Sự kiện hot
10 năm trước

Nhật sắp nối lại sản xuất điện hạt nhân sau sự cố Fukushima

Nhà máy điện hạt nhân ở Tây Nam Nhật Bản đã vượt qua các rào cản ban đầu về các tiêu chuẩn an toàn hôm 16/7.


Nhà máy Sendai của Công ty Điện lực Kyushu. (Nguồn: Kyodo)

Đây có thể là một bước tiến quan trọng giúp nhà máy này trở thành tổ hợp hạt nhân đầu tiên được tái khởi động dựa trên các tiêu chuẩn an toàn mới kể từ sau cuộc khủng khủng hoảng hạt nhân Fukushima 2011.

Ủy ban ra quyết định thuộc Cơ quan pháp quy hạt nhân (NRA) đã thông qua một báo cáo yêu cầu nối lại các hoạt động của hai lò phản ứng tại nhà máy Sendai của Công ty Điện lực Kyushu ở Kagoshima.

Báo cáo dài 420 trang, bao gồm cả các biện pháp đối phó với động đất, sóng thần và các rủi ro khác nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7/2013, sẽ được hoàn tất sau giai đoạn tham vấn công khai kéo dài nhiều tháng đến ngày 15/8.

Chủ tịch NRA Shunichi Tanaka cho biết các quy định mới khá khắt khe và rào cản về an toàn cao hơn so với trước đây. Ông mô tả mức độ an toàn của nhà máy Sendai “gần đạt tới ngưỡng cao nhất” trên thế giới. Tuy nhiên, công ty điện lực này có thể sẽ không tái kích hoạt nhà máy trước mùa Thu năm nay trong khi vẫn cần nhận được sự đồng ý của địa phương và hoàn tất một số thủ tục khác.

Tỉnh trưởng Kagoshima Yuichiro Ito cho biết ông sẽ “tiếp tục giám sát” tiến trình thẩm tra độ an toàn trong khi Điện lực Kyushu sẽ “phải có các biện pháp phù hợp để đảm bảo an toàn.”

Ông Hideo Iwakiri, Thị trưởng thành phố Satsumasendai, nơi đặt nhà máy trên cho biết ông tin rằng nhà máy này an toàn khi đáp ứng các tiêu chuẩn do chính quyền trung ương đề ra.

Với việc Nhật Bản đã phải trải qua một mùa Hè không có điện hạt nhân gần nửa thế kỷ qua và chi phí nhiên liệu của các nhà máy sản xuất nhiệt điện tăng vọt, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang nỗ lực tái khởi động các lò phản ứng sau khi độ an toàn được đảm bảo.

Ông Abe ngày 16/7 tái khẳng định quan điểm của Chính phủ là sẽ thúc đẩy sản xuất điện hạt nhân mà hoạt động này từng cung ứng khoảng 30% sản lượng điện cho Nhật Bản trước cuộc khủng hoảng Fukushima.

Tuy nhiên, theo điều tra của hãng tin Kyodo, hơn một nửa số người trả lời cho biết họ phản đối tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân. Hiện tại, toàn bộ 48 lò phản ứng ở Nhật Bản vẫn ngừng hoạt động trong khi cuộc khủng hoảng hạt nhân tại tổ hợp Fukushima số 1 của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), sự cố tồi tệ nhất kể từ thảm họa Chernobyl năm 1986, khiến các công ty điện lực khó nối lại hoạt động sau kiểm tra định kỳ. Để được tái khởi động, các lò này cần trải qua các đánh giá dựa trên những tiêu chuẩn mới.

Điện lực Kyushu là một trong số các công ty điện lực đầu tiên đăng ký thẩm tra an toàn khi các quy định mới bắt đầu có hiệu lực. Nhà máy Sendai trở thành "ứng cử viên" hàng đầu cho việc nối lại sau khi vượt qua những trở ngại chính liên quan đến các nguy cơ động đất và sóng thần có thể tác động đến tổ hợp ven biển này.

Các quy định mới đòi hỏi các công ty điều hành nhà máy điện phải thực hiện các biện pháp an toàn dựa trên những bài học từ thảm họa hạt nhân Fukushima, xảy ra sau khi hứng chịu thảm hoạ kép động đất, sóng thần ngày 11/3/2011.

Trong khi một số chuyên gia cho rằng Điện lực Kyushu đang đánh giá thấp các vụ phun trào núi lửa có thể tác động đến nhà máy, cơ quan này ủng hộ tuyên bố của công ty rằng những rủi ro như vậy là “nhỏ.” Đến nay, Điện lực Kyushu và 8 công ty điện lực khác đã đăng ký tham gia sát hạch an toàn cho tổng cộng 19 lò phản ứng. Các thủ tục thẩm tra cho các nhà máy điện hạt nhân khác được cho là sẽ sớm được tiến hành.

Chủ tịch NRA Tanaka lưu ý rằng các chuyên gia pháp quy “đã có cuộc thảo luận thấu đáo” về nhà máy điện hạt nhân Takahama của Công ty điện lực Kansai đồng thời cho biết nhà máy ở tỉnh Fukui này có thể sẽ là ứng cử viên tiếp theo đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn.

Hữu Thắng
theo Vietnam+

Từ khóa: