Sự kiện hot
12 năm trước

Nhật ký dở dang của con trai tử tù

Bố của Vì Văn Nguyên lãnh án tử hình vì tội buôn ma túy. Một năm sau, mẹ Nguyên cũng bị bắt thi hành án tù 15 năm vì vận chuyển ma túy. Vì Thị Nga (em gái Nguyên) lớn lên không nhớ mặt cha, cũng không được ở gần mẹ.

Bố của Vì Văn Nguyên lãnh án tử hình vì tội buôn ma túy. Một năm sau, mẹ Nguyên cũng bị bắt thi hành án tù 15 năm vì vận chuyển ma túy. Vì Thị Nga (em gái Nguyên) lớn lên không nhớ mặt cha, cũng không được ở gần mẹ.

Nga giờ đã học lớp 9. Nguyên và chị gái xuống Hà Nội học nghề vì được một vài người giúp đỡ.

Nguyên có thói quen ghi nhật ký từ khi còn nhỏ. Cuốn nhật ký với nhiều lỗi chính tả, cách viết mộc mạc nhưng chứa đầy tâm tư của con trai một tử tù.

Đàn chim lạc mẹ

Chuyện bố Nguyên bị bắt vì buôn bán ma túy được mẹ Nguyên giấu biệt. Mẹ nói với ba chị em Nguyên rằng bố đi làm ăn xa. Khi bố Nguyên lãnh án tử hình thì mọi chuyện không còn giấu được nữa. Trong nhật ký của mình, Nguyên viết:


Những bản làng thơ mộng ở Điện Biên nay trở thành những “điểm đen” về ma túy

“... Năm tôi lên lớp 6, một tin đau lòng từ đâu trút xuống nhà tôi: một tờ báo của trại giam, trong đó viết rằng bố tôi bị chịu phạt mức án tử hình vì tội buôn bán trái phép chất ma túy. Khi đó ba chị em tôi còn là những đứa trẻ nên nỗi buồn lắng dịu nhanh. Người đau đớn nhất vẫn là mẹ tôi, người phụ nữ dân tộc Thái có kiến thức chưa qua lớp 1.

Thời điểm đó kinh tế còn rất khó khăn, mẹ tôi đã cố gắng oằn mình chấp nhận và nuôi ba chị em tôi. Ba chị em tôi sống cùng mẹ với những ngày không có cha, chúng tôi vẫn đi học bình thường. Tôi còn nhớ rõ sau một buổi tan trường, chúng tôi tung tăng về nhà định gọi mẹ khoe điểm 10 thì ông nội tôi cầm một tờ giấy bảo chúng tôi rằng: “Mẹ cháu đã bị bắt vì tội buôn bán ma túy, phải ngồi tù 15 năm”.

Lúc đó tôi học lớp 7, chị tôi khóc đến sưng cả đôi mắt. Không hiểu sao đôi mắt tôi vô tình đến lạ, tôi cứ ngỡ mình sẽ tuôn ra những cơn mưa nước mắt, nào đâu những giọt nước mắt tự chảy ngược vào trong.

Hơn nửa đời người của mẹ tôi thành bất hạnh, đau đớn bởi bản án “tử hình” của bố tôi và án tù của mẹ tôi. Cách nghĩ của mẹ tôi giản dị, mộc mạc như những bà mẹ cao cả khác: “Ba đứa con của tôi đói rách quá, tôi phải làm gì đó mới có tiền mua thức ăn cho con”. Người ta lợi dụng những người thật thà như mẹ tôi, họ nói với mẹ là “hãy đưa giúp một chiếc hộp đến chỗ kia thì sẽ được một số tiền”. Mẹ tôi đã tin. Kết cục: tang chứng, vật chứng, tiền... bản án 15 năm tù được thiết lập.

Ba chị em tôi trở thành những chú chim non trên cành cây cao, kêu ríu rít gọi chim mẹ, kêu mãi chẳng thấy chim mẹ đâu.

Nơi ba chị em tôi sinh sống lúc đó như một hoang mạc, chứa nhiều loài thú săn mồi. Bởi Na Ngưm là điểm ma túy “nóng” nhất tại Điện Biên. Người nghiện ngáp ngắn ngáp dài. Làng quê đầy kim tiêm, trộm cắp, đấu đá, chém giết, cướp của... Từ gia đình, họ hàng, nơi tôi sinh ra, bạn bè tôi giao du... chỗ nào cũng “đen đen” một chút. Chúng tôi cố sống như cố khiêu vũ trên đôi giày có gót cao 30cm.

Nửa ngày đến lớp, nửa ngày tôi phải làm việc ở nhà để kiếm thêm thu nhập. Ngày thứ bảy được nghỉ sớm, các bạn trong lớp tổ chức đi chơi nhưng tôi phải từ chối để cày nốt mảnh ruộng, nếu không kịp thời vụ lấy gạo đâu mà ăn, buổi tối tôi còn phải xây nốt chuồng gà nếu không những chú gà của tôi lấy chỗ nào mà ngủ. Tôi thương và khâm phục chị gái tôi vô cùng. Chị tôi rất cứng cỏi. Làm nông nắng cháy khiến da chị tôi đen sạm. Chị tôi lúc đó mới 20 tuổi mà trông như người phụ nữ mấy chục tuổi.

