đồng, các dịch vụ khác như trường học, siêu thị,…chưa có, nên việc thu hút người vào ở là rất khó. Hiện mới chỉ có khoảng 70% lượng công nhân vào ở.
Ngoài ra, theo ông Chính, ngoài những tồn tại nữa là do nhiều dự án được đầu tư tại những khu vực xa dân cư, xa trường học, chợ,…vấn đề về giá bán, giá thuê khá cao,… cũng khiến cho nhiều người không muốn dọn đến ở.
Đối với nhà cho thuê, tình hình thậm chí còn bi đát hơn khi kế hoạch của thành phố từ năm 2011 đến 2015 dự kiến phát triển 1,6 triệu m2 nhà ở cho công nhân thuê, nhưng đến nay doanh nghiệp mới chỉ đăng ký được hơn 536.000 m2, đạt 33,5%.
Nguyên nhân được Sở Xây dựng Hà Nội xác định là do quy định về nhà cho thuê khá ngặt nghèo nên việc thu hồi vốn lâu, nhiều rủi ro, trong khi giá thuê lại cao, nên người lao động khó có khả năng chi trả. Đối với các dự án sắp triển khai lại chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết, chưa có đất sạch.
Nói về các nguyên nhân khiến cả chủ đầu tư lẫn khách hàng chưa mặn mà với các loại hình nhà ở xã hội, bà Tô Thị Hạnh, Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội cho rằng, thực tế hiện nay cả doanh nghiệp và người dân chưa nhận được nhiều hỗ trợ từ phía nhà nước, khiến giá bán vẫn còn khá cao, vượt quá khả năng chi trả của người thu nhập thấp.
Cụ thể, các dự án nhà thu nhập thấp chỉ được miễn thuế trong năm 2009, được hưởng 10% lợi nhuận định mức khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
“Tôi cũng từng làm doanh nghiệp nên biết cái khó của họ. Không ai có thể chấp nhận việc “bỏ tiền chẵn, thu tiền lẻ” về cả”, bà Hạnh cho biết.
Cụ thể như dự án xây nhà cho công nhân của khu công nghiệp Phú Nghĩa, mặc dù chủ đầu tư hứa hẹn sẽ tiếp tục vay tiền quỹ để đầu tư nhưng một năm nay lại đang có ý định chuyển đổi, do đó dù chỉ mới xây 1 trong số 4 tòa theo dự kiến nhưng cũng không thể lấp đầy.
Chốt lại vấn đề, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho rằng, vấn đề khúc mắc ở đâu sẽ tháo gỡ ở đó, nhưng cần phải có cách để làm, chứ không nên cứ bàn mãi rồi để thế mà trôi đi.
Điệp khúc xin cấp thêm vốn
Cũng theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện 10 dự án xây dựng nhà ở dành cho người thu nhập thấp đang làm thủ tục đầu tư, triển khai xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội, thì có đến 7-8 chủ đầu tư kiến nghị thành phố cấp thêm vốn. Tổng số tiền doanh nghiệp cần vay trong năm 2012 dự kiến vượt trên 1.000 tỷ đồng.
Một số dự án chủ đầu tư đề xuất vay thêm vốn điển hình như: Dự án khu tái định cư CT1, CT2 ở Kiến Hưng (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) do Liên doanh Công ty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai và Công ty CP Xây dựng số 21 Vinaconex làm chủ đầu tư. Để đảm bảo tiến độ, chủ đầu tư đề xuất nhu cầu vay vốn ưu đãi năm 2012 là 300 tỷ đồng.
Hay Dự án xây dựng nhà ở thu nhập thấp tại khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (huyện Từ Liêm) do Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị (HUD) làm chủ đầu tư, với 1.456 căn hộ hoàn thành năm 2015 cũng đề xuất vay 100 tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, nguồn vốn của các doanh nghiệp theo quy định là có tối thiểu 20% vốn. Một phần huy động từ khách hàng và từ nguồn vay ưu đãi.
Đối với khoản vay ưu đãi, Sở Xây dựng phải phối hợp với Sở Tài chính kiểm soát lại từng dự án xem khối lượng, tổng mức đầu tư, giá trị đầu tư hiện đã thực hiện được bao nhiêu. Đã vượt quá 20% vốn của chủ đầu tư chưa. Tiếp theo, là tương quan giữa tiến độ thực hiện dự án với phần tiền góp vốn của khách hàng.
“Phải quản chặt nguồn vốn này để đảm bảo tiến độ của dự án. Việc xây dựng kế hoạch tài chính phải dựa theo phương thức ưu tiên thuận lợi cho nhà đầu tư”, ông Khôi khắng định.
Ông Khôi cũng đề nghị lập 1 tổ công tác để thực hiện kiểm tra, rà soát lại tiến độ cũng như tình hình thực tế tại một số dự án nhà ở xã hội hiện nay. Các Sở sẽ cử một lãnh đạo dành ra 1 tháng chỉ làm một việc duy nhất là khảo sát, chỉ đạo các dự án này, vướng mắc ở đâu phải giải quyết ngay.
Theo VTC News