Một ngày, tôi nhận được điện thoại của chị Trang bên báo Phụ Nữ, chị hỏi tôi có muốn đi học nghề không. Tôi được xuống Hà Nội học y, chị tôi học trường cán bộ phụ nữ. Tôi dự định hoàn thành cuốn nhật ký của mình để xuất bản như một cách trả ơn chị Trang vì chị đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Một người anh họ của tôi bảo: “Em định đi bêu riếu cuộc sống của em ở nơi đây ra khắp thiên hạ sao? Em không ngần ngại người ta à? Em đã chịu nhiều đau đớn, em không muốn được yên tĩnh sao?”.

Lời nói của anh họ luôn làm tôi canh cánh trong lòng. Tôi đắn đo. Tôi thấy mình ích kỷ vì đã giấu thân thế là con trai một tử tù với hai người bạn hồi học cùng cấp III, nhưng tôi không đủ can đảm để nói. Chuyện tôi là con của tử tù cũng được giấu biệt khi tôi xuống Hà Nội học...”.


Nhà báo Thu Trang (ngồi) trong một lần công tác ở vùng cao - Ảnh do nhân vật cung cấp

Nhật ký dở dang

Cuốn nhật ký của Nguyên dừng lại ở đó.

Chúng tôi tìm về bản Na Ngưm, huyện Thanh Yên, tỉnh Điện Biên. Không có nhiều người trong bản biết hiện ba chị em Nguyên đang làm gì. Ngôi nhà của bố mẹ Nguyên để lại rộng rãi, kiên cố nhưng hoang vắng. Người làng và một vài tờ báo gọi đó là ngôi nhà ma. Từ ngày bố thi hành án tử, mẹ bị bắt, anh Nguyên và chị Tinh xuống Hà Nội học, Nga phải ở nhà một mình. 16 tuổi, Nga tự lập bằng một buổi đi học, buổi đi làm nương kiếm gạo. Nga sống và tự vươn lên như loài cỏ dại ven đường. Khi chúng tôi đến, Nga đang chuẩn bị phơi thóc. Nga không nhớ mặt bố bởi khi bố bị bắt đi, Nga còn quá nhỏ. Khi Nga chuẩn bị thi lên cấp III thì mẹ cũng sắp ra tù.

Tôi xuống Hà Nội tìm Nguyên. Gọi điện cho cả chục người mới xin được số điện thoại của người đã giúp Nguyên xuống Hà Nội học. Người phụ nữ trẻ rất cẩn trọng khi biết tôi muốn gặp Nguyên. Đó là nhà báo Thu Trang (báo Phụ Nữ TP.HCM). Trong một lần về Na Ngưm viết bài, biết câu chuyện của ba chị em Tinh, Nguyên, Nga nên chị Trang đã tìm cách giúp hai chị em xuống Hà Nội Học.

Nhờ sự giúp đỡ quý báu đó, Tinh hiện đang học công tác xã hội ở trường cán bộ phụ nữ. Năm nay Tinh sẽ ra trường, dự tính xin về Điện Biên làm việc. Nguyên thì dang dở hơn, bỏ học trường y giữa chừng. Thu Trang xin cho Nguyên làm quản lý bán hàng trong một cửa hàng thực phẩm, Nguyên làm giữa chừng rồi bỏ đi. Nguyên bảo đang ấp ủ một dự án về môi trường. Rồi Nguyên xin làm phục vụ cho quán karaoke, môi trường phức tạp, nhiều tệ nạn, Nguyên lại xin nghỉ. Cuốn nhật ký Nguyên hứa sẽ hoàn thành vẫn dở dang đến tận bây giờ.

Hiện Nguyên vẫn chưa tìm được việc, đang ở nhờ ký túc xá của một người bạn. Nguyên bảo muốn được đi học lại trường y, nhưng lại sợ “cơ hội ấy không bao giờ đến lần thứ hai nữa”. Tôi bảo việc đi học lại trung cấp y không có nhiều khó khăn, chỉ nộp hồ sơ vào đăng ký học. Nguyên lại lo lắng không ai nuôi Nguyên và cả em Nga ăn học, sợ mẹ cuối năm ra tù không biết sẽ thế nào... Nhiều nỗi lo như thế, Nguyên đã tự giam mình trong một mớ bòng bong không thể nào thoát ra.

Mẹ Nguyên cuối năm nay sẽ ra tù. Nguyên khoe mẹ đã học nghề may trong trại giam. Nhà báo Thu Trang hứa sẽ tặng mẹ cái máy may để mẹ kiếm thêm thu nhập tại nhà. Chị Tinh cũng chuẩn bị ra trường và có hạnh phúc riêng. Còn Nguyên... Nguyên đã bản lĩnh bước qua điểm đen ma túy ở Na Ngưm, Nguyên không bị những mất mát của gia đình, án tử của bố hay án tù của mẹ đè nặng lên vai. Nguyên đã sống những ngày thật tốt đẹp trong sự hi vọng và dõi theo của rất nhiều người. Vẫn hi vọng sự dừng lại của cậu con trai người tử tù bây giờ chỉ là sự nghỉ chân giữa một cuộc hành trình dài đầy gian nan...

Theo Tuổi Trẻ

Từ khóa: